Chiều 10/12, các đại biểu HĐND tỉnh thuộc đơn vị bầu cử: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông tiến hành thảo luận tại tổ 5. Ông Vi Hòe - Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn điều hành phiên thảo luận. Tham dự có ông Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các sở, ngành cấp tỉnh.

Quan tâm hỗ trợ vùng sâu, vùng xa

Bí thư Huyện ủy Tương Dương Nguyễn Văn Hải nêu, tình trạng lao động ly hương, ly nông đi làm ăn xa với số lượng lớn. Theo đại biểu, để tạo việc làm cho người dân thì cần phải tăng cường giao đất, giao rừng, tuy nhiên, lại cần có giải pháp về nguồn vốn để bố trí.

Đưa dẫn chứng tại địa phương, ông Hải cho biết, độ che phủ rừng của Tương Dương đạt 46%, song những chính sách liên quan để giữ vững độ che phủ này thì chưa có.

bna_to_5_anh_my_nga7488545_10122019.jpgPhiên thảo luận tại tổ 5. Ảnh: Mỹ Nga

“Chúng ta đang lo giữ rừng, nhưng thu nhập từ quản lý và bảo vệ rừng rất thấp. Một hộ gia đình quản lý 10 ha rừng mà chỉ nhận 4 triệu đồng/năm thì làm sao đủ chi phí để sinh sống, chi hoạt động?” - Bí thư Huyện ủy Tương Dương chỉ ra.

Do đó, đại biểu đề nghị cần rà soát lại diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, cũng như rừng nghèo kiệt, không có giá trị thì chuyển đổi đất cho người dân sản xuất để không phải ly hương.

Về vấn đề thủy điện, đại biểu Nguyễn Văn Hải cho biết, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của các nhà máy thủy điện tiến độ còn chậm, kéo dài nhiều năm liền, như Thủy điện Bản Vẽ (10 năm), Thủy điện Khe Bố (7 năm).

Do đó, đề nghị cần có sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt, sớm hoàn trả các chế độ, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân. Bên cạnh đó, đề nghị có phương án giải quyết bồi lắng thủy điện, đảm bảo dung lượng nước, vừa đáp ứng kinh doanh cho doanh nghiệp, vừa đảm bảo thủy lợi cho vùng hạ du.

Đại biểu Nguyễn Đình Hùng - Bí thư Huyệ̣n ủy Con Cuông đề nghị cần có sự vào cuộc tích cực hơn của các cấp, ngành, giúp người dân miền núi tạo hàng hóa thương hiệu. Ảnh: Mỹ Nga

Cũng liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Nguyễn Thanh Hoàng cho rằng, hệ lụy từ thủy điện tuy không mới, song chưa đưa ra được những giải pháp căn cơ. Nhiều dự án thủy điện quy hoạch treo, khiến người dân không được hưởng chính sách an sinh xã hội, trong khi đó, suốt một thời gian dài, người dân mong mỏi, chờ đợi, nhưng các cấp, ngành vẫn chưa có câu trả lời. 

Về vấn đề phát triển nông nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng, các huyện khu vực miền Tây đang chuyển biến chậm, chưa có nhiều đột phá, mặc dù đã được hưởng nhiều dự án cho các địa phương 30a, nhưng chưa đủ lực để tạo đà.
Do đó, các đại biểu kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ phát triển cây chủ lực ở các tiểu vùng như chanh leo, gừng, xây dựng sản phẩm thành hàng hóa. Các cấp, ngành vào cuộc để giúp miền núi tạo dựng thương hiệu sản phẩm.
Quy trình nuôi gà đen được nông dân huyện Kỳ Sơn áp dụng các tiến bộ khoa học và chăm sóc đúng kỹ thuật 1 tháng trước khi chăn thả. Ảnh tư liệu: P.V

Ngoài ra, các đại biểu còn đề cập đến nhiều vấn đề liên quan đến chính sách cho người dân vùng sâu, vùng xa như: nâng cấp đoạn đường Quốc lộ 7A thường xuyên bị ngập lụt; các cháu mầm non ở vùng biên giới chịu thiệt thòi, chưa được đến trường do không đủ số lượng để mở lớp và bố trí giáo viên...

Phải “điểm huyệt” được điểm nghẽn cải cách hành chính

Góp ý vào xây dựng định hướng phát triển trong năm 2020, các đại biểu cho rằng, trong lĩnh vực cải cách hành chính, mặc dù Nghệ An đã tích cực cải thiện môi trường đầu tư, thu hút doanh nghiệp, song thẳng thắn nhìn nhận chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.

Bí thư Huyện ủy Con Cuông Nguyễn Đình Hùng cho biết, tỉnh thu hút nhiều dự án, nhưng các dự án “trên giấy” còn nhiều. Do đó, đề nghị rà soát, giám sát chặt chẽ dự án treo, dự án chậm tiến độ; đồng thời cần kiểm tra, đánh giá lại tại các sở, ngành, địa phương, nhằm tìm ra giải pháp cụ thể hơn, chỉ rõ vướng mắc ở đâu, xây dựng lại bộ thủ tục hành chính. Đặc biệt, cần phải căn cơ trong công tác thanh, kiểm tra, nhằm đẩy nhanh tiến độ cải cách hành chính rõ nét hơn, mạnh mẽ hơn.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông đề nghị trong thời gian tới tỉnh quan tâm đến lĩnh vực logistic. Ảnh: Mỹ Nga

Đồng tình với những kiến nghị liên quan đển cải cách hành chính, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông cho rằng, trong 2 năm vừa qua, các chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh được cải thiện tích cực, tiến bộ nhanh. Đặc biệt, năm 2019 được xác định là năm cải cách hành chính, tuy nhiên, kết quả của năm đưa ra khá mờ nhạt, chung chung, chưa mang dấu ấn, hình hài đúng như thông điệp đề ra.

Chỉ ra một số nguyên nhân, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông cho biết, khả năng tiếp cận đất đai gần như là “điểm nghẽn” đang gây nhiều vướng mắc cho các nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án.

Đây là vấn đề đã đề cập từ nhiều năm trước, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để. Mặt khác, chưa đưa ra được các giải pháp mới mạnh mẽ hơn, đột phá hơn, mang lại sự yên tâm cho nhà đầu tư, cũng như tạo ra sức hút lớn đối với doanh nghiệp khi đến với tỉnh.

Kiểm tra kỷ luật, kỷ cương hành chính tại huyện Anh Sơn. Ảnh tư liệu: Thanh Lê

Do đó, Phó Bí thư Tỉnh ủy đề nghị cần chỉ rõ nguyên nhân ở đâu, trách nhiệm thuộc về sở, ban, ngành nào, tinh thần là "phải “điểm huyệt” một cách chính xác thì mới giải quyết triệt để được”.

Góp ý vào định hướng phát triển, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông đề nghị các cấp, ngành cần quan tâm mạnh mẽ vào lĩnh vực logistics. Theo đó, xác định lại vai trò của logistics, đề ra chiến lược, chính sách cụ thể trên địa bàn.

Có 13 lượt ý kiến của đại biểu tại tổ 5 sẽ được tổng hợp đầy đủ, trình kỳ họp HĐND tỉnh tại phiên họp ngày mai (11/12).