Đại sứ Vương quốc Bỉ: Nghệ An là tỉnh ưu tiên trong hợp tác phát triển
PV:Thưa Đại sứ, tại hội thảo “Cải cách hành chính hướng đến cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư tại tỉnh Nghệ An”, lãnh đạo tỉnh Nghệ An xác định cần phải tháo gỡ nút thắt trong cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử... Bà đánh giá như thế nào về cách tiếp cận của tỉnh trong lĩnh vực CCHC?
Đại sứ Jehanne Roccas: Tôi lấy làm vui mừng và ngạc nhiên khi lãnh đạo tỉnh Nghệ An rất quan tâm và có cái nhìn sát sao, đúng với thực trạng mà tỉnh đang gặp phải thời gian qua.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành với tỉnh để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, giúp thu hút đầu tư. Không chỉ lập kế hoạch CCHC và hạn chế các khuyết điểm trong cung ứng dịch vụ hành chính, tôi khuyến khích chính quyền tỉnh Nghệ An áp dụng phương pháp tương tự cho các lĩnh vực dịch vụ công khác, nhằm hỗ trợ lợi ích và phúc lợi của người dân.
Có thể thấy rằng Nghệ An đang rất nỗ lực cải cách hành chính.Trong nỗ lực chung để thúc đẩy việc cung cấp dịch vụ hiệu quả phục vụ cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư, Bỉ luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm này cho Nghệ An để phục vụ tốt hơn cho mọi công dân. Chúng tôi mong muốn mọi công dân luôn được đáp ứng nhu cầu và cải thiện cuộc sống thường nhật.
Tôi trông đợi vào những thay đổi tích cực từ các dự án hỗ trợ của Bỉ cũng như sự cộng tác chặt chẽ và hiệu quả của chính quyền các cấp ở Nghệ An trong quá trình thực hiện dự án. Điều này sẽ góp phần củng cố hơn nữa mối quan hệ hữu nghị giữa Bỉ và Nghệ An nói riêng, Bỉ và Việt Nam nói chung.
PV:Bà có thể chia sẻ những kinh nghiệm của Vương quốc Bỉ trong công tác CCHC, thưa Đại sứ?
Đại sứ Jehanne Roccas: Trong 10 năm qua, Vương quốc Bỉ đã tập trung thực hiện CCHC ở mức độ địa phương, cơ sở, tạo thuận lợi tối đa cho người dân khi đến với chính quyền. Người dân chính là người kiến tạo nên chính quyền, do đó, họ có quyền lợi đòi hỏi sự phục vụ tốt từ phía chính quyền.
Có thực tế cần thẳng thắn nhìn nhận, ở Bỉ, hiện trạng tham nhũng cũng đang là vấn đề đặt ra với chính phủ. Do đó, với phương thức đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử, chúng tôi hy vọng sẽ giảm thiểu nạn tham nhũng, từ đó tạo được tiếng nói chung, góp phần phát triển đất nước.
PV:Vậy giải pháp của Bỉ để nâng cao hiệu quả CCHC là gì, thưa Đại sứ?
Đại sứ Jehanne Roccas: Nội dung CCHC chủ yếu tại Bỉ tập trung vào giảm gánh nặng hành chính cho người dân và doanh nghiệp; giảm quan liêu và chi tiêu công; đẩy mạnh hành chính điện tử. Mục tiêu là xây dựng nền hành chính hướng tới phục vụ cộng đồng.
Tại Bỉ, chúng tôi thực hiện chính quyền một cửa, chỉ duy trì 1 điểm duy nhất để giải quyết tất cả các thủ tục hành chính cho người dân. Với hình thức này, người dân có cơ hội tiếp cận thông tin và giải quyết những vướng mắc trong 1 lần.
Bên cạnh đó, chúng tôi còn đặc biệt quan tâm đến các giải pháp kiểm soát đầu ra, tính toán chi phí quản lý đối với từng loại, từng lĩnh vực hoạt động, kể cả phí tổn mà người dân và doanh nghiệp phải gánh chịu khi thực hiện thủ tục hành chính. Trong đó, vấn đề xây dựng và phát triển nền hành chính điện tử được xác định là trọng tâm ưu tiên.
Theo kinh nghiệm của chúng tôi, để xây dựng và phát triển thành công chính quyền điện tử, cần 4 yếu tố quan trọng, đó là: quyết tâm chính trị của Chính phủ, đặc biệt là của người đứng đầu; chú trọng khâu đào tạo công chức; cải tiến quy trình, quy chế làm việc và tổ chức, hoạt động bộ máy hành chính; xây dựng hạ tầng kỹ thuật.