Điều dễ nhận thấy nhất đó chính là vị trí trung phong cắm của Tiến Linh trong lần hiếm hoi được ra sân đá chính trong màu áo đội tuyển quốc gia. Trong lần thứ 8 khoác áo đội tuyển tiền đạo 21 tuổi của B.Bình Dương hầu như mất tích.

Nỗi lo trung phong cắm

Tiến Linh không có pha tì, đè hay làm tường với Quang Hải, Văn Toàn những đồng đội cạnh bên. Khả năng di chuyển không bóng của trung phong này cũng không tốt nên hầu như không có được tình huống nào gây nguy hiểm cho khung thành đội nhà.

Khi lên danh sách đội tuyển Việt Nam khá nhiều “HLV online” đã nói nhiều về cách chọn quân của ông Park, bỏ sót nhiều nhân tài tại V.League. Nhưng nhìn Tiến Linh thi đấu mới biết, mặc dù là một trong những chân sút nội hàng đầu V.League nhưng lên tuyển vẫn còn non.

bna_tienlinh23760933_28122018.jpgTiến Linh mất hút suốt cả hiệp đầu. Ảnh: Trung Kiên
Một trong những lý do ông Park gọi Tiến Linh lên tuyển để phục vụ cho mục tiêu SEA Games. Nhưng với những gì mà cầu thủ này thể hiện thì có lẽ ông Park sẽ phải nghĩ đến Tuấn Tài (SLNA) và Văn Quyết (Hà Nội FC). Dẫu sao Tuấn Tài vẫn di chuyển không bóng thông minh hơn, còn Văn Quyết vẫn là cầu thủ có độ quái nhất định, phong độ tốt, khả năng phối hợp với Quang Hải sẽ ăn ý hơn.
Khi Anh Đức trong màu áo B.Bình Dương cũng chỉ đá dự bị vì lý do tuổi tác thì chúng ta đã thấy một khoảng trống trung phong cắm mà lão tướng này để lại trên đội tuyển. Công Phượng vào sân thay Tiến Linh cũng không khá hơn là bao. Khó có thể lấy tuổi tác để bào chữa bởi phía đối diện Supachok mới 21 tuổi và lần thứ 2 khoác áo ĐT Thái Lan đá chững chạc như thế nào.
Đã có thâm niên 4 năm ăn cơm tuyển, nhưng lần ra sân thứ 19 của thủ môn Văn Lâm cũng chỉ được cho là tròn vai. Các cầu thủ Thái đã quá hiểu Văn Lâm thi đấu tại Thai-League1, họ áp sát và thủ môn này đã 2 lần luống cuống phát bóng ra đường biên. Việc ông Nishino quyết định chơi với sơ đồ 4-1-2-1-2 giao cho Thitiphan và Supachok gây áp lực lên thủ môn Văn Lâm đều được phân tích, tính toán khá kỹ lưỡng.
Nếu như pha khép góc cứu thua khi đối diện Supachok là điểm cộng thì tâm lý thi đấu của thủ môn này trong cả 2 trận đấu với ĐT Thái Lan gần đây đã khiến cho BHL đội tuyển phải cân nhắc. Liên đoàn bóng đá Việt Nam VFF được cho là đang hoàn tất những thủ tục cuối cùng để nhập tịch cho Filip Nguyễn và cạnh tranh với chính Văn Lâm.
Hai nhạc trưởng mất hút
Cả Quang Hải và Chanathip đã không thể hiện được nhiều như kỳ vọng. Ảnh: Trung Kiên
Quang Hải là một trong những cầu thủ được coi quan trọng nhất của ĐT Việt Nam. Thậm chí tạp chí thể thao danh tiếng Fox Sports còn bầu chọn anh vị trí thứ 15 của châu Á mùa giải vừa qua. Nhưng rõ ràng, Quang Hải đã có trận chơi dưới sự kỳ vọng của người hâm mộ.
Việc phải chơi khá nhiều trận từ đầu năm tới nay (45 trận) đã khiến cho số 19 này đang có dấu hiệu quá tải và nhàm bóng. Các tiền vệ Thái Lan đã không khó để hóa giải nhạc trưởng của ĐT Việt Nam khiến cho cả trận đấu chúng ta chỉ có 3 cơ hội rõ ràng. Mối liên kết Quang Hải - Tiến Linh - Văn Toàn được cho là khá rời rách, những miếng đánh biên của Hồng Duy - Quang Hải cũng không rõ nét.
Có thể việc cơn mưa trước trận đấu trên sân Thammasat khiến mặt sân mềm, trơn trượt và gây chút khó khăn cho tiền vệ có lối chơi đậm chất kỹ thuật này. Nhưng rõ ràng, thể lực của Quang Hải đang có vấn đề và hụt hơi trong các cuộc đua với các cầu thủ chủ nhà.
Phía chủ nhà, nhạc trưởng Chanathip chính là “điểm mù”. Đá hộ công nhưng “Messi Thái” lùi khá xa tham gia phòng ngự và Hùng Dũng đã làm tốt việc khóa chết số 10 của chủ nhà. Chanathip vẫn chơi đĩnh đạc và đầy tiểu xảo nhưng không có cả thời gian, không gian để chỉnh bóng nên trở thành “điểm nghẽn” trong tấn công của ĐT Thái Lan.

Chưa kể, có một chút duy tâm khi cả 2 nhạc trưởng Chanathip và Quang Hải đều chưa từng ghi vào lưới của kình địch. Người Thái khá ngạc nhiên, trong 7 năm đá cho đội tuyển Thái Lan, Chanathip đều không thể ghi bàn trong 5 trận đấu với ĐT Việt Nam.