Họ cần mẫn, lặng lẽ dâng cho đời hương thơm mật ngọt, thứ quà tặng tinh khiết nhất của tự nhiên.
Khi những cánh đồng ngô, lúa, những cánh rừng keo tràm bạt ngàn ở vùng đồi núi huyện Anh Sơn đơm hoa, cũng là lúc những người nuôi ong mật ở các tỉnh đổ về dựng lán trại, đặt các hộp ong để đánh mật.
Dọc theo những tán rừng keo ở xã Đức Sơn giáp với xã Bình Sơn, huyện Anh Sơn chúng tôi bắt gặp nhiều lán trại dựng tạm để “chăn ong”. Chủ lán trại ấy là những người ở các tỉnh phía Bắc, phía Nam xa xôi.
Anh Nguyễn Văn Sinh huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu có hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghề, chậm rãi tâm sự với chúng tôi: Ở các tỉnh phía Nam từ tháng 4 đến tháng 10 là mùa mưa, ong không cho mật, lại dễ chết nên phải di chuyển đàn ra Nghệ An. Trung bình một năm anh có 4 đợt di chuyển đàn ong qua những miền đất khác nhau trên khắp mọi miền đất nước, từ mùa hoa vải, hoa nhãn của các tỉnh phía Bắc, mùa cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên đến mùa hoa tràm, hoa ngô, hoa lúa ở Nghệ An.
Theo tay anh Sinh, chúng tôi ngước mắt ra xung quanh, những tổ ong ken đặc, xếp ngay ngắn dưới những cây keo tràm đang độ lớn. Theo chia sẻ của anh Sinh, làm nghề này trông đơn giản nhưng lại tỉ mỉ, cầu kỳ và phải thực sự kiên nhẫn, để đàn ong mật phát triển tốt và cho ra những giọt mật chất lượng, anh luôn phải tìm tòi, học hỏi những kiến thức về thời tiết, địa lý vùng miền và tập tính của loài ong. Với hơn 400 đàn ong, bình quân mỗi tháng sau khi trừ chi phí cũng cho anh Sinh thu về gần 20 triệu đồng.
Cách lán trại anh Sinh vài cánh rừng, bên những triền keo xanh mướt là chỗ dừng chân lý tưởng trên hành trình nuôi ong du mục của anh Phạm Văn Bảo Trung, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.
Đang kiểm tra từng ổ ong để chuẩn bị quay mật, anh Trung dừng lại chia sẻ: nuôi ong du mục là nghề cho ong ăn theo từng mùa hoa. Những người làm nghề như anh đã thuộc nằm lòng những mùa hoa nào cho mật thơm ngon, những mùa hoa nở, những vùng đất nào có thể đến. Năm nào anh Trung cũng di chuyển đàn ong của mình vào đây, dưới tán rừng keo, tràm. Bởi theo kinh nghiệm của anh Trung, mật ong nuôi trong rừng keo, tràm đặc biệt hơn so với những nơi khác vì nó hoàn toàn tự nhiên, không nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, có màu vàng nhạt và vị ngọt dịu.
Anh Trung cho biết: Vào mùa hoa nở rộ 1 tuần anh quay mật 1 lần, còn mùa ít hoa, thì tùy theo thực tế mà định ngày quay mật. Nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, ở những khu vực có nhiều thức ăn tự nhiên, với hơn 800 đàn ong, mỗi lần quay mật anh Trung cũng lấy được 2,5 tấn mật ong. Với giá thu mua từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, tính ra một lần lấy mật anh Trung cũng thu được từ 60 - 70 triệu đồng.
Cuộc sống của những người làm nghề nuôi ong du mục cũng lắm gian truân. Hầu hết chỗ ở của họ được làm tạm bợ như túp lều bằng vải bạt lụp xụp dựng lên giữa bốn bề núi rừng. Nghề này cũng có đặc thù riêng, không giống với bất cứ nghề nào khác. Người làm nghề này phải có sức khỏe và chịu khó mới không bị chồn chân mỏi gối khi theo những đàn ong đi tìm hoa khắp vùng miền.
Công việc hàng ngày của họ gồm kiểm tra đàn ong xem có dấu hiệu bất thường hay bệnh tật phát sinh để có hướng xử lý, cho ong ăn và quay lấy mật. Nói thì nghe có vẻ đơn giản, nhưng lúc làm việc phải tỉ mỉ, cẩn thận, kiên nhẫn, nếu lơ là sẽ dẫn đến thất bại chỉ trong gang tấc.
Người nuôi cần phải am hiểu về đặc tính của ong như xây tổ, chia đàn; các loài hoa, mùa hoa nở; mùa ong đi lấy mật; cách luân chuyển đàn ong tìm kiếm những nơi có nguồn mật hoa dồi dào.
Trong mỗi thùng luôn có một con ong đầu đàn (ong chúa), chúng chỉ làm nhiệm vụ sinh sản ra “đội quân” ong thợ để đi kiếm hoa làm mật. Một con ong chúa có thể sống và sinh sản liên tục từ 3 - 5 năm. Để tăng đàn, cứ khoảng 2 năm, người nuôi cần tiến hành thay giống ong chúa một lần, thường xuyên vệ sinh thùng, gỗ đóng thùng nên chọn gỗ không có mùi.
Thông thường sau khi kiểm tra đàn ong, đàn nào đạt tiêu chuẩn thu hoạch mới tiến hành quay mật. Những đàn ong nào có sáp phủ kín khoảng 2/3 cầu thì mật sẽ được quay ngay tại điểm nuôi để đảm bảo độ tươi và độ sánh vàng. Người thu mật phải trùm lưới kín đầu, tay đi găng, chân đi ủng, đốt khói xua bớt ong rồi mới lấy cầu ong lên. Sau đó xử lý cắt bớt lớp sáp bảo vệ để mật chảy được mới cho vào thùng quay. Cách thu hoạch mật ong phổ biến là dùng thùng quay mật, sử dụng lực ly tâm để mật ong từ lỗ tổ ong bắn ra ngoài. Công đoạn này đòi hỏi sự tỉ mỉ, đều tay thì mật mới chảy đều. Sau khi quay xong mật, cầu ong được trả lại cho đàn theo đúng vị trí cũ, theo thứ tự của nó.
Chúng tôi chia tay những người nuôi ong du mục khi những giọt mật vàng ươm sóng sánh đã được cho vào những chiếc bình để mang đi tiêu thụ. Trên những tán cây, đàn ong thợ sau một vòng đi tìm hương hoa cũng chuẩn bị trở về ngôi nhà thân thuộc của mình.
Nhìn những người nuôi ong đang tất tả thu xếp đồ đạc, gói ghém hành lý để chuẩn bị cho những chuyến đi băng rừng vượt suối sắp tới, chúng tôi bỗng thấy nghẹn ngào, bởi những sản phẩm ngọt ngào được kết tinh từ những gì tinh túy nhất của hương hoa, đất trời được hình thành từ chính bàn tay chăm chỉ của họ./.