Chiều 12/8, dưới sự chủ trì của các đồng chí: Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT; Nguyễn Văn Lập -  Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT,  Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai đề án sản xuất vụ đông năm 2019. Đồng chí Đinh Viết Hồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chỉ đạo hội nghị.

bna__chu_tri_anh_phu_huong4730827_12820193545596_1282019.jpgCác đồng chí chủ trì hội nghị. Ảnh: Phú Hương

Vụ đông năm nay, Nghệ An phấn đấu gieo trồng gần 37.800 ha cây trồng vụ đông với các loại cây trồng chủ lực như ngô, lạc, rau đậu các loại và nuôi thả trên 2.600 ha các vụ 3. Trong đó, tăng cường mở rộng diện tích rau các loại, nhất là các cây rau mang lại giá trị cao, sản xuất theo hướng IPM, GAP và ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo sản phẩm an toàn và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.

Riêng cây ngô, phát triển theo hướng trồng ngô lấy hạt, làm thức ăn thô xanh cho bò và thu hoạch bắp tươi.

Thời tiết được dự báo diễn biến phức tạp, khó lường; sâu keo mùa Thu phá hại nghiêm trọng trên cây ngô là những thách thức không nhỏ đối với sản xuất vụ đông. Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho sản xuất cũng như đảm bảo thời vụ lúa xuân năm sau, ngành Nông nghiệp đã đề ra các giải pháp cụ thể về thời vụ, kỹ thuật.

Trên cơ sở khung thời vụ và các giống được khuyến cáo, các địa phương tùy tình hình cụ thể và diễn biến mưa lũ để xem xét, tính toán có kế hoạch gieo trồng hợp lý.

Cây bí xanh đem lại hiệu quả kinh tế cao tại xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương. Ảnh: Phú Hương

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng nhấn mạnh: Sản xuất vụ đông trong nhiều năm qua đã trở thành vụ sản xuất hàng hóa, đem lại giá trị kinh tế cao cho nông dân cũng như góp phần quan trọng vào giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch phát triển các sản phẩm nông sản lợi thế của vùng gắn với thị trường tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích, chỉ đạo nông dân sản xuất theo quy hoạch. Do đây là vụ sản xuất được dự báo nhiều rủi ro nên không được chủ quan, xem nhẹ các khó khăn;  cần chỉ đạo nông dân chấp hành nghiêm túc lịch thời vụ, theo dõi sát tình hình diễn biến của các đối tượng sâu bệnh hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Đặc biệt, vụ hè thu năm nay, cả nước có 17.000 ha ngô và riêng Nghệ An có gần 1.200 ha ngô bị sâu keo mùa Thu gây hại, tàn phá nặng nề. Vì vậy, đây là môt trong những đối tượng sâu bệnh hại cần được đặc biệt chú ý trên cây ngô vụ đông năm nay.

Các địa phương cũng cần có chính sách hỗ trợ, xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả, các mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất vụ đông.