Chính cán bộ công đoàn cơ sở, nơi trực tiếp triển khai các hoạt động, phong trào, chủ trương, chính sách của tổ chức công đoàn, và là người truyền cảm hứng đến đoàn viên, người lao động.

XÂY DỰNG QUAN HỆ LAO ĐỘNG ỔN ĐỊNH, HÀI HÒA

Có thể nói, công đoàn cơ sở đóng vai trò vô cùng quan trọng. Đặc biệt, trong các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài, vai trò của công đoàn cơ sở càng hết sức nhạy cảm, cần thiết và quan trọng.

Cán bộ công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp này vừa đại diện cho tiếng nói của người lao động, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động. Mặt khác, họ lại là một nhân viên của doanh nghiệp, được chủ doanh nghiệp ký hợp đồng, trả lương trực tiếp, chịu sự lãnh đạo trực tiếp của đơn vị. Do vậy, tiếng nói, vai trò của họ rõ ràng chịu sự chỉ đạo, giám sát của chính chủ doanh nghiệp.

bna_can_bo_cd_co_so17238819_2122022.jpgĐồng chí Lê Đình Thọ - Chủ tịch LĐLĐ huyện Thanh Chương thăm hỏi, động viên hướng dẫn cán bộ công đoàn cơ sở nắm bắt tình hình công nhân lao động sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán. Ảnh: P.V

Làm thế nào để công đoàn cơ sở làm tốt vai trò, trách nhiệm bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, đồng thời, giúp doanh nghiệp xây dựng quan hệ lao động ổn định, hài hòa, đảm bảo quyền lợi của cả doanh nghiệp và người lao động… Đó là nhiệm vụ vừa khó, vừa nặng nề của công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp FDI.

Để làm được điều đó, cán bộ công đoàn cơ sở thực sự phải là cầu nối giữa doanh nghiệp và người lao động. Lắng nghe, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của người lao động. Trao đổi, phân tích, chia sẻ, làm rõ những thông tin chính sách từ doanh nghiệp, đồng thời phản hồi kịp thời các ý kiến phản ánh của công nhân, giúp cho doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh.

Khi cán bộ công đoàn cơ sở làm tròn vai trò, trách nhiệm, mối quan hệ giữa chủ sử dụng lao động và người lao động sẽ thêm hài hòa, ổn định. Ảnh: P.V

Cán bộ công đoàn cơ sở phải có bản lĩnh và tâm huyết, dám nói lên tiếng nói của công nhân, có đủ lý lẽ và kiến thức để thương lượng với chủ doanh nghiệp những kiến nghị chính đáng của người lao động. Làm được điều đó cán bộ công đoàn thực sự là chỗ dựa tin cậy của người lao động, được người lao động tin tưởng, là trung tâm đoàn kết của đơn vị. Từ đó, một khi có ý kiến trái chiều, có mâu thuẫn căng thẳng giữa người lao động và chủ doanh nghiệp, công đoàn sẽ nắm bắt nhanh, phản ánh kịp thời, xử lý nhanh chóng, góp phần ổn định tình hình, tránh được xảy ra đình công, ngừng việc tập thể trái pháp luật, không có lợi cho cả đôi bên.

Thực hiện tốt được nhiệm vụ đó hay không đều quyết định bởi sự tâm huyết, năng lực, sáng tạo, bản lĩnh của đội ngũ cán bộ CĐCS, nhất là tại các doanh nghiệp FDI.

CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG

Cán bộ là gốc rễ mọi công việc, cán bộ công đoàn trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng càng cần nhiều yếu tố để thực hiện được tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn trong tình hình mới. Nhận thức sâu sắc vấn đề ấy, hằng năm, công đoàn các cấp quan tâm tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở.

Bà Phan Thị Trang -  Trưởng ban Tổ chức LĐLĐ tỉnh chia sẻ: “Hằng năm, chúng tôi xây dựng kế hoạch, định hướng nội dung, tổ chức tập huấn nghiệp vụ hoạt động cho cán bộ công đoàn cơ sở, theo hướng cầm tay chỉ việc. Ngoài ra, chúng tôi lựa chọn cán bộ công đoàn doanh nghiệp để bồi dưỡng các kỹ năng như thương lượng thỏa ước lao động tập thể, kỹ năng giải quyết đình công, kỹ năng tổ chức hội nghị dân chủ cơ sở…”.

LĐLĐ tỉnh thường xuyên tổ chức những lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ công đoàn cơ sở. Ảnh: P.V

Tuy nhiên, việc tập huấn nghiệp vụ công đoàn hàng năm vẫn là chưa đủ để có một đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở, nhất là Chủ tịch CĐCS doanh nghiệp FDI đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới. Bà Trần Thị Nguyệt - Phó Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế Đông Nam chia sẻ: “Tìm được người cán bộ công đoàn cơ sở có trình độ, năng lực, kinh nghiệm, tâm huyết với tổ chức công đoàn ở doanh nghiệp rất khó. Thực tế cho thấy, có nhiều doanh nghiệp 1 năm thay đến 2-3 chủ tịch CĐCS”.

Để giải quyết vấn đề này, công đoàn cấp trên phải hết sức sâu sát, quan tâm, trực tiếp làm việc với doanh nghiệp để họ thấy được vai trò của tổ chức công đoàn. Từ việc nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của tổ chức công đoàn, doanh nghiệp và người lao động mới thống nhất lựa chọn cán bộ công đoàn đáp ứng được tiêu chuẩn vừa có trình độ, năng lực, vừa tâm huyết, vừa có bản lĩnh, vừa có trách nhiệm. Ngoài ra, bản thân công đoàn cơ sở phải hoạt động tốt, thực hiện tốt nhiệm vụ, nhất là cùng doanh nghiệp xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, văn minh, tạo niềm tin cho chính doanh nghiệp và người lao động.

LĐLĐ tỉnh tổ chức tập huấn về công tác phòng ngừa đình công. Ảnh: P.V
Lựa chọn được cán bộ, thì cần quan tâm bồi dưỡng nghiệp vụ. Công tác tập huấn đã tổ chức hàng năm, nhưng hầu hết cán bộ công đoàn cơ sở đều làm kiêm nhiệm. Việc triển khai đầy đủ các nội dung như tập huấn là rất khó,  các cấp công đoàn cần hướng dẫn chi tiết hơn các chuyên đề theo hướng cụ thể, định hướng rõ việc, rõ hình thức, rõ nội dung. Trên cơ sở đó công đoàn cơ sở nghiên cứu lựa chọn những hoạt động sát với đặc điểm tình hình triển khai của đơn vị.
 

“Xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn bảo đảm về số lượng, chất lượng, có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín, có năng lực đối thoại, dẫn dắt, truyền cảm hứng, tập hợp, đoàn kết người lao động”, không chỉ là thực hiện nghiêm Nghị quyết 02/NQ của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn trong tình hình mới mà là trách nhiệm, quyết tâm cao của tổ chức Công đoàn Nghệ An trong thời gian tới”.

Đồng chí Kha Văn Tám - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh

Đặc biệt, cần quan tâm, định hướng, nghiên cứu hướng dẫn hoạt động phù hợp với từng loại hình công đoàn cơ sở, giúp cho công đoàn cơ sở thuận tiện, dễ dàng hơn trong việc xây dựng, triển khai thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa, phù hợp. Thực tế cho thấy, CĐCS nào thường xuyên tổ chức các hoạt động phong trào thì chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn nơi ấy tốt hơn những đơn vị khác. Qua các hoạt động, cán bộ công đoàn có thêm nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức các hoạt động phong trào từ việc xây dựng kế hoạch, đàm phán, thương lượng với chủ sử dụng lao động, đem lại tiếng nói hiệu quả hơn, thuyết phục hơn của tổ chức công đoàn đối với người lao động và doanh nghiệp.

Một buổi tập huấn nghiệp vụ công đoàn. Ảnh: P.V

Ngoài ra, các cấp công đoàn thường xuyên kiểm tra hoạt động công đoàn, kiểm tra việc thực hiện và chấp hành điều lệ, kiểm tra các chuyên đề, các hoạt động do công đoàn phát động. Góp ý trực tiếp, chỉ cho cán bộ CĐCS những tồn tại, hạn chế. Qua kiểm tra giúp rất nhiều cho CĐCS, trực tiếp cán bộ của CĐCS thấy được việc làm của mình là đúng, đủ hay còn thiếu sót để khắc phục, sửa chữa kịp thời.