Sắc lệnh nói trên, được ban hành chỉ 8 tuần lễ trước các cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ vào ngày 6/11, ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích từ các nhà lập pháp đảng Cộng hòa lẫn đảng Dân chủ, xem đây là động thái quá ít ỏi và chậm trễ.
Trump đã ký ban hành sắc lệnh mà không có sự hiện diện, chứng kiến của các phóng viên báo chí, điều khá hiếm thấy so với cách hành xử
thường lệ của nhà lãnh đạo này.
Trong một tuyên bố, ông Trump khẳng định: “Như tôi đã nói rõ, nước Mỹ sẽ không dung thứ cho bất kỳ hình thức can thiệp từ bên ngoài nào đối với các cuộc bầu cử của chúng tôi”.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton phát biểu với ký giả, cho biết các biện pháp trừng phạt có thể bao gồm đóng băng tài sản, hạn chế các giao dịch ngoại hối, giới hạn tiếp cận các thể chế tài chính của Mỹ, và cấm công dân Mỹ đầu tư vào các công ty liên quan.
Bolton khẳng định các biện pháp trừng phạt có thể được áp đặt trong hoặc sau một cuộc bầu cử, dựa trên bằng chứng thu thập được.
Các cơ quan tình báo Mỹ kết luận rằng các thực thể được Điện Kremlin hậu thuẫn đã tìm cách tăng cơ hội chiến thắng tấm vé vào Nhà Trắng cho ứng viên đảng Cộng hòa Trump trong cuộc bầu cử năm 2016 trước đối thủ phe Dân chủ Hillary Clinton. Nhưng hồi tháng 7, ông Trump đã công khai chấp thuận những bác bỏ của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại một buổi họp báo chung sau cuộc gặp thượng đỉnh của họ tại Helsinki, Phần Lan.
Công tố viên đặc biệt Robert Mueller và các ban của Quốc hội đang điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ, còn phía Moskva phủ nhận việc này. Mueller cũng đang xem xét khả năng có sự thông đồng giữa chiến dịch tranh cử của Trump và giới chức Nga. Trump đã lên án các cuộc điều tra này là một cuộc “săn phù thủy” chính trị.
Giới lập pháp Mỹ cho rằng sắc lệnh hành pháp nói trên, vốn sẽ trao cho Tổng thống quyền đưa ra quyết định về việc áp trừng phạt, là chưa đủ.
“Thông báo hôm nay của chính quyền công nhận tồn tại mối đe dọa, nhưng chưa đủ để giải quyết nó”, Thượng nghị sỹ phe Cộng hòa Marco Rubio và Thượng nghị sỹ phe Dân chủ Chris Van Hollen trong một tuyên bố chung ủng hộ quy định này cho biết.
Trừng phạt tự động
Sắc lệnh cho thấy nỗ lực của chính quyền Mỹ nhằm tỏ ra cứng rắn về an ninh bầu cử trước cuộc bỏ phiếu tháng 11, vốn sẽ quyết định liệu đảng Cộng hòa của Trump có duy trì thế đa số trong Hạ viện và Thượng viện Mỹ hay không.
Bolton khẳng định sự chỉ trích đối với phản ứng của Tổng thống Trump trước vấn đề này, bao gồm những bình luận gây tranh cãi của ông tại Helsinki và nhiều trạng thái Twitter, đóng vai trò “con số 0” trong việc thúc đẩy ban hành sắc lệnh hành pháp.
“Tổng thống đã nhiều lần nói rằng ông quả quyết không có sự can thiệp từ bên ngoài đối với tiến trình chính trị của chúng ta. Tôi nghĩ hành động của ông đã tự nói lên điều đó”, Bolton phát biểu.
Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ Dan Coats cho biết, sắc lệnh này sẽ chỉ đạo các cơ quan tình báo đánh giá liệu có bất kỳ người nào hay tổ chức nào can thiệp hay không. Thông tin đó sẽ được chuyển tới các Bộ Tư pháp và An ninh Nội địa Mỹ, và sau đó dựa trên sự đánh giá của các cơ quan này về tính hiệu lực và tác động, khơi mào các đòn trừng phạt tự động.
Coats nói với báo chí, rằng các cơ quan tình báo sẽ có 45 ngày để tiến hành đánh giá. Sau đó 2 bộ trên sẽ có 45 ngày để xác định có cần thiết phải hành động hay không.
Các Bộ Ngoại giao và Tài chính sẽ quyết định các biện pháp trừng phạt bổ sung cần khuyến nghị và áp đặt.
Bolton cho biết sắc lệnh này là cần thiết để bảo đảm một tiến trình chính thức và cấp phép trừng phạt. Ông tiết lộ bản thân đang trong quá trình trao đổi với giới lập pháp về quy định có thể đưa ra.
Thượng nghị sỹ Mark Warner, thành viên đảng Cộng hòa giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Tình báo, phát biểu: “Thật đáng tiếc, Tổng thống Trump đã thể hiện tại Helsinki và những nơi khác rằng ông đơn giản là không đáng tin cậy để đối mặt với Putin khi cần”.
“Trong khi chính quyền chưa chia sẻ toàn văn, một sắc lệnh hành pháp chắc chắn sẽ cho Tổng thống quyền suy xét rộng lớn để quyết định liệu có áp trừng phạt cứng rắn đối với những kẻ tấn công nền dân chủ của chúng ta hay không là chưa đủ”.
Trong khi đó, ông Coats nói rằng biện pháp này được đưa ra như một phần nỗ lực của chính phủ Mỹ nhằm phát hiện bất kỳ hành vi đáng ngờ nào từ nay đến các cuộc bầu cử tháng 11 và đánh giá toàn bộ sau cuộc bầu cử để đưa ra trừng phạt nếu cần.
Coats cho biết nước Mỹ đã chứng kiến những dấu hiệu can thiệp bầu cử từ Nga và Trung Quốc, và khả năng can thiệp tương tự từ Iran và Triều Tiên. Ông nói: “Chúng ta đang xem xét không chỉ nước Nga”.
Giới lập pháp Mỹ đã đề xuất nhiều quy định liên quan đến Nga, hối thúc trừng phạt hành vi can thiệp bầu cử.
Quốc hội Mỹ đã thông qua một dự luật trừng phạt Nga cách đây hơn 1 năm. Một số nhà lập pháp đã tỏ ra bực dọc trước điều họ xem là thái độ miễn cưỡng thực thi luật này từ phía chính quyền Mỹ.
Ông Trump đã ký ban hành dự luật trên chỉ sau khi Quốc hội Mỹ thông qua với đa số áp đảo. Dựa theo luật này, Bộ Tài chính Mỹ đã áp các biện pháp trừng phạt đối với 24 cá nhân quốc tịch Nga, nhằm vào các đồng minh của Putin.