115002-1.jpg
Hệ thống tên lửa Patriot thuộc lực lượng vũ trang Đức được trưng bày tại một sân bay quân sự. Ảnh minh họa: AP

Số tiền trên là khoản chi tiêu bổ sung, không nằm trong khoản 100 tỷ euro dành cho quân đội Đức năm 2022. Theo kế hoạch của Chính phủ Đức, số tiền chủ yếu dành cho việc mua sắm các thiết bị quân sự và vũ khí mới, trong đó tổ chức Hòa bình châu Âu sẽ nhận được khoảng 400 triệu euro để mua vũ khí cho Ukraine. Số tiền còn lại sẽ được chi cho quân đội Đức, mua sắm vũ khí cho Ukraine và một số nước khác. Tổng cộng, Ukraine có thể nhận được hơn 1 tỷ euro trong gói viện trợ quân sự mới này.

Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner đã xác nhận kế hoạch trên.

Cũng trong ngày 15/4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Đức Christine Lambrecht, trong đó hai bên thảo luận các nỗ lực chung trong việc tiếp tục hỗ trợ Ukraine cũng như phòng thủ sườn phía Đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Theo người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã bày tỏ cảm ơn “cam kết mạnh mẽ” của Đức tham gia cùng các đồng minh và đối tác trong NATO “cung cấp những năng lực phòng thủ thiết yếu cho Ukraine”.

Trong một diễn biến liên quan, hãng tin Interfax của Nga đưa tin một người phát ngôn của điện Kremlin xác nhận Moskva đã gửi tới Mỹ và các quốc gia khác các công hàm ngoại giao về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, nhưng không nói rõ nội dung của các công hàm này.

Trong khi đó, báo Washington Post (Mỹ) ngày 16/4 đưa tin Nga đã cảnh báo Mỹ về việc tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine. Theo báo này, Nga kêu gọi Mỹ và các đồng minh dừng cung cấp vũ khí cho Ukraine, nêu rõ việc này "có thể gây ra những hậu quả khôn lường đối với tình hình an ninh khu vực và quốc tế".