Năm Covid thứ hai với bộn bề khó khăn, thử thách nhưng không vì thế, công cuộc làm trong sạch Đảng tạm thời “lắng” xuống. Số lượng cán bộ, đảng viên kể cả đương chức lẫn nghỉ hưu bị xử lý, kỷ luật và truy tố vẫn tiếp tục bị “gọi tên”. Những sai phạm của họ phần lớn xảy ra trong nhiệm kỳ khóa XII, dù con số đảng viên bị xử lý ở nhiệm kỳ này đã quá “ấn tượng”.
Hơn 87.000 đảng viên bị thi hành kỷ luật trong nhiệm kỳ khóa XII, tăng 18% so với nhiệm kỳ XI. Trong đó, chỉ riêng cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật đã tăng gấp 10 lần so với nhiệm kỳ trước, gồm 113 đảng viên là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương, cả đương nhiệm và đã nghỉ, hơn 30 sỹ quan cấp Tướng trong lực lượng vũ trang.
Nhưng con số ấy vẫn chưa dừng lại. Các tổ chức Đảng và đảng viên sai phạm từ nhiệm kỳ này tiếp tục bị đưa ra "ánh sáng" kể từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, liên quan đến các bộ, ngành, địa phương như: UBND Thành phố Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Vĩnh Phúc, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Cảnh sát biển Việt Nam…Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật và đề nghị kỷ luật nhiều đảng viên sai phạm như Nguyễn Đức Chung, Nguyễn Thị Kim Tiến, Trần Văn Nam, Tất Thành Cang, Nguyễn Thành Tài, Trần Vĩnh Tuyến, Lê Bạch Hồng, Lê Tấn Hùng, Tề Trí Dũng, Trương Quốc Cường…
Nhiệm kỳ XI, lần đầu tiên Trung ương thừa nhận “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái”. Đã có ý kiến băn khoăn “một bộ phận không nhỏ” đó nằm ở đâu. Giờ đây, nhân dân đã tự trả lời được câu hỏi đó.
Những phiên tòa xử cựu quan chức vẫn đều đặn diễn ra. Đã không còn những giọt nước mắt xin lỗi Đảng, xin lỗi Nhân dân nữa. Ai dám làm thì dám chịu trách nhiệm. Nhân dân đâu cần những lời xin lỗi. Chỉ mong, những “tấm gương” tày liếp đó là bài học cảnh tỉnh cho những ai có ý định “nhúng chàm”.
Hai nhiệm kỳ gần đây, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được thực hiện quyết liệt, đặc biệt trong nhiệm kỳ khóa XII. Từ một chiếc xe tư nhân gắn biển xanh của nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh, hàng loạt cán bộ cấp cao, thậm chí cả những người đã về hưu có liên quan cũng đã bị kỷ luật. Cũng từ đây, cuộc đấu tranh với các biểu hiện suy thoái, tiêu cực chính thức không còn “vùng cấm”, không còn “tảng băng chìm”.
Nhiệm kỳ khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành 4 nghị quyết, 1 quy định và Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành gần 130 văn bản nhằm chỉ đạo triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ các mặt của công tác xây dựng Đảng, cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, trong đó có các Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, Quy định về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm có thời hiệu, kể cả khi cán bộ đã nghỉ hưu, Quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền…
Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được chỉ đạo chặt chẽ, kiên trì, quyết liệt. Kỷ luật đảng đi cùng với pháp luật của Nhà nước. Ai sai phạm đến đâu thì xử lý đến đó.
“Một Đảng mà giấu diếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng”, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn đúng, nhất là với Đảng duy nhất cầm quyền hơn 90 năm qua. Đảng muốn có một “cơ thể” khỏe mạnh thì dứt khoát phải nghiêm khắc với chính mình.
Còn nhớ, tại cuộc họp báo kết thúc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII diễn ra ngày 1/2/2021, báo chí trong nước và quốc tế tiếp tục đặt câu hỏi với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về chủ trương chống tham nhũng trong nhiệm kỳ mới. Người lãnh đạo cao nhất của Đảng giữ nguyên vẻ điềm tĩnh, chậm rãi nhưng mạch lạc, dứt khoát: “Cưa một cành mọt, cành sâu để cứu cả cái cây. Xử một vài người để răn đe, giáo dục, ngăn ngừa người khác đừng vi phạm. Cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn ngừa là chính, không phải cốt xử cho nhiều, cho nặng mới là nghiêm”.
Liên tiếp trong 3 khóa gần đây, ngay sau khi kiện toàn xong về tổ chức, nhân sự cho nhiệm kỳ mới, công việc Trung ương quan tâm đầu tiên là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng - một công việc được cho là có ý nghĩa sống còn với sự tồn vong của Đảng và chế độ.
Không ai đứng ngoài kỷ luật Đảng, đứng trên pháp luật của Nhà nước. Nếu còn có ý định vụ lợi, cơ hội, tư duy nhiệm kỳ… thì ngay cả khi đã nghỉ chế độ cũng không thể an toàn “hạ cánh”./.