(Baonghean) - Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh quản lý 21 LĐLĐ huyện, thành, thị và 9 Công đoàn ngành với 4.409 công đoàn cơ sở (CĐCS), 130.000 đoàn viên công đoàn. Mối quan hệ lãnh đạo của tổ chức đảng đối với tổ chức công đoàn trong cả hệ thống chưa đồng bộ, thống nhất. Ở cấp cơ sở, chi bộ hoặc đảng bộ cơ quan, doanh nghiệp trực tiếp lãnh đạo CĐCS thực hiện nhiệm vụ chính trị. Ở cấp trên cơ sở, hệ thống tổ chức đảng và tổ chức công đoàn bắt đầu có sự không thống nhất. CĐCS các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp do LĐLĐ huyện hoặc công đoàn ngành quản lý nhưng tổ chức đảng trực thuộc nhiều cấp ủy làm cho việc phối hợp lãnh đạo rất khó khăn.
 
image_3089168.jpgCông đoàn Hội Nông dân tỉnh tổ chức cuộc thi quý ông vào bếp nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. Ảnh: Thanh Lê
 
Chủ tịch LĐLĐ TP. Vinh ông Đỗ Đình Quang cho biết: LĐLĐ thành phố quản lý 211 CĐCS nhưng chi bộ (đảng bộ) tại các đơn vị này do nhiều cấp ủy quản lý. Chi bộ của 82 trường THCS, tiểu học, mầm non do đảng ủy phường, xã quản lý. 55 doanh nghiệp ngoài quốc doanh (có 12 HTX), đơn vị nào có chi bộ đều trực thuộc đảng ủy phường, xã; chỉ có 9 doanh nghiệp nhà nước chi bộ trực thuộc Đảng ủy Khối doanh nghiệp. Các đơn vị trung ương đóng trên địa bàn nếu là doanh nghiệp thì tổ chức đảng thuộc Đảng ủy Khối doanh nghiệp hoặc đảng ủy công ty, nếu là cơ quan hành chính sự nghiệp thì tổ chức đảng thuộc Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh. Chỉ có 40 đơn vị sự nghiệp công lập có chi bộ (đảng bộ) trực thuộc Thành ủy,  CĐCS trực thuộc LĐLĐ thành phố. Ông Đỗ Đình Quang nhận xét: “Hệ thống tổ chức đảng, tổ chức công đoàn cần đồng bộ, thống nhất thì triển khai các nghị quyết, chủ trương mới có hiệu quả”. 
 
Trong khối công đoàn ngành, giữa tổ chức đảng và tổ chức công đoàn thống nhất hơn nhưng vẫn chưa đồng bộ. Chi bộ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn các huyện đều trực thuộc huyện ủy, nhưng CĐCS có đơn vị trực thuộc LĐLĐ huyện, có đơn vị trực thuộc công đoàn ngành. Công đoàn ngành NN&PTNT quản lý 75 CĐCS trong toàn ngành (có cả các đơn vị trung ương), chỉ có 5 CĐCS trực thuộc LĐLĐ huyện. Sau khi Tỉnh ủy sắp xếp tổ chức cơ sở đảng, có 20 đơn vị trực thuộc ngành đóng trên địa bàn TP. Vinh đã chuyển chi bộ (đảng bộ) về Đảng ủy Sở, sự lãnh đạo của Đảng đối với công đoàn thống nhất hơn. Tuy nhiên, vẫn còn 55 đơn vị có CĐCS do công đoàn ngành quản lý nhưng tổ chức đảng không trực thuộc Đảng ủy Sở. Công đoàn ngành Giáo dục quản lý 120 CĐCS các trường học (THPT, TTGDTX, PTCS dân tộc nội trú) nhưng chi bộ các đơn vị này đều trực thuộc các huyện, thành, thị ủy, không trực thuộc Đảng ủy Sở Giáo dục Đào tạo. Công đoàn giáo dục các huyện quản lý CĐCS các trường THCS, tiểu học, mầm non, chi bộ các trường này đều trực thuộc đảng ủy xã, phường.
 
Đảng bộ cơ quan LĐLĐ tỉnh có 8 chi bộ với 44 đảng viên, gồm chi bộ các ban của văn phòng và chi bộ báo Lao động Nghệ An. Đảng đoàn LĐLĐ tỉnh được thành lập theo Quy định số 4253-QĐ/TU ngày 28/5/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (gồm chủ tịch, các phó chủ tịch và trưởng ban tổ chức) chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị trong hệ thống tổ chức công đoàn. Tuy nhiên, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng thông qua Đảng đoàn có nhiều hạn chế:  Đảng đoàn không phải là cấp ủy, không có chức năng ban hành nghị quyết, không phải là cấp trên của tổ chức cơ sở đảng. Đảng đoàn chịu trách nhiệm về công tác cán bộ nhưng chỉ quyết định trong phạm vi văn phòng LĐLĐ tỉnh và 5 đơn vị trực thuộc.
 
Đối với cán bộ chủ trì LĐLĐ các huyện và các công đoàn ngành, Đảng đoàn chỉ phối hợp với các huyện, thành, thị ủy và đảng ủy các sở để giới thiệu nhân sự; trong sự phối hợp này ý kiến quyết định là của các cấp ủy. Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh, Bí thư Đảng ủy Nguyễn Tử Phương cho biết: “Đảng đoàn chịu trách nhiệm về công tác cán bộ và lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của cả hệ thống tổ chức công đoàn thông qua việc duyệt kế hoạch, giao kế hoạch và chỉ đạo thực hiện kế hoạch hàng năm. Vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng được phát huy từ đội ngũ đảng viên”. Như vậy, vai trò của Đảng đoàn chủ yếu là phối hợp trong công tác cán bộ và chỉ đạo thực hiện kế hoạch, chưa phát huy vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng trong hệ thống tổ chức công đoàn. Để khắc phục tình trạng này, Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy Đậu Văn Thanh nêu ba vấn đề cần giải quyết: Công đoàn phải sắp xếp tổ chức hợp lý để phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng; Tăng cường  cơ cấu cán bộ công đoàn vào các cấp ủy; Cần có quy chế phối hợp lãnh đạo giữa tổ chức đảng với tổ chức công đoàn. 
 
Về sắp xếp tổ chức công đoàn, trong đề án sắp xếp tổ chức cơ sở đảng của Tỉnh ủy đã nói rõ: Sau khi sắp xếp tổ chức cơ sở đảng, các tổ chức đoàn thể phải chủ động sắp xếp tổ chức cho phù hợp. Thiết nghĩ, các tổ chức CĐCS trên địa bàn huyện nên đưa hết về LĐLD huyện để thống nhất với hệ thống tổ chức đảng; cần thực hiện nguyên tắc tổ chức đảng trực thuộc cấp nào thì tổ chức công đoàn trực thuộc cấp đó. 
 
Việc bố trí cán bộ công đoàn vào cấp ủy đã được các ngành, các địa phương quan tâm hơn trước. Trong 21 Chủ tịch LĐLĐ huyện đã có 18 ủy viên ban chấp hành huyện, thành, thị ủy. Một số chủ tịch công đoàn ngành tham gia Ban chấp hành đảng ủy sở. Riêng ngành Y tế, Chủ tịch công đoàn là Phó bí thư Đảng ủy Sở. Một số chủ tịch LĐLĐ huyện là Đại biểu HĐND cùng cấp. Cán bộ công đoàn thường được tham gia nhiều chức danh. Chủ tịch công đoàn tham gia nhiều chức danh như vậy sẽ có điều kiện thuận lợi để phối hợp lãnh đạo nhưng cũng dễ sa vào hội họp, không tập trung cho hoạt động công đoàn.
 
Về quy chế phối hợp, hiện nay LĐLĐ tỉnh mới ký kết phối hợp hàng năm với UBND tỉnh, BHXH tỉnh, Sở LĐTB&XH, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; Đảng đoàn chưa có quy chế phối hợp lãnh đạo với các huyện, thành, thị ủy và đảng ủy các sở. Do chưa có quy chế phối hợp nên có tình trạng: Đội ngũ cán bộ chuyên trách của công đoàn ngành, LĐLĐ huyện đều do LĐLĐ tỉnh quản lý về biên chế và trả lương nhưng nhân sự lại do các huyện, thành, thị ủy và đảng ủy các sở quyết định; các hoạt động của LĐLĐ huyện, công đoàn ngành đều do lãnh đạo các huyện, các sở phân công, LĐLĐ tỉnh chỉ theo dõi, kiểm tra. Đảng đoàn LĐLĐ tỉnh cần xây dựng quy chế phối hợp với các huyện, thành, thị ủy, đảng ủy các sở, Đảng ủy Khối cơ quan tỉnh, Đảng ủy Khối doanh nghiệp, đảng ủy các công ty để lãnh đạo tổ chức công đoàn. Chi bộ công đoàn ngành và chi bộ LĐLĐ huyện cũng cần có quy chế phối hợp với chi bộ các cơ quan, đơn vị; đảng ủy các xã, phường để chỉ đạo CĐCS.  
 
Trước thực trạng tổ chức đảng và tổ chức công đoàn không đồng bộ như hiện nay, nếu chỉ dùng biện pháp điều chỉnh bộ máy tổ chức thì không thể giải quyết được. Bộ máy tổ chức đảng đã được sắp xếp theo đúng Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, không thể điều chỉnh tổ chức đảng cho phù hợp với tổ chức công đoàn. Hệ thống  công đoàn các cấp cũng đã được tổ chức theo đúng Điều lệ Công đoàn Việt Nam, không thể điều chỉnh khác Điều lệ. Chỉ có giải pháp tối ưu là xây dựng quy chế phối hợp giữa các cấp ủy đảng với công đoàn các cấp với mục tiêu phát huy tốt nhất vai trò lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức công đoàn.
 
Trần Hồng Cơ