Việc ông Tuấn nhận mức kỷ luật Đảng cao nhất sau khi bị khởi tố để điều tra có gì đặc biệt? Trước ông Tuấn, nhiều cán bộ sai phạm bị đình chỉ sinh hoạt Đảng, đình chỉ chức vụ sau khi có quyết định khởi tố hay bắt giam. Họ chỉ nhận mức kỷ luật Đảng cao nhất khi có bản án của tòa.
Trao đổi với phóng viên, luật sư Nguyễn Thắng (Công ty luật Intercode) cho biết, nguyên tắc xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm được điều chỉnh tại Điều 2 của Quy định 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Ban Chấp hành Trung ương. Trong đó, khoản 4 của Điều này quy định 4 hình thức kỷ luật đối với đảng viên chính thức gồm: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ. Đảng viên vi phạm đến mức khai trừ thì phải khai trừ, không áp dụng hình thức xóa tên.
Quy định này được hiểu là đảng viên có thể bị khai trừ trong trường hợp vi phạm đến mức khai trừ. Để khai trừ đảng viên, tổ chức Đảng căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi, nguyên nhân vi phạm, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ, thái độ tiếp thu phê bình và sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, vi phạm, mục tiêu, yêu cầu của việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng.
Bên cạnh đó, theo Quy định số 30-QĐ/TW ngày 26/07/2016 của Ban Chấp hành Trung ương, đảng viên bị khởi tố, truy tố hoặc bị tạm giam, nếu tổ chức đảng có thẩm quyền kết luận rõ đảng viên có vi phạm đến mức phải xử lý thì chủ động xem xét, xử lý kỷ luật đảng, không nhất thiết chờ kết luận hoặc tuyên án của tòa án…
Luật sư Thắng cũng cho biết, để thống nhất cách hiểu nội dung này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương có Hướng dẫn số 04-HD/UBKTTW ngày 22/3/2018 nêu rõ: "Cấp ủy, Ban Thường vụ cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra từ cấp huyện trở lên khi phát hiện đảng viên vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan tư pháp có thẩm quyền để xem xét, xử lý, không được giữ lại để xử lý nội bộ…". Hành vi vi phạm pháp luật hình sự của đảng viên bị phát hiện sau khi cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy và ủy ban kiểm tra xác minh, làm rõ và kết luận.
“Quy định này góp phần vào công tác làm trong sạch Đảng, tránh tình trạng xuề xòa, cho qua những hành vi phạm pháp luật, vi phạm điều lệ Đảng”, luật sư Thắng nêu quan điểm.
Dẫn ra các quy định, hướng dẫn của Đảng như trên, theo luật sư Nguyễn Thắng, đảng viên có thể bị khai trừ trong hai trường hợp: Một là bị Tòa án kết án hình phạt từ cải tạo không giam giữ trở lên và bản án đã có hiệu lực pháp luật; Hai là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng tới mức phải khai trừ sau khi có kết luận của Ủy ban Kiểm tra có thẩm quyền, không chờ và không phụ thuộc vào quyết định của Tòa án.
Về trường hợp cụ thể của ông Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, bị khai trừ khỏi Đảng ngay sau khi Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố về tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", luật sư Thắng cho rằng, kết luận Ủy ban Kiểm tra Trung ương xét thấy ông Tuấn vi phạm đến mức phải khai trừ thì khai trừ, không nhất thiết phải đợi Tòa án tuyên phạm tội hay không phạm tội. Đây cũng không phải trường hợp đầu tiên, trước đó ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, chưa có bản án có hiệu lực pháp luật nhưng Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã kết luận và áp dụng hình thức kỷ luật khai trừ Đảng.