Bóng đá Việt Nam thời bao cấp chuyên tiêu tiền do ngân sách nhà nước cấp, đương nhiên chẳng có khái niệm tạo ra tiền. Qua bao nhiêu thăng trầm, những khuôn mặt “muôn năm cũ” không còn nhiều, có lẽ chỉ còn bầu Thanh của SLNA, tuổi cũng gần 70.
Họ là những người đầy kinh nghiệm quản lý nhưng kinh doanh bóng đá là vấn đề xa lạ cho những người một thời làm mưa, làm gió sân cỏ Việt Nam.
Bước sang bóng đá chuyên nghiệp, không ít đội bóng thuộc địa phương quản lý, các đội bóng công an, quân đội, đường sắt đã “chết yểu” và tất nhiên ông bầu của các CLB cũng chuyển nghề.
Nhà nhà làm bóng đá
Trong quá trình chuyển đổi mô hình, xuất hiện khá nhiều ông bầu xi măng, ngân hàng, thép…Ai có nhiều tiền là cũng có thể ôm 1 đội bóng. Họ đến sân cỏ như một thú vui cuối tuần, đổ tiền vào đội bóng và cùng bạn bè, gia đình đến xem các cầu thủ của mình ra sân mỗi khi rảnh rỗi.
Lợi nhuận từ các ngành nghề của mình kinh doanh được cắt gọn, đổ vào sân cỏ…để tạo thương hiệu và niềm vui hơn là xem bóng đá là một nghề kinh doanh.
Bầu Đức đã tính đến việc "xuất khẩu" cầu thủ, khá nhiều nhãn hàng đã tìm đến CLB có mô hình chuyên nghiệp tại Việt Nam như VP Milk. Bầu Thắng sau thời gian tiếp cận với bóng đá Long An đã đổi tên CLB Gạch Đồng Tâm Long An để cho đội bóng đi đúng mô hình CLB chuyên nghiệp châu Âu.
Trong khi bầu Hiển đang đi “gieo” những dự án bóng đá dài hơn thì hàng loạt ông bầu khác như bầu Long, bầu Thụy, bầu Trường, bầu Thọ đã quay lưng với sân cỏ.
Phần vì công việc làm ăn khó khăn, phần thì đến sân thấy “đời không phải là mơ” đã sớm chia tay với bóng đá. Bao lời tuyên bố có cánh đã bay đi, hàng loạt CLB bóng đá bị giải thể, cho - bán…
Thế hệ thứ 3
Bản chất của bóng đá chuyên nghiệp là biến một trò chơi thành một ngành công nghiệp giải trí, tức là phải tạo ra tiền, rất nhiều tiền và dùng tiền đó để nuôi lại bóng đá.
Ông chủ Roman Abramovich ban đầu mua Chelsea cũng thế nhưng để dài hơi thì ông vẫn phải dần dần tạo ra một bộ máy quản trị để kiểm soát tài chính, kinh doanh kiếm lời.
Các ông chủ MU, Man City có rót hàng chục tỷ USD thuê HLV, mua cầu thủ thì cũng phải nhanh chóng tạo doanh thu bù lại để không vướng vào luật “cân bằng tài chính”.
Trong khi đó, tổng thu hàng năm của Công ty VPF hiện chỉ đạt trên dưới 100 tỷ đồng, chiếm chưa đến 15% so với tổng kinh phí mà các đội bóng đã bỏ ra. Không có CLB nào tại Việt Nam sở hữu sân bóng đương nhiên họ không thể khai thác tiền từ những “bất động sản” luôn nằm ở vị trí đắc địa này.
50% CLB tại V-League hiện nay không thể bán quảng cáo trên ngực áo và bảng biển trên sân. Quyền thương mại hình ảnh của các CLB hiện nay là điều khá xa vời. May ra, vài tuyển thủ quốc gia có các quảng cáo cá nhân gắn nhiều đến hình ảnh của họ trên đội tuyển quốc gia hơn là từ việc thi đấu cho CLB.
Nguyên nhân thì nhiều nhưng xem ra chủ yếu là không có ông bầu giỏi việc kinh doanh bóng đá cả tầm quốc gia lẫn CLB. 10 năm trước, ông Thắng từng nài nỉ HLV Calisto rời Bồ Đào Nha sang Việt Nam để xây dựng mô hình CLB chuyên nghiệp. Nhưng hiện nay, đội Long An đã 2 lần xuống hạng, các tuyến trẻ không đủ, trung tâm huấn luyện tại Bến Lức chưa được nâng cấp mới.
Bầu Đức cũng đã đăng đàn chán nản sau những lùm xùm với VFF và dọa bỏ bóng đá. Giấc mơ bóng đá chuyên nghiệp của 2 ông bầu có ảnh hưởng lớn đến sân cỏ Việt Nam hơn 1 thập kỷ qua đang tan dần như bong bóng.
Bên cạnh đó, lấp ló những ông bầu bắt đầu kiếm tiền từ bóng đá. Hà Nội FC đã mạnh dạn bỏ đi thương hiệu T&T trên ngực áo của mình, qua đó ký hợp đồng tài trợ lên đến 1 triệu USD với Tập đoàn SCG của Thái Lan, chưa kể các khoản thu quảng cáo khác cũng ngót nghét cả 10 tỷ đồng.
Bầu Hiển hoàn thành việc đầu tư mới sân Hàng Đẫy và đưa vào khai thác, xem như Hà Nội T&T đã đi trọn vẹn con đường bóng đá chuyên nghiệp, có thể khai thác mọi quyền sở hữu mà mình có.
Bầu Vinh của TP.HCM, xắn tay áo làm tất tần tật từ chuyện PR để bán vé, đến đầu tư hệ thống bảng quảng cáo LED để thu tiền.
Để bóng đá Việt Nam phát triển, cần một thế hệ “ông bầu” mới, tức là các doanh nhân có khả năng kiếm tiền cho bóng đá chứ không phải dùng bóng đá để kiếm tiền.