Tính đến trước trận ra sân gặp ĐT Thái Lan trên sân Thammasat ngày 5/9, tiền vệ số 19 của đội bóng Thủ đô đã ra sân tổng cộng 44 trận, nhiều nhất sân cỏ Việt Nam. Tính ra Quang Hải đá 29 trận V.League 2019, 1 trận Cúp quốc gia, 2 trận AFC Champions League, 11 trận AFC cup, 5 trận AFC Asian Cup, 2 trận King's Cup, 3 trận Vòng loại AFC U23 Championship.
Cầu thủ Việt thi đấu nhiều nhất
Ngoại trừ, giải giao hữu King's Cup tại 6 đấu trường còn lại, tiền vệ sinh năm 1997 luôn tỏa sáng và trở thành trụ cột hàng công của CLB lẫn đội tuyển. Đến nay, anh đã ghi được 11 bàn thắng sau 44 trận ra sân.
Điều gì khiến cho giới chuyên môn của Thái Lan quan tâm đến Quang Hải như thế? Trước hết, trong các tuyển thủ Việt Nam thì ngoại trừ Văn Quyết có hiệu suất ghi bàn vào loại khủng 16 bàn (26 trận) trung bình 0,61 bàn thắng/trận gần tiệm cận với các “sát thủ” châu lục thì các cầu thủ Việt Nam còn lại hiệu suất tương đương nhau.
Tiền đạo Hà Minh Tuấn của đội bóng xứ Quảng 9 bàn thắng (21 trận), trung bình 0,42 bàn thắng/trận còn cao hơn Quang Hải và các cầu thủ khác. Tính đến nay Anh Đức đã có 8 bàn thắng (32 trận), Văn Toàn 8 bàn (31 trận). Nhưng điểm khác biệt chính là chất lượng bàn thắng của Quang Hải là điều mà HLV Akira Nishino quan tâm.
Đầu tiên, Quang Hải là chân sút xa và sút phạt lợi hại nhất của ĐT Việt Nam hiện nay. Trong thế phòng ngự phản công, đây là miếng đánh ông Park cực kỳ quan tâm. Đôi khi bị vây ép suốt 90 phút nhưng chỉ cần có 1 cơ hội là chúng ta sẽ có bàn thắng, thực tế King's Cup là bài học người Thái chưa thể nào quên.
Tiếp theo, Quang Hải có thể ghi bàn bằng những pha solo, tự mình tạo cơ hội trong thế “lấy ít, đánh nhiều” giữa vòng vây của đối phương, đã nhiều lần số 19 này độc lập tác chiến và ghi bàn. Tại đội bóng thủ đô HLV Chu Đình Nghiêm còn bố trí “tiền vệ kép” để Quang Hải, Văn Quyết đá cùng cánh, tấn công theo kiểu “sóng vỗ” và họ khoan thủng bất cứ hàng phòng ngự nào tại V.League.
Tại đội tuyển Việt Nam, khi Văn Hậu vào sân thì chúng ta có thể tái hiện lại miếng đánh cánh trái này của 2 cầu thủ chung màu áo đội bóng thủ đô. Chắc chắn hậu vệ phải Narubadin Weerawatnodom của đội tuyển Thái Lan sẽ có một chiều vất vả với chàng trai vàng của bóng đá Việt Nam.
Quang Hải không chỉ làm tốt nhiệm vụ ghi bàn mà tiền vệ này còn làm tốt nhiệm vụ kiến tạo, thi đấu đa năng cả ở vị trí tiền vệ cánh lẫn trung tâm. Dưới thời ông Park cả 2 tiền vệ cánh Văn Toàn, Quang Hải đều sở hữu lối đá tốc độ và phối hợp với đồng đội khác ăn ý. Thậm chí, tại King's Cup ông Park còn sử dụng 2 tiền vệ trung tâm đơn thuần phòng ngự, nhiệm vụ kiến tạo được giao cho các tiền vệ cánh.
Người Thái đối phó
Báo chí Thái Lan đã theo dõi nhất cử, nhất động Quang Hải, thậm chí họ còn phân tích kỹ việc HLV Park Hang-seo đã giảm áp lực cho số 19 này bằng cách chuyển băng đội phó cho Hùng Dũng. Việc ông Park “dùng Hải, loại Quyết” cũng được giới chuyên môn Thái Lan mổ xẻ khá kỹ càng.
Việc ông thầy người Nhật quyết định đá sơ đồ 4-2-3-1, dùng cặp tiền vệ trung tâm Phitiwat và Sarach Yooyen có chút bất lợi về thể hình được lý giải là để “bắt chết” Quang Hải, Văn Toàn. Đây là những tiền vệ có tốc độ, có thể đảo hướng chạy theo đúng nhịp của đối phương và rất tinh quái trong khâu kèm người.
Thực tế, mật độ thi đấu dày đặc, trung bình 5,5 ngày/trận đã bào mòn thể lực và cảm giác bóng của Quả bóng vàng AFF Cup 2018 này. Sở dĩ tại King's Cup Quang Hải không tỏa sáng như kỳ vọng chính là do cầu thủ này bị “quá tải” dẫn đến mất cảm xúc chơi bóng.
Suốt 2 năm nay, báo chí Thái Lan và Việt Nam tranh luận không nguôi về việc Quang Hải và Chanathip, ai tài hơn. Hơn lúc nào hết, khi họ cùng có mặt trong 1 trận đấu là sự kiểm chứng tốt nhất.