(Baonghean.vn) - Đó là kiến nghị tại cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề liên quan đến một số dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh của đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Đô Lương chiều 22/11.

Tham gia tiếp xúc cử tri gồm các đại biểu HĐND tỉnh: Hoàng Viết Đường - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Thị Lan - Phó trưởng ban Văn hóa và Xã hội HĐND tỉnh; Lê Đình Lý - Phó Giám đốc Sở Nội vụ; Ngọc Kim Nam - Chủ tịch UBND huyện Đô Lương.

Tại cuộc tiếp xúc cử tri, sau khi nghe bà Nguyễn Thị Lan - Phó trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh báo cáo toàn bộ 3 dự thảo nghị quyết, đông đảo cử tri đã thẳng thắn, trách nhiệm nêu nhiều ý kiến phản ánh, kiến nghị.

Liên quan đến dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 70/2012 phê duyệt quy hoạch phát triển trường lớp trên địa bàn tỉnh, cử tri Lưu Văn Đởn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đại Sơn I nêu ý kiến: Theo dự thảo Nghị quyết, xã Đại Sơn sẽ sáp nhập 2 trường tiểu học trong thời gian tới; tuy nhiên theo điều tra phổ cập giáo dục thì từ năm học 2018 - 2019, ở 2 trường này đều tăng thêm 1 lớp và đến năm học 2021 - 2022, ở 2 trường có tổng là 35 lớp.

images2066596_a.jpgÔng Lưu Văn Đởn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đại Sơn I kiến nghị HĐND tỉnh nghiên cứu lại việc sáp nhập các trường tiểu học trên địa bàn xã Đại Sơn. Ảnh: Mai Hoa

Như vậy, nếu thực hiện sáp nhập theo dự thảo Nghị quyết HĐND tỉnh sẽ trái với Điều lệ trường học, quy mô trường tiểu học không quá 30 lớp/trường.

Mặt khác, theo cử tri Lưu Văn Đởn, xã Đại Sơn địa bàn rộng, dân số đông, khoảng cách từ đầu xã đến cuối xã 10 km và hiện tại xã có 2 trường tiểu học với 3 điểm trường, nên việc sáp nhập sẽ ảnh hưởng đến việc đến trường của các cháu và ảnh hưởng đến chất lượng quản lý.

Cũng là địa bàn rộng và số học sinh bậc tiểu học cũng sẽ tăng trong những năm học tới và quy mô lớp học nếu sáp nhập 2 trường cũng lên đến 35 lớp, cử tri Chu Thị Nga - Hiệu trường Trường Tiểu học Trù Sơn 1 đề nghị không nên sáp nhập 2 trường Tiểu học Trù Sơn I và Trù Sơn II.

Về dự thảo Nghị quyết về cơ chế thực hiện Chương trình Sữa học đường cho trẻ em mầm non và tiểu học trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2018 - 2020, nhiều cử tri khẳng định đây chủ trương mang tính nhân văn, góp phần nâng tầm vóc Việt. Tuy nhiên, nhiều cử tri nêu một số băn khoăn, bất cập của cơ chế, chính sách này.

Ông Nguyễn Sỹ Sơn -Trạm trưởng Trạm Y tế thị trấn Đô Lương kiến nghị cần điều chỉnh dự thảo nghị quyết về giá dịch vụ y tế phù hợp hơn. Ảnh: Mai Hoa

Cử tri Nguyễn Xuân Thanh - Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, cho rằng, thực tế hiện nay, mức sống giữa hộ nghèo và cận nghèo không chênh lệnh nhiều, trong khi đó theo dự thảo nghị quyết, con em hộ nghèo được uống sữa miễn phí 100%; con em hộ cận nghèo phải đóng 50% giá trị sữa và con em hộ gia đình có mức sống trung bình trở lên phải đóng 70%.

Khi thực hiện chính sách này, vô hình trung, tạo sự mất công bằng giữa các cháu học sinh trong một môi trường học tập, bởi thực tế, có nhiều hộ cận nghèo, hộ có thu nhập trung bình không có tiền cho con em mình uống sữa. Đó còn là tỷ lệ huy động nhóm trẻ đến trường hiện mới chỉ đạt 45 - 50%, nghĩa là đang còn 50 - 65% trẻ chưa đến lớp không được thụ hưởng chính sách.

Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Thị Kim Chi giải trình làm rõ một số vấn đề liên quan đến việc sáp nhập trường lớp trên địa bàn huyện Đô Lương. Ảnh: Mai Hoa

Cử tri Nguyễn Xuân Thanh kiến nghị HĐND tỉnh cần nghiên cứu để đưa ra chính sách tất cả con em đều được thụ hưởng. Đề cập ở góc độ khác, cử tri Phan Bá Đồng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thuận Sơn, cho rằng, việc thực hiện chương trình sữa học đường thời gian qua đang tạo ra áp lực lớn lên môi trường trong trường học. Sau mỗi ngày, mỗi tuần, lượng hộp sữa thải ra lớn, nhưng đốt không cháy, cho nên cần có biện pháp xử lý chất thải này.

Về dự thảo Nghị quyết quy định mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An, nhiều cử tri bày tỏ sự đồng tình cao mà chủ trương đưa ra nhằm mục đích hướng tới nâng cao tỷ lệ người tham gia BHYT.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc tính giá dịch vụ đối với các trạm y tế xã chưa có sự đầu tư của Nhà nước, chủ yếu là người dân đóng góp, nếu tính giá dịch vụ bao gồm phí tiêu hao cơ sở vật chất là không phù hợp. Mặt khác, một số dịch vụ như thay băng, khâu vá, châm cứu, điện châm..., cần nghiên cứu để đảm bảo phù hợp hơn.

Ông Ngọc Kim Nam - Chủ tịch UBND huyện Đô Lương giải trình một số vấn đề thuộc thẩm quyền trách nhiệm của huyện. Ảnh: Mai Hoa

Tại cuộc tiếp xúc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Kim Chi; Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Xuân Hồng lần lượt giải trình nhiều vấn đề cử tri quan tâm.

Thay mặt các đại biểu HĐND tỉnh, ông Hoàng Viết Đường - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh trả lời nhiều vấn đề cử tri kiến nghị, phản ánh. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng giao lãnh đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế tiếp thu đầy đủ ý kiến của cử tri để tiếp tục nghiên cứu tìm phương án khả thi nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo thuận lợi, điều kiện học tập cho học sinh; nâng cao chất lượng sức khỏe cho nhân dân.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh giao Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh thẩm tra chặt chẽ các dự thảo Nghị quyết trước khi trình xin ý kiến HĐND tỉnh tại kỳ họp tới, để khi ban hành áp dụng phù hợp với thực tiễn, tạo động lực phát triển chung./.

Mai Hoa

TIN LIÊN QUAN