Về phía tỉnh Nghệ An có đồng chí Lê Xuân Đại – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh và huyện, thành, thị.
Còn nhiều hạn chế
Báo cáo công tác cải cách hành chính (CCHC) giai đoạn 2016-2018, Giám đốc Sở Nội vụ Đậu Văn Thanh khẳng định: Thời gian qua Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp, ngành đã dành nhiều sự quan tâm và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác CCHC.
Bên cạnh kết quả đạt được, người đứng đầu ngành Nội vụ tỉnh chỉ rõ một số tồn tại, bất cập trong công tác CCHC như: Việc rà soát, tham mưu UBND tỉnh công bố bộ thủ tục hành chính (TTHC) ở các cấp của một số đơn vị chậm. Chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông ở một số cơ quan, đơn vị còn thấp, chưa đảm bảo quy định.
Tổ chức bộ máy vẫn chưa thực sự tinh giản, gọn nhẹ. Việc xử lý, giải quyết công việc cho cá nhân, tổ chức ở một số lĩnh vực công việc còn chậm. Kỷ luật, kỷ cương hành chính tại một số đơn vị chưa nghiêm.
Triển khai ứng dụng CNTT, hiện đại hóa nền hành chính còn thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Chỉ số Cải cách hành chính (PARINDEX), chỉ số PCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), chỉ số PAPI (Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh) qua các năm không ổn định,...
Tại hội thảo có 11 ý kiến, tham luận của các sở, ngành địa phương làm rõ những tồn tại, hạn chế hiện nay về CCHC của tỉnh Nghệ An. Từ đó đề xuất hệ thống giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác CCHC của tỉnh.
Khẳng định người dân và doanh nghiệp chưa hài lòng về công tác CCHC, ông Trần Anh Sơn- Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tiêu biểu tỉnh cho rằng: "Trong công tác CCHC của tỉnh cần loại bỏ được các cụm từ "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về", hay "trên nóng dưới lạnh". Công tác CCHC cần được các cấp, các ngành vào cuộc một cách đồng bộ".
Còn ông Phan Duy Hùng - đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh Nghệ An (VCCI) đánh giá: Chỉ số CCHC năm 2017 của tỉnh Nghệ An đứng vị trí thứ 31, mặc dù tăng hơn 7 bậc so với năm 2016 nhưng vẫn thấp hơn các tỉnh trong khu vực Bắc Trung bộ.
Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công của tỉnh (PAPI) của Nghệ An những năm gần đây cũng thiếu sự ổn định. Các chỉ tiêu đánh giá PAPI cho thấy các cấp chính quyền tỉnh nhà cần phải cải thiện hơn nữa nhằm tăng cường hiệu quả quản trị và hành chính công trong thời gian tới.
"Các sở, ban, ngành các cấp cần xem người dân và doanh nghiệp thực sự là đối tượng phục vụ, mục đích cuối cùng là đem lại sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp. Khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, chậm trễ trong việc xử lý, giải quyết hồ sơ TTHC, cung cấp dịch vụ hành chính công giữa các cấp, các ngành"- ông Hùng đề nghị.
Vụ trưởng Vụ CCHC Bộ Nội vụ Phạm Minh Hùng cho rằng, gốc của CCHC là thể chế và con người.
“Nghệ An cần phối hợp với các đối tác trong cung cấp dịch vụ công, triển khai chính phủ điện tử; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác CCHC một cách chuyên nghiệp. Quan tâm kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước. Phân công rõ trách nhiệm của các sở, ban, ngành, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; ứng dụng công nghệ thông tin thực chất, đáp ứng nhu cầu người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó cần tăng cường công tác đánh giá, theo dõi công tác CCHC” - Vụ trưởng Phạm Minh Hùng nói.
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Xuân Đại yêu cầu các cấp, các ngành cần tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu tại hội thảo. Tiếp tục tham mưu tốt về công tác CCHC để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.
Đồng chí Lê Xuân Đại cũng nhấn mạnh: các cơ quan, đơn vị cần nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, tập trung thực hiện tốt việc tham mưu ban hành, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật phục vụ cho công tác quản lý nhà nước; công khai, minh bạch 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị.
Cùng đó, nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước, sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đảm bảo tinh gọn, giảm đầu mối.
Phân tích thực trạng công tác CCHC của tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Xuân Đại cho rằng: “Các cấp, các ngành cần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp không chỉ bằng lời nói mà phải bằng hành động cụ thể”.
Đồng chí Lê Xuân Đại nhấn mạnh: “Vấn đề then chốt của công tác CCHC phải thay đổi căn bản, phải xem người dân là đối tượng phục vụ, khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, thái độ “vô cảm” của một số cán bộ, công chức”.