Nguy cơ bệnh phát sinh gây hại nặng
Vụ xuân 2022, toàn tỉnh gieo cấy trên 91.664 ha lúa. Thời gian qua, thời tiết diễn biến bất lợi, nắng và mưa xen kẽ là điều kiện thuận lợi để bệnh đạo ôn lá phát sinh gây hại, toàn tỉnh đã có trên 5.000 ha bị bệnh, trong đó có hơn 416 ha nhiễm nặng và gần 18 ha đã bị “cháy lá”, mất hoàn toàn năng suất. Vì thế, các địa phương đang tập trung chỉ đạo các xã bám sát đồng ruộng, phân vùng, phân trà lúa trổ để tổ chức phun phòng kịp thời.
Nếu những năm trước, gia đình ông Nguyễn Đình Thân ở xóm 6, xã Đại Sơn, huyện Đô Lương hầu như không cần phải phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn thì vụ xuân năm nay ông đã phải xách bình phun ra ruộng đến 5 lần.
“Năm nay tôi chuyển sang cấy 2 sào lúa AC5 và TBR225 thì bị bệnh đạo ôn nặng, riêng 1 sào cấy giống khác đỡ bệnh hơn. Trong xóm, rất nhiều nhà cũng phải phun 4- 5 lần”, ông Thân cho biết.
Vết bệnh đạo ôn trên lúa xuân của huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Phú Hương Hiện nay, hơn 7.600 ha lúa xuân của huyện Đô Lương đang ở giai đoạn làm đòng đến trổ bông. Toàn huyện đã có 88 ha lúa bị bệnh đạo ôn lá, và đáng lo ngại là năm nay thời tiết rất thuận lợi cho bệnh phát triển, trên địa bàn có khoảng 1.000 ha sản xuất các giống dễ nhiễm như TBR 222, AC5, Thiên ưu 8, nhiều ruộng lúa gieo rất dày mà không tỉa dù đã được khuyến cáo, chăm sóc không cân đối.
Theo ông Nguyễn Kim Ngọc - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, thời gian lúa xuân của Đô Lương trổ tập trung sẽ có thể gặp điều kiện thời tiết thuận lợi cho bệnh đạo ôn cổ bôngphát sinh gây hại, huyện đang tập trung chỉ đạo các xã bám sát đồng ruộng, phân vùng, phân trà lúa trổ để tổ chức phun phòng kịp thời. Từ ngày 10 - 20/4, trên địa bàn sẽ có khoảng 1.000 ha trổ, sau ngày 20/4 huyện sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo mạnh vì cơ bản diện tích lúa xuân của Đô Lương sẽ trổ trong khoảng thời gian đó.
Nông dân Đô Lương phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông trên ruộng lúa đã từng bị bệnh đạo ôn lá phát sinh gây hại. Ảnh: Phú Hương Tại Yên Thành, ngoài 1.000 ha đã trổ trước ngày 10/4, huyện có tới 7.000 ha lúa trổ tập trung trong thời gian từ 10- 20/4, diện tích còn lại trổ sau 20/4.
Phó Chủ tịch UBND huyện - ông Nguyễn Văn Dương cho biết: Công tác phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông được Yên Thành quyết liệt triển khai từ sớm. Công văn chỉ đạo ban hành ngay từ đầu tháng 4 để kịp thời phòng trừ ngay từ những diện tích lúa trổ đầu tiên. “Bất cập hiện nay là nông dân vẫn còn chưa thực hiện đúng các khuyến cáo của cơ quan chức năng, mua thuốc rẻ theo tư vấn của các cửa hàng, khi phun trộn lẫn thêm các loại thuốc kích thích, thuốc trị nấm bệnh khác. Vì vậy, chúng tôi chỉ đạo tập trung kiểm tra, chấn chỉnh việckinh doanh thuốc BVTV trên địa bàn, tuyên truyền và hướng dẫn nông dân phòng trừ đúng cách, đúng thuốc, hạn chế tình trạng bà con sử dụng thuốc không theo đúng khuyến cáo, sử dụng sai làm giảm hiệu quả phòng trừ”.
Tập trung phòng trừ kịp thời
Thông tin từ Chi cục trồng trọt và BVTV, dự kiến toàn tỉnh sẽ có khoảng 37.000 ha trổ trước ngày 20/4, thời gian trổ tập trung của các trà lúa là trong 10 ngày tới, từ ngày 15- 25/4.
Theo dự báo, thời tiết sẽ diễn biến phức tạp, thời gian lúa trổ có thể có mưa, trời âm u, ẩm độ cao, đêm và sáng có sương mù, là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng dịch hại phát sinh gây hại trên
lúa xuân; đặc biệt đây là giai đoạn lúa xuân trổ bông – phơi mao, sẽ là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn cổ bông và bệnh đen lép hạt phát sinh gây hại. Nếu không thường xuyên kiểm tra, không phát hiện hoặc phát hiện chậm và không có biện pháp khống chế kịp thời, dịch bệnh sẽ rất dễ lây lan ra diện rộng.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra tình hình bệnh đạo ôn trên lúa vụ xuân. Ảnh: Phú Hương Thực tế, những ruộng lúa đã bị đạo ôn lá gây hại, hoặc những ruộng sản xuất giống nhiễm, hàng năm đã bị bệnh thì nguy cơ bị bệnh đạo ôn cổ bông gây hại nặng sẽ rất cao. Tuy nhiên, theo ông Trịnh Thạch Lam - Trưởng phòng BVTV, Chi cục Trồng trọt và BVTV, thì kể cả những ruộng lúa được phòng trừ tốt, không bị nhiễm đạo ôn lá vẫn hoàn toàn có khả năng bị bệnh đạo ôn cổ bông, vì đây là loại bệnh phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết.
Bà con cần lưu ý, trên những ruộng lúa sản xuất giống nhiễm, mẫn cảm với bệnh, thường vết bệnh có hình thoi, màu xanh lục khi mới xuất hiện và chuyển màu vàng khi bệnh nặng hơn; khi vết bệnh lan rộng sẽ có màu xám tro, xung quanh có màu nâu và ở giữa có quầng vàng. Đây là những triệu chứng điển hình để phân biệt với các loại bệnh khác trên lúa như bệnh tiêm lửa, đốm nâu…
Tuy nhiên, trên những giống lúa không mẫn cảm, sẽ không cho hình thù nhất định, dấu vết nhỏ hơn nên cần lưu ý kiểm tra kỹ để có thể phòng trừ kịp thời.
Ông Trịnh Thạch Lam - Trưởng phòng BVTV, Chi cục Trồng trọt và BVTV
Bệnh đạo ôn cổ bông gây cháy lá, mất năng suất lúa xuân 2018 tại huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Phú Hương Đạo ôn cổ bông là loại bệnh rất nguy hiểm trên cây lúa và tùy mức độ gây bệnh sẽ có thể ảnh hưởng đến năng suất, thậm chí mất 100% năng suất. Để chủ động phòng trừ giảm thiểu thiệt hại, các địa phương và ngành liên quan cần tuyên truyền, chỉ đạo, hướng dẫn nông dân phòng trừ hiệu quả.
Phải theo dõi sát diễn biến thời tiết trong thời gian lúa bắt đầu trổ đến trổ hoàn toàn, nếu thời gian này gặp điều kiện thời tiết thuận lợi cho bệnh phát sinh phát triển như ẩm độ cao, mưa, âm u, sương mù kéo dài thì nhất thiết phải tổ chức phun phòng bệnh ngay bằng các loại thuốc đặc hiệu có hoạt chất theo khuyến cáo.
Phun khi lúa bắt đầu trổ 3 – 5% bông và phun lại lần 2 khi lúa đã trổ hoàn toàn nếu điều kiện thời tiết tiếp tục thuận lợi cho bệnh phát sinh phát triển. Lưu ý, cần tập trung cao trên những diện tích lúa đã bị nhiễm đạo ôn trên lá, tai, lá, đòng và các giống hàng năm thường bị bệnh gây hại nặng; có thể kết hợp thuốc trừ bệnh đạo ôn và thuốc trừ bệnh lem lép hạt để phòng trừ cùng lúc hai loại bệnh trên. Đặc biệt, bà con cần đảm bảo thực hiện nguyên tắc 4 đúng trong sử dụng thuốc BVTV...