Với vai trò thực thi pháp luật và đồng hành với ngư dân trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam nói chung, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 nói riêng đã tích cực, chủ động phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm ngăn chặn hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).
Qua đó, ý thức của ngư dân được nâng cao rõ rệt, số vụ tàu cá của ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản giảm mạnh. Điều đó đã góp phần vào việc tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với ngành thủy sản Việt Nam.
Không ngừng nâng cao ý thức của ngư dân
Vừa qua, Hải đội 102/Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 đã phối hợp với Huyện đoàn Nghi Xuân (Hà Tĩnh), Đồn Biên phòng Lạch Kèn tổ chức đợt tuyên truyền pháp luật, tập trung về nội dung IUU cho bà con ngư dân xã Xuân Hội (Nghi Xuân, Hà Tĩnh).
Theo ông Trịnh Quang Luật, Chủ tịch UBND xã Xuân Hội hiện xã có 125 phương tiện hoạt động khai thác thủy sản trên biển, trong đó 84 chiếc có lắp máy, 16 tàu chuyên đánh bắt xa bờ. Sản lượng khai thác thủy sản của địa phương năm 2020 ước đạt 3.200 tấn. Gần 4 năm qua, những nỗ lực gỡ “thẻ vàng” của Việt Nam vẫn gặp nhiều trở ngại do nhiều người vì lợi ích cá nhân mà làm tổn hại đến lợi ích kinh tế của đất nước. Do vậy, việc tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức cho bà con ngư dân trong việc chấp hành pháp luật khi làm nghề trên biển, đặc biệt là nội dung về IUU là hết sức quan trọng.
Tại cảng cá Xuân Hội, lực lượng chức năng đã lên từng phương tiện tàu thuyền của bà con đang nằm bờ để tiến hành tuyên truyền, cấp phát trên 200 tờ rơi “Những điều ngư dân cần biết về IUU”, tặng 100 lá cờ Tổ quốc, 600 khẩu trang y tế và 15 suất quà, trị giá mỗi suất 500.000 đồng (bao gồm các nhu yếu phẩm mì tôm, dầu ăn, muối, mì chính) cho các ngư dân khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 của xã. Ngư dân Đào Văn Hải chia sẻ: “Được lực lượng chức năng tuyên truyền về pháp luật, chúng tôi thêm hiểu biết, chấp hành nghiêm về những quy định của Nhà nước và ý thức được trách nhiệm của mình khi hành nghề trên biển, không sang vùng biển của nước khác đánh bắt thủy hải sản!”.
Chúng tôi thấy đây là một chương trình rất ý nghĩa, thông qua công tác tuyên truyền giúp cho cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là nhân dân, ngư dân hiểu rõ thêm về Luật Biển Việt Nam, quy định của pháp luật khi tham gia đánh bắt thủy hải sản trên biển, từ đó ý thức được trách nhiệm của mình, góp phần cùng địa phương thực hiện nghiêm Luật Thủy sản và các quy định của EC!
Quyết liệt, đồng bộ trong triển khai thực hiện các giải pháp
Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức cho ngư dân về tác hại của hành vi khai thác thủy hải sản bất hợp pháp, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 đã triển khai một cách đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm khắc phục các khuyến nghị của EC đưa ra như: thường xuyên duy trì các hệ thống trực trên biển, các tàu trực tại các điểm đảo, kết hợp giữa nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền đồng thời ngăn chặn tàu thuyền của nước ngoài cũng như tàu của Việt Nam sang vùng biển của nước ngoài đánh bắt hải sản.
Bộ Tư lệnh Vùng đã và đang phối hợp chặt chẽ với các lực lượng như Hải quân, Kiểm ngư, Biên phòng, các Sở Thủy sản của 10 tỉnh, thành phố ven biển phía Bắc trong việc quản lý, nắm bắt thông tin về tàu thuyền của ngư dân Việt Nam hoạt động khai thác ở trên biển. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng Bộ Tư lệnh Vùng cũng thường xuyên đăng ký, theo dõi và thông báo về việc tàu cá của Việt Nam và của nước ngoài xâm phạm vùng biển của nhau để đánh bắt hải sản thông qua việc theo dõi trên vệ tinh, định vị, thông qua hệ thống tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển của đơn vị.
Chúng tôi thường xuyên duy trì việc tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các khu vực biển được phân công đồng thời tuyên truyền sâu rộng tác hại của việc đánh bắt hải sản không khai báo và không có sự quản lý đối với ngư dân ở trên các vùng biển. Trong quá trình tuần tra trên biển, những tàu nào tái phạm, vi phạm thì chúng tôi tiến hành xử phạt vi phạm hành chính và thông báo về địa phương để cùng với địa phương có biện pháp ngăn ngừa việc tái diễn việc này. Từ đó góp phần cùng với các địa phương ven biển quản lý tốt việc đánh bắt thủy hải sản theo quy định của chúng ta ở trên biển. Đó cũng là cơ sở để Ủy ban châu Âu nghiên cứu, rút “thẻ vàng” đối với ngành hải sản Việt Nam!