Ngay từ những ngày bắt tay vào nuôi ong vò vẽ, anh Hùng phải lặn lội lên các khu rừng trong và ngoài huyện để tìm bắt những tổ ong đang chuẩn bị xây tổ mang về vườn nhà để nhân giống và nuôi. Hễ gặp tổ ong vò vẽ ở đâu hay nghe thông tin có tổ ong vò vẽ là anh tìm đến bắt cho kỳ được.
Để bắt ong vò vẽ, anh Hùng cho biết, chỉ có một bộ đồ bảo hộ lao động kín từ đầu đến chân. Khi thấy tổ ong, cần trùm kín lối ra vào ở tổ rồi đưa cả tổ về. Sau khi đưa về vườn, anh Hùng gắn, đặt các tổ vào các cành quýt trong vườn, với vị trí cách mặt đất từ 0,7 -1,2m để nuôi.
Với diện tích vườn quýt gần 1ha, khu vườn nhà anh Hùng hiện treo hơn 70 tổ ong vò vẽ, trong đó nhiều tổ to hơn chiếc nón lá.
Anh Hùng cho biết: "Loài ong này thích ăn thịt động vật thối nên chúng tôi thường dùng mồi nhử là ít thịt lợn có mùi hoặc côn trùng... Khi ong xuất hiện, chỉ việc lần theo hướng bay của chúng, sẽ tìm thấy tổ. Thường vào ban đêm, khi ong chui hết vào trong tổ, là lúc thuận lợi để dân săn nhộng tiến hành đốt miệng tổ. Sau khi ong bay ra, sẽ thu được nhộng của chúng".
"Với các vật nuôi khác đòi hỏi phải bỏ vốn đầu tư nhiều, còn với ong vò vẽ, điều cốt lõi là phải giữ được con ong chúa thì các con ong thợ sẽ không đi đâu hết. Tới khi tổ ong lớn đủ kích cỡ thì sẽ đưa ong chúa cùng ong thợ sang tổ mới để khai thác tổ ong cũ”, anh Hùng chia sẻ thêm.
Mỗi năm, anh Hùng thu hoạch từ 2 - 3 lần nhộng ong. Mỗi đợt thu hoạch được hơn 1,3 đến 1,8 tạ nhộng, với giá bán 200.000 đồng/kg có thể thu về khoảng 25 triệu đồng.
Đặc biệt, loại nhộng ong này được thương lái tự tìm tới nhà để thu mua nên đầu ra thuận lợi, người nuôi không phải mang đi tiêu thụ.
Nghề nuôi ong vò vẽ lấy nhộng mang lại thu nhập khá cao đối với những người nuôi ong như anh Hùng. Gắn bó với nghề này, họ cũng đối mặt với khá nhiều hiểm nguy không thể kể hết trong quá trình nuôi. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho chính bản thân người nuôi và những người xung quanh thì việc nuôi ong vò vẽ phải xa khu dân cư”