Truyền thống tự hào
Ngày 27/02/1955, nhân dịp tổ chức Hội nghị cán bộ y tế, Bác Hồ đã gửi thư cho hội nghị. Trong thư, Người căn dặn "Người thầy thuốc phải thương yêu người bệnh; người bệnh phó thác tính mạng của họ với các cô, các chú; Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe của đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang". Những nội dung sâu sắc, khoa học, mang tính định hướng chiến lược, những lời dạy của Bác đã trở thành tài sản vô giá và phương châm hành động của các thế hệ thầy thuốc Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng...
Làm theo lời Bác dạy, 67 năm qua, cùng với cả nước, các thế hệ thầy thuốc tỉnh Nghệ An đã luôn đoàn kết một lòng phấn đấu vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ. Bằng tinh thần trách nhiệm và tấm lòng yêu thương người bệnh, đội ngũ thầy thuốc đã không ngừng rèn luyện học tập, thi đua lao động, nâng cao y đức và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân.
Cụ thể: Trong những năm chiến tranh, vì sự sống của đồng bào và chiến sĩ, ngành Y tế Nghệ An đã có 20 cán bộ, nhân viên y tế anh dũng hy sinh...Hòa bình lập lại, nối tiếp truyền thống tự hào của các thế hệ đi trước, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành Y tế đã không ngừng vươn lên, hoàn thành tốt các chỉ tiêu, kế hoạch được
Từ chỗ, toàn tỉnh chỉ có trên 50 cán bộ y tế thì hiện nay Nghệ An đã có hơn 12.000 cán bộ, nhân viên y tế, trong đó, có 3 phó giáo sư, 120 tiến sĩ và bác sĩ chuyên khoa II. Từ chỗ công tác chăm sóc sức khỏe người dân chủ yếu dựa vào cộng đồng thì nay đã phát triển y tế chuyên sâu, áp dụng nhiều kỹ thuật mới phục vụ bệnh nhân và không ngừng vươn lên để đạt được những tiến bộ mới vững chắc. Hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở xã, phường, thôn, bản, làng đã được củng cố và ngày càng hoàn thiện. Mạng lưới khám, chữa bệnh - phục hồi chức năng phát triển nhanh chóng theo hướng kỹ thuật chuyên sâu.
Nghệ An đã hoàn thành một số mục tiêu xây dựng Trung tâm kỹ thuật cao khu vực Bắc Trung Bộ tại thành phố Vinh; qua đó, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân, đào tạo nguồn nhân lực. Đến nay, tỉnh đã có 13 bệnh viện tuyến tỉnh; 7 bệnh viện đa khoa cấp huyện; 21 trung tâm y tế tuyến huyện, thành, thị; 16 bệnh viện tư nhân… Trong đó, có nhiều đơn vị được đầu tư trang thiết bị tiên tiến, đồng bộ và kỹ thuật khép kín.
Ngoài ra, ngành Y tế cũng đã tập trung đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo, đặc biệt, trong nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại vào chẩn đoán, cấp cứu và điều trị, dự phòng; thực hiện thành công các kỹ thuật tiên tiến, phức tạp, như: Can thiệp tim mạch, mổ tim hở, phẫu thuật mạch máu, thần kinh, cột sống, kỹ thuật ghép tủy... Từng bước chuyển giao nhiều kỹ thuật tiên tiến, như: Phẫu thuật nội soi, phẫu thuật chấn thương, phẫu thuật phaco… cho tuyến huyện. Chất lượng khám, chữa bệnh và sự hài lòng của bệnh nhân ngày càng được nâng lên
Các chỉ tiêu về giường bệnh, bác sĩ, dược sĩ trên vạn dân, tỷ lệ BHYT luôn tăng qua từng năm, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm, tỷ lệ tiêm chủng mở rộng luôn đạt mức cao, các chỉ số sức khỏe, tuổi thọ bình quân được cải thiện, công tác dân số, an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được đảm bảo. Công tác cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin đạt hiệu quả.
Đặc biệt, trong 2 năm qua, khi dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng, ngành Yy tế đã chủ động, tích cực, tham mưu quyết liệt cho tỉnh nhiều giải pháp đồng bộ hiệu quả. Cùng một lúc đã triển khai tốt 2 nhiệm vụ: vừa phòng, chống dịch, vừa triển khai tiêm chủng vắc-xin nhanh, kịp thời an toàn cho người dân. Đến thời điểm này, Nghệ An đứng tốp đầu về tỷ lệ tiêm chủng của cả nước.
Trong những tháng ngày chống dịch, ở Nghệ An đã xuất hiện nhiều y, bác sĩ là tấm gương hy sinh thầm lặng. Họ đã không quản ngại khó khăn, vất vả, thậm chí là nguy hiểm, dấn thân, xông pha vào vùng dịch, tất cả vì sức khỏe và tính mạng của người dân. Ngoài việc tham gia chống dịch trên địa bàn, lực lượng y tế đã tăng viện, hỗ trợ các tỉnh miền Nam chống dịch hiệu quả, được người dân yêu quý, ơn sâu… Những hy sinh thầm lặng đó, đã góp phần tô thắm thêm truyền thống tốt đẹp của ngành Y; nhân lên niềm tin và sự tin yêu của nhân dân đối với “Chiến sĩ áo trắng”.
Quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, song ngành Y tế Nghệ An hiện vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi tình hình dịch COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Thời điểm này, mỗi ngày, Nghệ An ghi nhận trên 2.000 ca nhiễm mới, trong đó, có trên 500 ca cộng đồng. Lũy kế từ đầu mùa dịch đến nay trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 57.064 ca mắc Covid-19. Lũy kế số bệnh nhân điều trị đã khỏi bệnh, ra viện là 31.367 người. Lũy kế số bệnh nhân tử vong là 90 người. Số bệnh nhân hiện đang điều trị là 25.610 người.
Cùng với cả nước, Nghệ An cũng đã bước vào giai đoạn bình thường hóa các hoạt động xã hội, vừa tập trung chống dịch, đảm bảo sức khỏe y tế, vừa phải đảm bảo các mục tiêu về an sinh xã hội và phát triển kinh tế. Diễn biến của dịch Covid-19 và dịch bệnh nói chung hiện nay không cho phép toàn xã hội, đặc biệt là đối với đội ngũ y tế có thể chủ quan và lơ là.
Nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình, các cán bộ, y, bác sỹ, nhân viên ngành Y tế Nghệ An hiện nay đã nêu cao quyết tâm, không ngừng cố gắng, tiếp tục quyết liệt thực hiện các giải pháp phòng, chống, tiến tới khống chế hẳn đại dịch Covid-19, bảo đảm an toàn tính mạng và sức khỏe cho nhân dân. Cụ thể là: Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.
Với phương châm “Phòng dịch là cơ bản, chiến lược, lâu dài; cách ly, xét nghiệm, vắc- xin, điều trị là điều kiện tiên quyết; ý thức người dân trong tuân thủ nguyên tắc "5K" là đặc biệt quan trọng; ứng dụng công nghệ thông tin là cấp thiết”, ngành Y tế chủ động đánh giá, nhận diện rõ cấp độ dịch và những nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập vào địa bàn để tham mưu xây dựng phương án và triển khai đồng bộ các biện pháp “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” với lộ trình từng bước, chặt chẽ, khả thi; vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa ổn định để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội;…Để làm được điều này, ngành Y tế rất sự sự phối kết hợp của các ban, ngành, đoàn thể; sự đồng tình ủng hộ, cảm thông, chia sẻ, đồng hành của toàn xã hội.
Bên cạnh đó, ngành Y tế Nghệ An cũng sẽ tiếp tục chung sức, đồng lòng, tập trung phấn đấu, thực hiện tốt các nhiệm vụ cấp bách khác như: Tiếp tục đổi mới cơ chế hoạt động; phát triển mạng lưới y tế vừa chuyên sâu, vừa phổ cập; xây dựng y tế thông minh; đẩy mạnh lao động, sáng tạo, nghiên cứu khoa học; chú trọng đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học giỏi, đầu ngành, làm chủ tiến bộ khoa học, kỹ thuật, bám sát các tiến bộ y học trong và ngoài nước để triển khai ứng dụng thêm nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao vào công tác chẩn đoán và điều trị, phòng bệnh để ngày càng có nhiều người được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế tiên tiến đạt trình độ khu vực và thế giới, đảm bảo độ an toàn cao.
Quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh và có sự phát triển toàn diện, mỗi cơ sở y tế, cán bộ y tế đã và đang nỗ lực phấn đấu hoàn thiện về chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, thi đua hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch và nhiệm vụ được giao… đế xứng đáng tấm áo bờ-lu trắng là hiện thân của tri thức, của danh dự, của nhân cách như tinh thần lời thề Hyppocrat, như lời Hải Thượng Lãn Ông “Nghề thuốc là thanh cao”, “Người thầy thuốc phải tự tu dưỡng với 8 chữ răn mình: Nhân – Minh – Đức – Trí – Lượng – Thành – Khiêm – Cần”; như lời Bác Hồ kính yêu đã dặn dò: “Phải lao mình vào chỗ bẩn để làm cho sạch, phải dấn thân vào chỗ đau khổ để làm giảm bớt đau khổ. Lương y phải như từ mẫu”./.