NỖ LỰC ĐƯA CAM VINH LÊN SÀN
Sắp sửa bước vào mùa thu hoạch, các hộ sản xuất cam ở Tân Phú (Tân Kỳ) lo lắng khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, đầu ra cho cam quả sẽ gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Tấn Phượng, Tổ trưởng tổ hợp tác trồng cam sạch Xuân Lý (Tân Phú, Tân Kỳ) cho biết: "Tổ có 25 hộ trồng cam sạch theo chuẩn VietGAP với diện tích gần 30ha, sản lượng dự ước khoảng 300 tấn. Sản phẩm cam sạch Xuân Lý đã được chứng nhận đạt chuẩn VietGAP, được công nhận 3 sao OCOP cấp tỉnh. Nếu như mọi năm, cam được các thương lái đặt hàng trước, khi "mở trại" thu hoạch họ tìm đến tận nơi thu mua. Song năm nay, dịch bệnh thế này, đầu ra của quả cam chưa biết nhìn vào đâu".
Được coi là “thủ phủ” cam Vinh, Quỳ Hợp có trên 1.500 ha trồng cam, các năm trước, cam được các thương lái trên địa bàn thu mua, nhập về Vinh và bán đi các tỉnh thành trong cả nước. Chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch cam 2021 trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động không nhỏ đến việc tiêu thụ nông sản nên người trồng cam Quỳ Hợp khá lo lắng.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳ Hợp cho biết: “Hiện trên địa bàn có khoảng 40 -50 thương lái nhỏ, thu mua cam tại trang trại và nhập đi các tỉnh thành trong cả nước. Năm nay, xác định diễn biến dịch bệnh phức tạp, sẽ ảnh hưởng đến đầu ra cho cam quả, do đó, Quỳ Hợp đã thành lập Ban vận động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cam quýt trên địa bàn huyện do Phó Chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban. Ban có nhiệm vụ hỗ trợ, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm cam quýt bằng cách liên hệ với các doanh nghiệp, xí nghiệp trong và ngoài địa bàn tỉnh để đưa vào khẩu phần ăn của công nhân; Liên hệ với các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng để quảng bá, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.
Mặt khác, huyện đã thống kê cụ thể danh sách các hộ trồng cam, số lượng thương lái thu mua cam trên địa bàn và nắm bắt thị trường, gửi thông tin về tỉnh để được hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ cam quả qua sàn thương mại điện tử”.
Theo thống kê sơ bộ, hiện diện tích cam đang thời kỳ khai thác quả trên địa bàn toàn tỉnh là 5.254 ha, sản lượng thu hoạch ước tính trên 58 ngàn tấn. Thời vụ thu hoạch cam Vinh diễn ra khoảng đầu tháng 10, chín rộ vào tháng 11, 12 và kéo dài sang tháng 2 năm sau. Trong điều kiện tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, việc tiêu thụ sản phẩm cam Vinhtrên địa bàn tỉnh Nghệ An sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Để tiêu thụ cam, quýt, tránh tồn đọng vào vụ thu hoạch, hiện Sở Nông nghiệp và PTNT cùng Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh đang xây dựng kế hoạch tiêu thụ cam Vinh trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch Covid-19 thông qua sàn thương mại điện tử.
Theo đó, các cơ quan chức năng sẽ hoàn thiện các bước để đưa sản phẩm cam Vinh lên các sàn thương mại điện tử như: Viettel, Post Mart, tổ chức kết nối tiêu thụ nông sản bằng hình thức trực tuyến trên phạm vi cả nước; hướng dẫn người dân quy trình bán hàng trực tuyến, marketing, chăm sóc khách hàng qua các chợ online... Đồng thời, đẩy mạnh kết nối tiêu thụ cam quả thông qua các kênh: tổ chức Diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản khu vực miền Trung tại Nghệ An; tổ chức Tuần lễ giới thiệu sản phẩm nông sản Nghệ An tại Hà Nội;…
KÊNH TÌM KIẾM THỊ TRƯỜNG HIỆU QUẢ
Giám đốc Công ty TNHH sản xuất, kinh doanh thực phẩm Lương Sơn (Nhân Sơn, Đô Lương) Nguyễn Ngọc Phương cho biết, sau khi đạt chuẩn 3 sao OCOP cấp tỉnh, sản phẩm bánh đa Lương Sơn của công ty anh được hỗ trợ tham gia nhiều hoạt động xúc tiến thương mại như các hội chợ, hội nghị về kết nối, giới thiệu sản phẩm… Qua đó, công ty đã liên kết được với 2.000 đại lý lớn nhỏ, 350 cộng tác viên trên cả nước, tiêu thụ ổn định khoảng 1.300.000 sản phẩm/năm, doanh thu 2,6 tỷ đồng.
Ngoài ra, sản phẩm bánh đa của công ty cũng đã có mặt tại thị trường một số nước như: Lào, Thái Lan, Căm-pu-chia và sắp tới xuất sang thị trường Nhật Bản. Anh Nguyễn Ngọc Phương, Giám đốc Công ty cho biết: “Nhờ được tham gia các gian hàng xúc tiến thương mại trong và ngoại tỉnh do đó, sản phẩm bánh đa của chúng tôi được nhiều khách hàng biết đến, nhiều đối tác đặt hàng. Có thể nói, đây là kênh quảng bá, giới thiệu sản phẩm rất hiệu quả”.
Là mô hình trồng rau sạch nhà lưới công nghệ cao, hàng năm, sản phẩm cà chua cherry đạt chuẩn VietGAP của hộ sản xuất Cao Minh Tâm (Quỳnh Lương, Quỳnh Lưu) thường xuyên được tham gia các hội chợ, sự kiện thương mại của huyện, của tỉnh, nhờ đó, anh ký được hợp đồng tiêu thụ thường xuyên với các cửa hàng thực phẩm sạch ở Quỳnh Lưu, TP.Vinh và các huyện thị. Cà chua được bao tiêu với giá ổn định, không phải lo ngại vấn đề đầu ra. “Cái quan trọng nhất vẫn là chất lượng đảm bảo. Nhưng nếu không quảng bá, không giới thiệu qua các chương trình xúc tiến thương mại thì rất khó để kết nối đầu ra”.
Có thể khẳng định rằng, hiện nay, tư duy của nông dân, của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản đã thay đổi. Họ không chỉ đơn thuần sản xuất ra lúa gạo, rau, củ, quả, con gà, con cá… mà họ đã biết tìm cách để quảng bá, giới thiệu sản phẩm mình làm ra, từ đó tìm kiếm, kết nối thị trường tiêu thụ.
Nắm bắt được nhu cầu đó của người dân, những năm gần đây, hoạt động xúc tiến thương mạiđã đổi mới về cả phương thức lẫn quy mô tổ chức; lắng nghe kiến nghị, vướng mắc trong tiêu thụ của doanh nghiệp, người sản xuất để có giải pháp khơi thông, kết nối nông sản với thị trường tiêu thụ.
Qua đó, góp phần thúc đẩy sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản và xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động xúc tiến thương mại đã mang lại hiệu quả tích cực cho tiêu thụ nông sản, góp phần giảm thiệt hại cho người sản xuất.