(Baonghean) - Thực tiễn đã, đang đặt ra cho cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong hệ thống chính trị cần phải đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện. Và một trong những biện pháp đó là tăng cường đối thoại với cơ sở, với nhân dân tạo sự thống nhất, đồng thuận nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh ở cơ sở…

Giải quyết nhiều vấn đề người dân quan tâm 

Quỳnh Lưu được đánh giá là địa phương có sự phát triển khá toàn diện về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị. Riêng năm 2016, tính đến thời điểm này, các chỉ tiêu cơ bản đề ra trong năm đều đạt; chỉ trừ một số chỉ tiêu còn băn khoăn, như giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 3,8%; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm xuống dưới 18% và thiết chế văn hóa, thể thao. Trong năm, huyện có thêm 3 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số lên 12 xã đạt.

Đồng chí Hoàng Văn Bộ - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quỳnh Lưu, cho rằng: Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương không tránh khỏi một số vấn đề khó khăn, va vấp. Bởi vậy, đối thoại là biện pháp quan trọng được cấp ủy và cả hệ thống chính trị quan tâm để giải quyết. Rõ nhất là trong xây dựng nông thôn với phương châm “lấy sức dân để chăm lo cho dân” việc bàn bạc, thảo luận, đối thoại dân chủ để tạo sự đồng thuận, thống nhất trong các tầng lớp nhân dân thực hiện 19 tiêu chí nông thôn mới là yếu tố tiên quyết.

images1734703_bna_581b1b5283380.jpgLãnh đạo đạo xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu) trao đổi với báo cáo viên về định hướng tuyên truyền thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội.

Tại xã Quỳnh Hồng, nhiều cuộc đối thoại được tổ chức trên cơ sở một số nội dung mà nhân dân thắc mắc, kiến nghị hoặc chưa đồng thuận. Đơn cử trong việc mở rộng làm đường bê tông, có hộ hiến, hộ không hiến đất, cho nên cấp ủy, chính quyền phải đứng ra đối thoại, vừa lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của nhân dân, vừa giải thích, làm rõ cho nhân dân hiểu chủ trương chung: trong điều kiện nguồn lực của địa phương khó khăn thì cần sự đồng hành, ủng hộ của chính mỗi người dân.

Hay từ một số ý kiến người dân phản ánh về chất lượng đường vào nghĩa trang kém, cấp ủy kịp thời đối thoại để làm rõ, đồng thời yêu cầu người nhận thầu sửa chữa. Nhiều cuộc đối thoại cũng xuất phát từ những phát sinh như tranh chấp đất đai, thực hiện chính sách hỗ trợ nông nghiệp, bình xét hộ nghèo...

Ở Quỳnh Hồng, bên cạnh tổ chức các cuộc đối thoại giải quyết những vấn đề phát sinh thì khi ban hành một chủ trương, nghị quyết gì, cấp ủy còn tổ chức đối thoại với các ban, ngành, các chi ủy cơ sở và toàn Đảng bộ để thảo luận, tranh luận, đưa ra các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp để khi chủ trương, nghị quyết ban hành sẽ “bén rễ” sâu vào cuộc sống. 

Đối với xã Quỳnh Đôi, việc đối thoại của cấp ủy được thực hiện thông qua các hội nghị lấy ý kiến của cán bộ, đảng viên và người dân có kiến thức chuyên sâu về chủ trương mà cấp ủy sẽ ban hành. Đồng thời, thông qua các cuộc sinh hoạt định kỳ và đột xuất trong toàn Đảng bộ, của Ban Chấp hành, của Ban Thường vụ nhiều vấn đề cũng được tiến hành chất vấn, giải trình như các cuộc đối thoại, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân.

Về phía chính quyền, các cuộc tiếp xúc cử tri cũng được coi là cuộc đối thoại rộng rãi, bởi những đại biểu HĐND xã cơ bản là những cán bộ, công chức cấp xã và cấp xóm nên có thể giải đáp kịp thời các kiến nghị, phản ánh của cử tri. UBND xã thì tiến hành đối thoại liên quan đến công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. 

Còn tại huyện Thanh Chương, công tác đối thoại được thực hiện theo 2 hình thức thường xuyên và chuyên đề. Đối thoại thường xuyên bao gồm các hội nghị giao ban giữa Thường trực Huyện ủy với các phòng, ban, MTTQ và các đoàn thể theo định kỳ và theo từng nội dung, lĩnh vực mà Huyện ủy đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; giao ban với Bí thư các xã, thị trấn; các đồng chí trong Ban Thường vụ tham gia sinh hoạt chi bộ ở các vùng, cơ quan, đơn vị phụ trách.

Thông qua các cuộc đối thoại này, cấp ủy thấy rõ được những khó khăn, vướng mắc đang đặt ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị; từ đó định hướng và có giải pháp tháo gỡ kịp thời. Đây được coi là giải pháp để cán bộ gần dân, cung cấp thông tin, tuyên truyền, định hướng cho nhân dân, tạo sự đồng thuận.

Đối thoại chuyên đề được tập trung vào việc giải quyết vụ việc; vấn đề nhạy cảm, “lình xình” ở cơ sở; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân.... Theo Phó phòng Tư pháp UBND huyện Nguyễn Thị Xuân: Qua đối thoại trực tiếp với công dân và những tập thể, cá nhân bị khiếu nại, tố cáo; làm rõ đúng - sai mỗi bên, nhiều vụ việc kéo dài đã được giải quyết, góp phần giảm đơn thư vượt cấp, hạn chế đơn thư tiếp khiếu, tiếp tố. 

Đồng chí Lê Quốc Khánh - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy, khẳng định: Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã nhận thức rõ cần phải tăng cường đối thoại với cơ sở, với nhân dân nhằm giải quyết tốt nhất việc chung. 

Cần ban hành quy chế đối thoại

Mặc dù đã được quan tâm, nhưng qua thực tế tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, việc tổ chức các cuộc đối thoại ở các cấp chủ yếu mới chỉ dừng lại ở các cuộc giao ban, hội nghị, hội thảo có “chứa đựng” trong đó yếu tố đối thoại, hoặc đối thoại để giải quyết các vụ việc, vấn đề phát sinh, chứ chưa có nhiều cuộc đối thoại mang đúng nghĩa.

Cán bộ xã Quỳnh Diễn (Quỳnh Lưu) trao đổi với người dân về sản xuất vụ đông

Bên cạnh hạn chế về số lượng cuộc đối thoại, thì chất lượng các cuộc đối thoại còn hạn chế. Theo đồng chí Nguyễn Đình Hiền - Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Đôi: Mục đích của hoạt động đối thoại là để nắm bắt thông tin, hiểu rõ bản chất vấn đề và giải quyết căn bản, tận gốc nó. Tuy nhiên, thực tế qua một số diễn đàn, nhất là phiên chất vấn tại các kỳ họp HĐND các cấp - một hoạt động có chứa đựng trong đó yếu tố đối thoại, vẫn còn có tình trạng đại biểu hỏi để tìm kiếm thông tin nhiều hơn; còn người trả lời “nặng” về giải thích văn bản mà không làm rõ trách nhiệm của ngành, ban và cá nhân mình trước vấn đề đặt ra.

 Đồng chí Lê Sỹ Thành - Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Lưu), thừa nhận: Có những cuộc đối thoại chưa thành công, chưa được nhân dân chấp nhận các phương án mà cấp ủy, chính quyền đưa ra. Một số vấn đề “hậu” đối thoại khó giải quyết do vượt quá thẩm quyền hoặc do vướng mắc ở một số văn bản quy định chưa phù hợp thực tiễn. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của việc đối thoại. 

Đề cập ở một góc độ khác, đồng chí Đặng Anh Dũng - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Chương, cho rằng: Việc tổ chức đối thoại nếu không khéo lại trở thành “diễn đàn” cho các cá nhân khiếu nại, tố cáo lâu dài. Có tình trạng, một số người thường phát biểu ý kiến tại các cuộc tiếp xúc cử tri cũng là người phát biểu tại các cuộc đối thoại. Điều này dẫn đến việc nắm bắt thông tin, vấn đề mới của cấp ủy, chính quyền hạn chế.

Ngoài các hạn chế, khó khăn nêu trên, hiện nay, cấp ủy các cấp đang còn lúng túng trong việc lựa chọn, xác định hình thức đối thoại, nội dung đối thoại theo chuyên đề xây dựng Đảng như về công tác cán bộ; công tác kiểm tra, giám sát, công tác tư tưởng; công tác vận động quần chúng; công tác phát triển đảng viên… Một số cấp ủy còn có tâm lý e ngại, chưa mạnh dạn để tổ chức đối thoại.

Mặt khác, các cấp ủy coi các cuộc giao ban giữa cấp ủy cấp trên với người đứng đầu cấp ủy cấp dưới; cấp ủy với trưởng các ban, ngành, khối, lĩnh vực… là các cuộc đối thoại theo hình thức “đại diện”, chưa có những cuộc đối thoại mang tính trực tiếp trong Đảng (đối thoại với toàn thể đảng viên trong tổ chức Đảng). Điều này hạn chế trong việc nắm bắt đúng bản chất về tư tưởng, dư luận trong Đảng để tập trung nghiên cứu và xử lý một cách kịp thời.

Từ hạn chế đặt ra, nhiều ý kiến cho rằng cần phải ban hành quy chế, cách thức đối thoại rõ ràng, cụ thể để cấp ủy, chính quyền xác định đây là việc làm thường xuyên và nâng cao chất lượng đối thoại. Quan tâm xây dựng văn hóa trong đối thoại trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, thượng tôn pháp luật vì mục đích chung.

Chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả đối thoại thông qua việc chỉ đạo giải quyết các vấn đề sau đối thoại một cách quyết liệt, chứ không phải đối thoại chỉ nhằm phát hiện, làm rõ vấn đề rồi để đấy.

Song song với đó, quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ, tổ chức tập huấn đối thoại cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp cơ sở, cấp gần dân nhất để trực tiếp giải quyết các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn. Bởi đây cũng là một giải pháp để ngăn ngừa phát sinh những vấn đề nóng, đơn thư kéo dài, vượt cấp ngay từ cơ sở.

Mai Hoa

TIN LIÊN QUAN