Theo ông Ngọ Duy Hiểu, cán bộ gần dân, tránh quan liêu phải thường xuyên đối thoại, chia sẻ với nhân dân.

Theo đánh giá của Ban tiếp công dân Trung ương, trong năm 2016, đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp đến trụ sở tiếp công dân Trung ương có giảm nhưng vẫn diễn biến phức tạp, tính chất manh động gia tăng và tiềm ẩn yếu tố chính trị. Và thông thường, cứ khi Quốc hội họp thì số lượng người dân đi khiếu nại, tố cáo lại càng nhiều.

Về vấn đề này, phóng viên VOV phỏng vấn ông Ngọ Duy Hiểu, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.

images1917524_can_bo_thuong_xuyen_doi_thoai_voi_dan_moi_tranh_quan_lieu_hinh_1_5930b998531c7.jpgÔng Ngọ Duy Hiểu phát biểu trên nghị trường Quốc hội. Ảnh: Báo Đầu tư

PV: Kết quả giám sát vừa qua của Ban Dân nguyện cho thấy, trung bình người đứng đầu cấp tỉnh chỉ trực tiếp tiếp dân được 2, 3 lần/năm, còn lại ủy quyền cho cấp dưới, trong khi theo quy định là ít nhất 1 ngày trong tháng. Theo ông, vì sao lãnh đạo lại ngại tiếp dân như vậy?

Ông Ngọ Duy Hiểu: Theo tôi, do 4 nguyên nhân chính: một số đồng chí lãnh đạo các cấp chưa nhận thức đầy đủ vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tiếp công dân và chưa coi đây là một trách nhiệm pháp lý của mình. Thứ hai: một số đồng chí khác ngại, thậm chí sợ không dám tiếp công dân. Vì thực tế khi tiếp công dân, chúng ta phải nghe và giải thích nhiều việc nhưng phải hiểu đây là trách nhiệm của mình.

Thứ ba: chế tài không rõ ràng và Luật cũng chưa quy định quyền của người dân trong việc yêu cầu người đứng đầu phải tiếp dân. Thứ tư: nhiều đồng chí do bận công việc và không bố trí được thời gian, đây cũng có thể là lý do khách quan nhưng liên quan đến tính khoa học của việc sắp xếp thời gian công tác và tinh thần trách nhiệm.

PV: Ngay cả những kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV nhưng các cơ quan của Bộ và cơ quan ngang Bộ cũng chỉ trả lời chung chung, trả lời cho xong việc. Ông cắt nghĩa điều này như thế nào?

Ông Ngọ Duy Hiểu: Ngay đoàn đại biểu Quốc hội của Hà Nội cũng thông báo cho cử tri nhiều văn bản trả lời của Bộ, ngành kiểu như vậy. Cử tri nghe xong cũng không biết vấn đề đang ở đâu, khi nào có kết quả, ai chịu trách nhiệm và sắp tới phải làm gì? Có cử tri còn đứng lên giữa hội nghị để phản đối việc trả lời.

Có cơ quan, người đứng đầu chưa chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu gắt gao đối với bộ phận tham mưu về nội dung, cách thức, chất lượng các ý kiến trả lời. Có Bộ sợ trách nhiệm nên giải thích vòng vo, thậm chí kể lể thành tích. Chưa có chế tài cụ thể nhưng tình trạng này vẫn kéo dài trong rất nhiều năm.

Theo tôi, các cơ quan Quốc hội và sau này kể cả đoàn đại biểu Quốc hội cũng có quyền yêu cầu trả lời cụ thể nếu nội dung trả lời chưa đáp ứng. Và đề nghị các Bộ, ngành cũng cần trả lời sớm để các đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan Quốc hội nghiên cứu thấy chưa phù hợp, chưa đáp ứng yêu cầu cử tri thì yêu cầu lại. Thường sát ngày tiếp xúc cử tri mới trả lời thì lúc đó cũng không có điều kiện để chúng ta yêu cầu cụ thể hơn.

PV: Việc kính chuyển đơn thư lòng vòng từ cấp này đến cấp khác vẫn là câu chuyện chưa có hồi kết và người dân vẫn mòn mỏi chờ đợi, thậm chí gánh hàng kg đơn đi kiện. Tại sao lại như vậy, thưa ông?

Ông Ngọ Duy Hiểu: Thực tế có nhiều chủ thể tiếp dân nhưng lại không đồng thời là người giải quyết khiếu nại, tố cáo vấn đề dân nêu. Do vậy, đơn thư được chuyển đến những cơ quan có thẩm quyền.

Tuy nhiên, việc một số cơ quan chuyển đơn thư lòng vòng có cả tinh thần trách nhiệm và tâm lý chuyển cho xong. Họ cũng không quan tâm vấn đề của dân được ai giải quyết, giải quyết thế nào, đúng luật, có bảo vệ được quyền và lợi ích của dân hay không.

Vấn đề đặt ra là phải đôn đốc, giám sát để có kết quả cuối cùng của việc tiếp dân. Tôi nghĩ, thời gian tới cần có quy định, chế tài và ràng buộc pháp lý trong việc người tiếp dân phải theo đuổi những việc dân đã báo cáo, đã nêu với mình. Đây là khoảng trống pháp lý mà chúng ta cần hoàn thiện.

PV: Có nhiều nguyên nhân khiến việc giải quyết khiếu kiện của người dân khó khăn, trong đó có nguyên nhân bất cập của hệ thống pháp luật. Nhưng điều khiến người dân không hài lòng đó là trách nhiệm tiếp công dân. Phải chăng đây chính là nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện đông người và những bức xúc căng thẳng, thưa ông?

Ông Ngọ Duy Hiểu: Nhìn lại các vụ việc dân khiếu kiện tố cáo trong phạm vi cả nước thời gian qua thấy hầu hết các vụ việc đều thuộc thẩm quyền của cơ sở, huyện, xã. Nếu được giải quyết kịp thời, đúng pháp luật ngay từ cơ sở thì vấn đề sẽ không đến mức lên nhiều cơ quan Trung ương, tạo nên nhiều vụ khiếu kiện đông người.

Trong các nguyên nhân có tình trạng các cơ quan tăng cấp, tiếp cấp lên trên, có việc cán bộ cơ sở né tránh hoặc không giải quyết đúng ngay từ đầu, trong đó có trường hợp không quan tâm lắng nghe, đối thoại với dân khi vấn đề mới phát sinh từ cơ sở.

Khi vấn đề mới phát sinh, việc chúng ta tiếp cận, lắng nghe giải quyết thì sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Việc đối thoại tuy được xác định nhưng nhiều nơi không thực hiện nên tình trạng khiếu kiện ngày càng nhiều. Tôi nghĩ, cần phải quay lại vấn đề: cán bộ gần dân, tránh quan liêu phải thường xuyên đối thoại, chia sẻ với nhân dân.

PV: Theo ông, chất lượng và hiệu quả của hoạt động tiếp công dân phụ thuộc vào yếu tố nào. Có cơ chế nào để xử lý việc không tuân thủ kỷ luật, kỷ cương tiếp công dân?

Ông Ngọ Duy Hiểu: Trước hết là hệ thống pháp luật, các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, người đứng đầu có trách nhiệm tiếp dân cũng như việc xử lý đơn thư của các cơ quan chức năng; ý thức pháp luật và trách nhiệm của công dân là những vấn đề quan tâm. Trong đó, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan là yếu tố bao trùm.

Trên thực tế, việc xác định trách nhiệm pháp lý của các cá nhân và cơ quan hiện nay còn hạn chế. Do vậy, để chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong việc tiếp công dân cần tập trung vào 2 nhóm chủ thể.

Trước hết là nhóm người đứng đầu các cơ quan hành chính có trách nhiệm tiếp dân và cán bộ tiếp dân cần có chế tài để xử lý nếu họ không thực hiện theo quy định, cũng như quyền khởi kiện của người dân trong trường hợp họ không thực hiện. Hàng năm, trong kiểm điểm cuối năm của họ nên có mục thực hiện trách nhiệm tiếp dân. Khi xem xét để bổ nhiệm, điều động cán bộ thì coi đây là một trong những tiêu chuẩn.

Người dân cũng cần được giáo dục tuyên truyền và khi vi phạm bị xử lý theo quy định để hạn chế tình trạng người dân đến nơi tiếp dân nhưng có hành vi la ó, phá phách, gây mất an ninh trật tự.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN