Kiêng kị là một điểm dễ nhận thấy ở nhiều cộng đồng dân tộc, trong đó có những tục kiêng trong ngày tết. Một số cộng đồng thiểu số ở Nghệ An cũng có tục kiêng riêng. Tuy nhiên chúng ta vẫn có thể tìm thấy đâu đó những ảnh hưởng lẫn nhau giữa quan niệm kiêng kỵ của các dân tộc thiểu số và người Kinh.
Nghệ An xếp thứ 2 về số lượng người Thái ở Việt Nam, chỉ sau Sơn La. Nhiều chục năm nay, người Thái đã ăn tết nguyên đán như người Kinh, có lẽ vì thế mà một số tục kiêng của họ có phần tương đồng.
Cũng trong dịp đầu năm mới, người Thái thường không đi xin lửa, nước của nhà khác. Một số người cho rằng nếu ngày tết mà phải đi xin nước, lửa thì cả năm sẽ phải đi xin. Cũng trong dịp tết, người ta thường sống nhường nhịn, không to tiếng với ai để giữ hòa khí cả năm.
Cộng đồng Khơ mú và người Mông ở Nghệ An đã ăn tết nguyên đán từ gần 30 năm nay. Trước đây, 2 cộng đồng này ăn tết theo lịch của người Lào. Dù đã “hợp nhất” trong việc tổ chức đón tết, nhưng phong tục đón năm mới vẫn được giữ gìn, chỉ có sự thay đổi về thời gian.
Người Khơ mú cũng có tục kiêng trong ngày đầu năm mới. Sau bữa rượu cần vào đêm giao thừa, ở bản Huồi Phuôn xã Keng Đu huyện Kỳ Sơn, khách mời thường trở về nhà mình. Họ ít khi vui tết quá nửa đêm, vì thời khắc này đã bước sang năm mới. Người ta không muốn ở lại “xông nhà” người khác. Con gái đã về nhà chồng cũng phải trở về nhà vì đã coi như là người ngoài.