Hằng năm, cứ mỗi độ Tết đến xuân về, người dân khắp nơi trên cả nước lại nô nức đến chợ để trao đổi hàng hóa, mua sắm Tết.
Với những sắc màu văn hóa độc đáo của mình, đồng bào dân tộc Thái Nghệ An có hẳn một ngày riêng để xuống chợ, đó là ngày 25 tháng Chạp.
Phong tục này xuất phát từ thực tế đời sống lao động sản xuất và điều kiện địa hình đặc thù cũng như quan niệm tín ngưỡng của người dân sống ở miền núi cao.
Theo truyền thống nông vụ, thì năm sản xuất của người Thái kết thúc vào ngày 24 tháng Chạp âm lịch, người dân bắt đầu ăn Tết từ ngày 25 tháng Chạp đến hết ngày 10 tháng Giêng. “Đây cũng là ngày thần núi đóng của rừng để cùng các chư thần về trời, dân làng không được vào rừng săn bắn hoặc thu hái sản vật. Nếu ai phạm phải sẽ bị thần núi quở phạt, gặp tai ương và những điều không may mắn. Vì vậy người dân chủ yếu mua sắm, quây quần quanh nhà sàn chuẩn bị cho ngày Tết” - ông Vi Tiến Phương, già làng bản Phẩy, xã Xiêng My, huyện Tương Dương cho biết.
Ngày nay, khi giao thương đã vươn tới mọi ngõ ngách bản làng, cùng với sự xuất hiện của các chợ đầu mối bản địa, phong tục đi chợ vào ngày 25 tháng Chạp đang dần bị mai một.
Người Thái ở miền Tây Nghệ An không chỉ đi chợ vào ngày 25 tháng Chạp mà còn đi vào các ngày khác nữa. Tuy nhiên, phần đông người Thái ở miền Tây Nghệ An vẫn chọn ngày 25 để đi chợ.