(Baonghean) - Vấn đề an toàn thực phẩm có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với đời sống xã hội, sức khỏe con người, tương lai giống nòi, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo và hội nhập quốc tế. Nhìn lại 5 năm thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới” trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Trước hết, các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn bộ hệ thống chính trị đã coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, chủ động rà soát, đánh giá tình hình, xây dựng và triển khai các chương trình hành động, kế hoạch, đề án cụ thể, từng bước giải quyết những khó khăn, thách thức về công tác an toàn thực phẩm tại địa phương. Kịp thời ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo quan trọng triển khai có hiệu quả Chỉ thị 08-CT/TW cũng như Luật An toàn thực phẩm và các quy chuẩn về an toàn thực phẩm.  

Thứ hai, công tác tuyên truyền về vấn đề an toàn thực phẩm được chú trọng thực hiện từ tỉnh đến cơ sở với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp trình độ dân trí từng vùng, miền như: tập huấn, tổ chức các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, họp tổ, nói chuyện chuyên đề, tọa đàm, báo, đài, pa-nô, áp phích, tờ rơi, truyền thanh, truyền hình... Công tác tuyên truyền, phổ biến về an toàn thực phẩm còn có sự phối hợp tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội. 

images1559250_30.jpgSơ chế sản phẩm rau an toàn tại Công ty cổ phaanf và cung ứng rau quả sạch Quốc tế ở huyện Nghĩa Đàn

Thứ ba, năng lực và chất lượng quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm từng bước được nâng cao. Quan tâm kiện toàn Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm từ tỉnh đến cơ sở phù hợp với yêu cầu thực tế. Đặc biệt, sau khi có Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 9/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, UBND tỉnh và 100% các huyện, thành phố, thị xã kịp thời kiện toàn lại Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm do đồng chí Chủ tịch UBND trực tiếp làm nhiệm vụ Trưởng ban chỉ đạo. 

Sinh viên khoa Hóa (Trường Đại học Vinh) phân tích mẫu an toàn thực phẩm. Ảnh:P.V

Trong 5 năm, ngành Y tế đã tiếp nhận công bố hợp quy 145 sản phẩm, chứng nhận bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm cho 286 sản phẩm. Tăng cường quản lý điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, kinh doanh dịch vụ ăn uống, các chợ. Đã quản lý 15.422 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm (chế biến 1.953, kinh doanh 8.552, dịch vụ ăn uống 4.937).

Công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm cho 85 sản phẩm thực phẩm, xác nhận quảng cáo cho 26 sản phẩm thực phẩm chức năng; hướng dẫn, hỗ trợ 20 cơ sở sản xuất, kinh doanh chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt (GAP), trong đó 8 cơ sở GAP trồng trọt và 12 cơ sở GAP thủy sản; hướng dẫn 126 cơ sở đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm, chứng nhận 197 cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản; chứng nhận 37 cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực công thương quản lý. Chỉ đạo xây dựng quy hoạch vùng sản xuất thực phẩm an toàn; hỗ trợ xây dựng các mô hình VietGAP, VietGAHP, HACCP cho 14 cơ sở sản xuất, kinh doanh. 

Công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành đã được cấp ủy, chính quyền, các ngành chú trọng triển khai khá thường xuyên, đồng bộ, quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở. Trung bình hàng năm thành lập khoảng 1.392 đoàn thanh, kiểm tra từ tỉnh đến xã; trong đó, 3 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tuyến tỉnh; 78 đoàn tuyến huyện; 1.311 đoàn tuyến xã.

Việc kiểm tra, thanh tra liên ngành, chuyên ngành đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được tăng cường, từ 79,7% (năm 2012) lên 82,6% (năm 2015). Nhiều cơ sở vi phạm đã bị xử lý, tạm đình chỉ hoạt động, nhiều loại sản phẩm tịch thu, tiêu hủy, nhiều vi phạm về an toàn thực phẩm được phát hiện kịp thời, xử lý theo pháp luật và thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trong quá trình thanh tra, kiểm tra các trường hợp vi phạm được phát hiện, xử lý theo pháp luật. Từ năm 2012 - 2015 có 85.168 lượt cơ sở được thanh tra, kiểm tra: 66.860 cơ sở đạt, 16.067 cơ sở vi phạm, 938 cơ sở bị phạt tiền với tổng số tiền phạt là 549.060.000 đồng. 

Hiệu quả cao nhờ áp dụng một số giải pháp về tưới phun và quy trình sản xuất rau an toàn VietGap tại xã Quỳnh Lương

Tuy nhiên, qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 08, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: một số nơi các cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm; chưa tập trung chỉ đạo quyết liệt và chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động, nông dân sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng an toàn thực phẩm.

Công tác phối hợp liên ngành trong giám sát, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh về an toàn thực phẩm đôi lúc vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập; việc kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều khó khăn, bất cập, xử lý vi phạm an toàn thực phẩm chưa triệt để. Hiệu lực và hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế.

Một bộ phận nhân dân chưa nhận thức hết mối nguy hại của thực phẩm bẩn, còn lạm dụng trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc, không có trong danh mục quy định; sử dụng nước ô nhiễm để rửa rau, quả; lạm dụng chất cấm, kháng sinh trong chăn nuôi; còn sử dụng hàng hóa thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc nguy cơ ngộ độc cao. 

Trước thực tế tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm trong cả nước nói chung, ở Nghệ An nói riêng thời gian qua đang tạo nhiều lo lắng cho người dân, để tăng cường vai trò, vị trí của vấn đề an toàn thực phẩm trong phát triển bền vững hiện nay, cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Thứ nhất, công tác tuyên truyền cần phải đi trước một bước nhằm nâng cao nhận thức cho cá nhân, cộng đồng về vai trò, vị trí của vấn đề an toàn thực phẩm đối với sức khỏe, năng suất, hiệu quả phát triển kinh tế, thương mại, du lịch và an sinh xã hội. 

Đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra VSATTP tại siêu thị Big C.

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội về vị trí, vai trò của vấn đề an toàn thực phẩm. Cần tiếp tục quán triệt sâu sắc tinh thần Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới”. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền các gương thực hành tốt, nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh, chế biến an toàn thực phẩm nhằm khẳng định vai trò của thực phẩm sạch trong phát triển bền vững đất nước. 

Thứ hai, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với vấn đề an toàn thực phẩm. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chỉ thị 08-CT/TW về vấn đề an toàn thực phẩm và chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về công tác an toàn thực phẩm. 

Thứ ba, tiếp tục củng cố, kiện toàn, tăng cường đầu tư nguồn lực, đảm bảo kinh phí và các điều kiện cho công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. UBND các cấp, các sở, ngành được giao quản lý về an toàn thực phẩm có trách nhiệm củng cố, tăng cường nhân lực, phương tiện làm việc, kinh phí cho các cơ quan, đơn vị chức năng được giao nhiệm vụ thực hiện công tác an toàn thực phẩm từ tỉnh đến cơ sở. 

Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành của các cơ quan có thẩm quyền; kiểm tra việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong trồng trọt, chất cấm trong chăn nuôi, phụ gia trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm; tăng cường kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm tại các chợ, siêu thị; phát huy hiệu quả mô hình chợ an toàn thực phẩm; ngăn chặn và kiểm soát chặt chẽ thực phẩm nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại. Xử lý, kỷ luật nghiêm những hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.

Hồ Phúc Hợp

(Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

TIN LIÊN QUAN