Ông Alberto Fernandez đã giành được hơn 47% phiếu bầu, bỏ xa đương kim Tổng thống Mauricio Macri với 33% số phiếu ủng hộ. Với kết quả này, theo luật bầu cử Argentina, bất cứ ứng cử viên nào đạt trên 45% số phiếu bầu hoặc từ 40% và cách biệt 10%, sẽ trở thành người chiến thắng ngay tại vòng 1. Thế nhưng, đảm nhận vai trò mới trong bối cảnh nền kinh tế Argentina đang rơi vào suy thoái nghiêm trọng, vị tân Tổng thống chắc chắn sẽ có nhiệm kỳ không hề dễ dàng!
LẠ MÀ QUEN
Những ngày qua, dư luận Argentina tập trung vào liên danh ứng cử viên Tổng thống của ông Alberto Fernandez rõ ràng không phải vì bản thân nhân vật này. Bởi đồng hành với ông là bà Cristina Kirchner - Cựu Tổng thống và nay là ứng viên cho chức Phó Tổng thống. Dư luận và chính trường Argentina có lẽ đã quá quen thuộc với gương mặt nữ chính trị gia này, nhưng với ông Alberto Fernandez thì không!
Sinh năm 1959 tại Buenos Aires, ông Alberto Fernandez tham gia chính trường từ đầu những năm 1980. Cùng thời gian, ông Alberto cũng hoàn thành khóa luật tại Đại học Buenos Aires.
Có lẽ không nhiều người biết rằng, cái tên Alberto Fernandez chính là nhân vật đứng đầu chiến dịch tranh cử hồi năm 2003 của cựu Tổng thống Nestor Kirchner - chồng của bà Cristina Kirchner, cũng là cựu Tổng thống nhưng là nhiệm kỳ sau. Ông Alberto sau đó giữ chức vụ Chánh văn phòng Nội các của Tổng thống Nestor Kirchner.
Sau khi hỗ trợ cho ông Nestor, ông Alberto tiếp tục điều hành chiến dịch tranh cử Tổng thống của phu nhân Tổng thống là bà Cristina Kirchner trong cuộc bầu cử năm 2007. Tuy nhiên khi bà Cristina đắc cử, ông Alberto đã từ chức trong chính quyền mới hồi năm 2008 đồng thời chỉ trích tân Tổng thống đã lãnh đạo một chính phủ tồi. Thế nhưng, cái duyên với nhà Kirchner của ông Alberto có vẻ như chưa thể kết thúc.
Tháng 5 năm nay, một thông báo khiến dư luận không khỏi bất ngờ khi bà Cristina Fernandez de Kirchner chính thức trở lại đường đua nhưng với vai trò ứng viên Phó Tổng thống và liên danh cùng ông Alberto Fernandez chạy đua vào vị trí Tổng thống. Đáng nói ở chỗ, nhiệm kỳ Tổng thống của bà Cristina Kirchner gần 10 năm trước đã khép lại với không ít di sản tồi tệ, bản thân bà khi đó cũng phải đối mặt với nhiều cáo buộc tham nhũng. Giải thích cho quyết định mới nhất này, ông Alberto Fernandez đã bênh vực đối tác liên danh và rằng, nếu tiếp tục đối đầu lẫn nhau sẽ chỉ là sai lầm mà thôi.
Cho đến khi đắc cử Tổng thống, ông Alberto vẫn là một hình ảnh chính trị gia không có nhiều ảnh hưởng thực sự mạnh mẽ trên chính trường Argentina.
Về cơ bản, ông Alberto được đánh giá là một người khá quyết đoán, có tầm nhìn chiến lược và có nhiều cống hiến cho những thành công của chính phủ của cựu Tổng thống Nestor Kirchner. Dù thể hiện không nhiều, nhưng tân Tổng thống Argentina cũng được đánh giá là người có khả năng đối thoại và khá ôn hòa. Nhưng cũng có một thực tế khác, cho đến khi đắc cử Tổng thống, ông Alberto vẫn là một hình ảnh chính trị gia không có nhiều ảnh hưởng thực sự mạnh mẽ trên chính trường Argentina. Cùng đó là một câu hỏi lớn trong việc liên danh với cựu Tổng thống nhiều tranh cãi là bà Cristina Kirchner!
BÌNH MỚI RƯỢU CŨ?
Người tiền nhiệm Mauricio Macri chuẩn bị rời nhiệm sở với những di sản tồi tệ khi đồng peso trượt giá thảm hại, tỷ lệ lạm phát hàng năm đạt mức kỷ lục hơn 57%, nợ công tăng lên 323 tỷ USD, thâm hụt ngân sách cũng tăng từ 3,6% lên 5,3% GDP cùng số người sống dưới mức nghèo khó tăng lên 35%. Hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch vừa qua cũng đã hạ hai bậc của Argentina từ “B” - mức đầu tư cao xuống “CCC” - tức là có khả năng vỡ nợ.
Giận dữ với những “thành quả đáng xấu hổ” này thế nhưng dư luận hẳn chưa quên, ông Macri tiếp quản vị trí Tổng thống khi Argentina đang phải vật lộn với chính sách tài khóa bất ổn trong nhiều năm, sau khi từng vỡ nợ vào năm 2014. Đây chính là giai đoạn mà Argentina nằm dưới sự điều hành của cựu Tổng thống Cristina Fernandez de Kirchner và nay chuẩn bị quay trở lại chính trường với cương vị Phó Tổng thống hỗ trợ cho tân Tổng thống Alberto Fernandez.
Tất nhiên, cử tri bỏ phiếu cho ông Fernandez chứ không phải bà Cristina! Họ đặt hy vọng vào khả năng quản lý của ông như thời kỳ đảm nhiệm vai trò Chánh Văn phòng Nội các trong giai đoạn “hoàng kim” hồi những năm 2000. Đáp lòng cử tri, phát biểu sau chiến thắng, ông Alberto khẳng định sẽ có nhiều thay đổi trong chính sách về loạt vấn đề như tăng lương, cải thiện trợ cấp hay chế độ hưu trí cho lao động.
Thế nhưng bản thân ông Alberto chắc hẳn cũng nhận ra rằng, lá phiếu của cử tri Argentina phần nhiều cũng là do thất vọng với chính quyền cũ, và họ có thể quay lưng với bất kỳ chính phủ nào khác nếu tiếp tục có những lời hứa suông hay mắc sai lầm.
Trong khi đó giới phân tích nhận định, với thực trạng kinh tế lún sâu vào khủng hoảng như Argentina, việc đưa ra những chính sách có thể ngay lập tức vực dậy nền kinh tế là điều không tưởng. Mà nếu có, cũng phải mất hơn 1 nhiệm kỳ để có thể triển khai các chính sách dài hơi. Thất bại của người tiền nhiệm Macri có thể nói do không có đủ thời gian cũng là vì vậy. Cho nên, thực tế này đang đặt ra sức ép quá lớn đối với tân Tổng thống Alberto.
Chưa hết, nhiều ý kiến còn cảnh báo, sự lên ngôi của chủ nghĩa Peronist với đại diện là tân Tổng thống Alberton là một sự mạo hiểm chứa nhiều rủi ro đối với Argentina. Bởi theo truyền thống bất thành văn, cứ vào những thời điểm khủng hoảng, chủ nghĩa Peronist lại được lựa chọn như một giải pháp cuối cùng. Cũng có nghĩa, cử tri đơn giản là chọn phương án đỡ tồi tệ hơn mà thôi! Vì thế, liệu kỳ vọng của người dân Argentina có đặt đúng chỗ, tất cả sẽ còn cần thời gian để vị tổng tư lệnh mới là tân Tổng thống Alberto Fernandez thể hiện trong nhiệm kỳ 4 năm tới đây.