(Đọc 99 câu hỏi - đáp về thời đại Hùng Vương của Lê Thái Dũng, NXB Lao Động, Hà Nội, 2008)

Trong trường kỳ lịch sử Việt Nam hào hùng, kỳ thú và không ít đau thương, thời đại Vua Hùng theo quan niệm truyền thuyết thì tồn tại vào khoảng 2000 năm TrCN, bao quát các giai đoạn phát triển từ sơ kỳ thời đại Đồ đồng đến sơ kỳ thời đại Đồ sắt, được xem là một sự khởi đầu huy hoàng của dân tộc ta, đặt nền móng cho nguồn sống, óc sáng tạo, sức sống mãnh liệt, phi thường để từ đó các thế hệ nối tiếp nhau vững vàng suốt mấy ngàn năm qua.


762632_small_47807.jpg
Thời đại Hùng Vương là có thật, hay chỉ là huyền sử, ngoại sử? Đấy đã là một chủ đề khoa học lớn, đặt ra từ trước, đặc biệt sau Cách mạng tháng Tám (1945). Chỉ tính từ năm 1959, ở nước ta đã lần lượt phát hiện được hơn 200 di chỉ khảo cổ; trong những năm 1968-1971, tổ chức được 4 hội nghị khoa học; nhiều công trình sưu tầm, khảo cứu có giá trị đã được biên soạn, xuất bản; nhiều cuộc triển lãm lớn của các Viện bảo tàng ở Hà Nội cũng như tại các địa phương, thành phố.... Chỉ riêng về kết quả xuất bản, có thể kể tới: Thời đại Hùng Vương (Nhiều tác giả, 1976), Truyền thuyết Hùng Vương (Nhiều tác giả, 1987), Nền văn minh Sông Hồng xưa và nay (Trần Đức, 1993), Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Vũ Kim Biên, 1997)... Tất cả các hiện vật, hình ảnh, tư liệu đã và sẽ công bố góp phần đưa tới một kết luận có sức thuyết phục: Thời đại Hùng Vương, đó là một thời đại có thật, thời đại dựng nước và giữ nước đầu tiên của dân tộc ta! Để khẳng định một trong những kết quả nghiên cứu về thời đại Hùng Vương hơn nửa thế kỷ trở lại đây, GS. Sử học Phan Huy Lê có lần viết: Cần nhấn mạnh thành quả có ý nghĩa cơ bản và lâu dài, đó là xây dựng cơ sở tư liệu khoa học về thời đại Hùng Vương.


Bên cạnh những công trình chuyên sâu, bề thế, có tính tổng hợp về Vua Hùng và thời đại Hùng Vương, bạn đọc phổ thông luôn cần có những đầu sách giản tiện, ngắn gọn, quy tụ nhiều nguồn kiến thức về thời đại này. Nhu cầu chính đáng đó được đáp ứng qua cuốn sách 99 câu hỏi - đáp về thời đại Hùng Vương. Chín mươi chín câu hỏi, qua sự trả lời cô đúc, giàu thông tin và cũng khá tỉ mỉ chủ yếu về 3 phương diện lớn của thời đại Vua Hùng: chính trị - lịch sử - văn hoá. Nhiều câu hỏi chi tiết, tỉ mỉ, thú vị; câu trả lời có thể thoả mãn, mà cũng có thể trao đổi thêm, chí ít cũng từ đó mà tìm hiểu thêm, bổ sung thêm kiến thức cho bạn đọc, phần lớn là viên chức, học sinh, sinh viên...


Thiết nghĩ, đấy là phần thành công của cuốn sách này. Một số bài thơ, câu đối, ca dao về đề tài Hùng Vương và một thời đại tuy xa mờ nhưng hết sức vẻ vang của nước mình, nằm ở phần cuối sách, cùng góp phần làm cho ấn phẩm thêm phong phú, sức lay động lòng người về nguồn cội thêm lung linh, lãng mạn.


Dù ai đi ngược về xuôi,

Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba.

Khắp miền truyền mãi câu ca,

Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm!

(Ca dao cổ)

 

Trong lời nói đầu, GS. Vũ Ngọc Khánh đã có lý khi nêu nhận xét: "Cuốn sách này có thể gợi ra được những gì để giúp ta có kiến thức, hiểu biết ban đầu. Trên đại thể, việc làm này là cần thiết và có ích"... Bởi thế, tuy đã cao tuổi, ông Khánh vẫn rất vui lòng giới thiệu cuốn sách 99 câu hỏi đáp về thời đại Hùng Vương với bạn đọc hôm nay!


Kim Hùng