Với 203 phiếu ủng hộ, bà Nancy Pelosi đã được các thành viên của đảng Dân chủ đề cử làm Chủ tịch Hạ viện. Theo kế hoạch, bà Pelosi - nhân vật từng là người phụ nữ đầu tiên giữ chức Chủ tịch Hạ viện Mỹ từ năm 2007 tới 2011, sẽ trải qua cuộc bỏ phiếu vào tháng Giêng tới khi Quốc hội khóa mới bắt đầu làm việc.

Nếu nữ chính khách 78 tuổi chiến thắng, bà  trở thành người quan trọng nhất trong đảng Dân chủ tại Mỹ - cũng là nhân vật đối lập yêu thích của Tổng thống Donald Trump, cho đến thời điểm này. Theo Hiến pháp Mỹ, Chủ tịch Hạ viện là chính khách quan trọng thứ 3 ở nước này sau Tổng thống và phó Tổng thống.

anh_1__pelosi9697371_29112018.jpgBà Nancy Pelosi được đề cử chức Chủ tịch Hạ viện. Ảnh: Getty
Không đối thủ

Dù đã ở tuổi 78 nhưng bà Nancy Pelosi vẫn được xem là ứng viên tiềm năng nhất cho chức chủ tịch Hạ viện sau khi Đảng Dân chủ giành lại Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua.

Bà Pelosi đã có 16 năm dẫn đầu phe Dân chủ ở Hạ viện, là nữ chủ tịch Hạ viện đầu tiên trong lịch sử Mỹ trong 4 năm. Mặc dù một bộ phận nghị sĩ trẻ của Dân chủ cho rằng cần có những thế hệ lãnh đạo trẻ hơn tuy vậy không thể phủ nhận “cái bóng” của bà Pelosi trong đảng Dân chủ đã quá lớn và ít ai tự tin có thể vượt qua Pelosi.

Tim Ryan, một đối thủ “nặng ký” của bà Pelosi trong cuộc đua tranh chức lãnh đạo phe thiểu số cách đây hai năm mới đây cũng thừa nhận ông sẽ không thách thức nữ nghị sĩ một lần nữa. Hakeem Jeffries, một ngôi sao đang nổi của đảng Dân chủ, cũng cho biết không chọn đối đầu bà Pelosi vì biết khó có khả năng đánh bại bà.

Kinh nghiệm, sự từng trải và khả năng đương đầu với những vấn đề chính trị gai góc là những yếu tố làm nên nữ nghị sĩ Nancy Pelosi “không có đối thủ” trong nội bộ Đảng Dân chủ. Nancy Pelosi làm quen với chính trị từ khi còn nhỏ.

Hay nói cách khác, chính trị đã ăn sâu vào máu, vào hơi thở của nữ nghị sỹ. Bà sinh trưởng và lớn lên tại một làng của người Mỹ gốc Italy ở Baltimore, trong một gia đình có truyền thống làm chính trị.

Cha của bà, ông Thomas D'Alesandro đã từng là dân biểu đại diện tiểu bang Maryland rồi giữ chức thị trưởng thành phố Baltimore từ năm 1947-1959. Một trong số 5 anh trai của bà cũng đã từng giữ chức thị trưởng Baltimore từ năm 1967 đến năm 1971.

Có lẽ truyền thống gia đình đã vun đắp cho tham vọng chính trị của người phụ nữ này. Ngay từ nhỏ bà đã từng giúp cha dán những chiếc phong bì trong các chiến dịch vận động của ông, đôi khi bà cũng làm việc ở bàn tiếp tân tại nhà để ghi lại những câu chuyện buồn, những lời thỉnh cầu của những người dân nơi đây để chuyển tới cha bà.

Năm 1952, khi Pelosi mới 12 tuổi, lần đầu tiên bà được phép tham dự Hội nghị Dân chủ, nơi các đại biểu chọn ứng cử viên tổng thống của đảng mình. Trong các cuộc phỏng vấn sau này, bà Polisi cho biết ấn tượng nhất với bà khi “nghe ngóng” chuyện đại sự của cha là vấn đề của những người Italy nhập cư.

Chính những điều này đã khơi nguồn cho khát vọng của bà được làm một điều gì đó để đem lại sự công bằng nhất cho tất cả người dân Mỹ.

Sau này, khi tiếp quản các cương vị quan trọng trên chính trường, bà Nancy luôn ủng hộ các chính sách đối với phụ nữ, hỗ trợ cho người nghèo và người khuyết tật, trong khi tăng thuế đối với tầng lớp thượng lưu ở Mỹ. Bà cũng là người ủng hộ các quyền của người nhập cư, bỏ phiếu chống lại Đạo luật Xây dựng Hàng rào biên giới.

Khác với vẻ ngoài hiền hậu, Nancy Pelosi được đánh giá là người quyết đoán và kiên định. Bà đấu tranh mạnh với các phần tử bè phái, duy trì sự “kỷ cương” trong đảng Dân chủ. Chính vì thế bà được xem là “cây cao bóng cả” của “phe Xanh” kể từ năm 2002 khi bà được tín nhiệm chọn làm Lãnh đạo phe Dân chủ thiểu số tại Quốc hội Mỹ.

Bà luôn duy trì vị thế và tiếng nói của Đảng Dân chủ trước Đảng Cộng hòa trong những vấn đề lớn của đất nước  như phản đối việc lật đổ Saddam Hussein, phản đối CIA thẩm vấn các phần tử khủng bố hay sau này là phản đối chính sách nhập cư hà khắc của chính quyền Tổng thống Donald Trump… Điều này đã giúp bà đạt được tín nhiệm với vị trí lãnh đạo phe dân chủ ở Hạ viện nhiều năm qua.

Thách thức cho nữ nghị sĩ

Khả năng bà Nancy Pelosi trở lại chức Chủ tịch Hạ viện sẽ còn là chủ đề bàn luận trong Đảng Dân chủ cho đến khi cuộc bỏ phiếu diễn ra vào đầu năm sau. Một trong những vấn đề chính được quan tâm là viễn cảnh bà trở lại lãnh đạo Hạ viện sẽ mang lại thách thức hay thuận lợi cho Tổng thống Donald Trump.

Về lý thuyết, việc Đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát Hạ viện là một bất lợi cho Tổng thống của Đảng Cộng hòa. Bản thân bà Nancy Pelosi cũng tuyên bố ngay sau khi Đảng Dân chủ giành được Hạ viện là sẽ “khôi phục Hiến pháp cũng như hệ thống kiểm soát và cân bằng đối với chính quyền Trump”.

Cụ thể là việc ngăn chặn cuộc tấn công của đảng Cộng hòa và chính quyền Trump đối với Medicare và Medicaid…. Đảng Dân chủ cũng sẽ xúc tiến thảo luận luật cho phép mở rộng kiểm tra lý lịch trong các giao dịch mua bán súng, nghiêm khắc hơn về vấn đề tiền bạc trong chính trị và vận động hành lang, cũng như bảo vệ môi trường…

Bà Nancy Pelosi từng giữ chức Chủ tịch Hạ viện Mỹ từ năm 2007 tới 2011. Ảnh: AP
Theo giới quan sát, nếu trở thành Chủ tịch Hạ viện trọng trách của bà Nancy Pelosi sẽ vô cùng lớn lao trong việc tạo lập nền tảng làm nổi bật tầm nhìn của Đảng Dân chủ, cũng như tạo một bệ phóng cho nỗ lực hạ bệ ông Trump trong cuộc bầu cử sau 2 năm nữa.
Nói cách khác, sự thay đổi quyền lực tại Đồi Capitol trong 2 năm tới sẽ ra sao phụ thuộc nhiều vào vị trí Chủ tịch Hạ viện.

Một thách thức nữa mà bà Pelosi phải đối mặt là xoa dịu một bộ phận nghị sĩ trong Đảng Dân chủ có quan điểm “quay lưng” với bà. Nhiều người chỉ trích chương trình nghị sự của bà Pelosi đã quá cũ kỹ và họ cần có một “làn gió mới” trong Đảng.

Sự trở lại của bà Pelosi nếu thành hiện thực cũng chứng minh một thực tế là đảng Dân chủ đang thiếu nghiêm trọng các lãnh đạo trẻ có khả năng ngồi vào các vị trí quan trọng trong Quốc hội. Nói cách khác, đảng Dân chủ đang đối mặt với khủng hoảng già hóa. Đó cũng là vấn đề mà nữ nghị sĩ này cần có hướng giải quyết nếu ngồi ở vị trí Chủ tịch Hạ viện, bên cạnh một loạt vấn đề nghị sự quan trọng nhằm cân bằng quyền lực trong Quốc hội Mỹ.