Tại hội thảo đánh giá kết quả thực hiện dự án trồng cây cam, bưởi và bàn giải pháp phát triển trên địa bàn huyện do UBND huyện Anh Sơn vừa tổ chức, một trong những giải pháp được đưa ra trong thời gian tới để phát triển cây cam và giúp người trồng cam có thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững và lâu dài là đăng ký với Sở KHCN bổ sung điểm chỉ dẫn cam Vinh cho cam Bãi Phủ, từng bước xây dựng thương hiệu cam Anh Sơn.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Anh Sơn có 125,5 ha cam, trong đó một số địa phương có diện tích trồng tương đối lớn như: Đỉnh Sơn 62 ha, Phúc Sơn 15 ha, Long Sơn 9 ha, Khai Sơn 8,6 ha, Thọ Sơn 6,7 ha... Diện tích cam đã cho kinh doanh trên 65 ha; diện tích còn tại trong thời gian kiến thiết cơ bản; năng suất bình quân 12 tấn/ha, sản lượng khoảng 780 tấn.

bna_bl_xay_dung_thuong_hieu_cam_anh_son_anh_17722988_792018.jpgQua các mô hình tham gia dự án sản lượng đạt khoảng 20 tấn /ha cho thu nhập từ 300- 350 triệu/ha sau khi trừ chi phí. Ảnh: Thái Hiền
Các giống cam đã đưa vào sản xuất trên địa bàn huyện chủ yếu là cam Vân Du, Xã Đoài, Sông Con, Valecia và giống cam Bù.

Để từng bước khôi phục thương hiệu cam Bãi Phủ, Anh Sơn đã triển khai 2 dự án trồng cam hàng hóa tại xã Đỉnh Sơn. Dự án thứ nhất từ năm 2014, có 20 hộ tham gia với 10 ha; tổng nguồn vốn thực hiện là 600 triệu đồng từ quỹ hỗ trợ nông dân. Dự án thứ 2 từ năm 2016, có 40 hộ trồng với 40 ha cam; tổng nguồn vốn thực hiện là 2 tỷ đồng từ quỹ hỗ trợ nông dân.

Qua đánh giá mô hình tham gia dự án cho thấy, cây cam trong 3 năm đầu là thời kỳ kiến thiết cơ bản nên chưa có sản phẩm thu nhập, từ năm thứ 4 cây cam bắt đầu bước vào thời kỳ kinh doanh. Đến năm thứ 5 trở đi cây cam mới cho thu hoạch ổn định; sản lượng đạt khoảng 20 tấn /ha cho thu nhập từ 300 - 350 triệu/ha sau khi trừ chi phí.

Mục tiêu của dự án trồng cam hàng hóa là từng bước mở rộng quy mô diện tích trồng đến năm 2020 tại xã Đỉnh Sơn 70 ha; sản lượng cam đạt từ 1.200 - 1.400 tấn/năm, doanh thu 28 - 30 tỷ đồng/năm... Từ đó khôi phục thương hiệu Cam Bãi Phủ, tạo thành làng nghề trồng cam Bãi Phủ, giải quyết việc làm ổn định cho trên 300 lao động nông thôn; nâng cao đời sống cho các hộ trực tiếp tham gia thực hiện dự án. Xây dựng thành công mô hình tổ nông dân liên kết trồng cam hàng hóa, hình thành tổ hợp tác, câu lạc bộ trồng cam. 

Hiện trên địa bàn huyện Anh Sơn có 125,5 ha cam; trong đó, xã Đỉnh Sơn là địa phương có diện tích trồng lớn nhất với 62 ha. Ảnh: Thái Hiền
Để phát triển cây cam trên địa bàn, Anh Sơn đang tập trung quy hoạch diện tích trồng cam, định hướng đúng đắn cho người trồng chọn những vùng đất phù hợp, tránh lãng phí về đầu tư, gây thiệt hại về kinh tế cho người dân. Để nâng cao tính đồng nhất về năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, cần tăng cường công tác đào tạo, tập huấn chuyên sâu về khoa học kỹ thuật cho người trồng cam; khuyến khích và có các chính sách hỗ trợ người dân áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, cải tiến, sáng chế các công cụ lao động, thu hoạch, bảo quản nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất.

Bên cạnh đó, đăng ký với sở KHCN bổ sung điểm chỉ dẫn Cam Vinh, từng bước xây dựng thương hiệu cam Anh Sơn, trong đó có gắn lô gô cam Vinh và gắn tem, nhãn mác riêng cho cam Anh Sơn.