(Baonghean) - Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis vừa kết thúc chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị mới tới hai nước Hàn Quốc và Nhật Bản. Theo giới phân tích, ông James Mattis đã chuyển tải thành công thông điệp của chính quyền mới ở Mỹ, đó là Mỹ sẽ tiếp tục sát cánh với các đồng minh thân cận ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, là một chỗ dựa tin cậy và vững chắc cho các đồng minh khi có xung đột xảy ra.
Điểm nhấn an ninh
Chính sách của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn chưa có gì rõ ràng. Cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều đang trong tâm trạng hết sức hồi hộp và bất an, bởi họ được cho là những quốc gia liên quan mật thiết nhất trong các tuyên bố của ông Donald Trump khi tranh cử rằng “nhiều nước đồng minh chưa có trách nhiệm tương xứng so với sự đảm bảo an ninh họ nhận được từ Mỹ”. Cùng với khẩu hiệu “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” của ông Trump, hai nước này lo ngại rằng chính quyền mới ở Mỹ sẽ tập trung vào các vấn đề của quốc gia mà “lơ là” các đồng minh ở châu Á - Thái Bình Dương.
Ngay cả những tuyên bố cứng rắn của vị tân Ngoại trưởng Rex Tillerson rằng Mỹ có thể xem xét ngăn chặn các tàu Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo có tranh chấp trên Biển Đông hoặc không cho phép Triều Tiên phát triển các loại tên lửa có khả năng vươn tới Mỹ đều không thể làm Nhật Bản và Hàn Quốc yên lòng. Do đó, việc ông James Mattis chọn Hàn Quốc và Nhật Bản làm điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng được cho là để trấn an hai nước đồng minh.
Thông điệp mà ông James Mattis mang đến Hàn Quốc và Nhật Bản thể hiện một cách rõ nét qua việc lựa chọn chủ đề các cuộc thảo luận với giới chức nước chủ nhà. Ông Mattis được cho là rất khôn ngoan khi dành thời lượng lớn cho các vấn đề an ninh trọng yếu vốn khiến Hàn Quốc và Nhật Bản “đau đầu” nhất hiện nay.
Với Hàn Quốc, ông James Mattis đã cùng người đồng cấp Han Min Koo tập trung đánh giá các mối đe dọa về vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, thảo luận cách đối phó chung với mọi động thái khiêu khích, nhất trí thúc đẩy kế hoạch bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc trong năm nay theo đúng kế hoạch.
Quan trọng nhất là cam kết "bất cứ vụ tấn công nào nhằm vào Mỹ hoặc các đồng minh đều sẽ bị đánh bại và việc sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ phải đối mặt với sự đáp trả "mạnh mẽ và hiệu quả". Còn với Nhật Bản, ông Mattis đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Shinzo Abe và người đồng cấp Tomomi Inada, trong đó ông Mattis khẳng định Mỹ sẽ “vai kề vai” với Nhật Bản, chứng minh với thế giới “liên minh vững chắc” giữa hai nước.
Với Nhật Bản, mối quan ngại lớn nhất hiện giờ là sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực, trong đó có những động thái ngày càng cứng rắn của nước này trong các tranh chấp chủ quyền. Để bày tỏ sự hậu thuẫn mạnh mẽ với Nhật Bản, ông James Mattis không ngại chỉ trích Trung Quốc “xé nát lòng tin” của các quốc gia trong khu vực, đồng thời khẳng định chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ giữ nguyên cam kết bảo vệ Nhật Bản với tư cách một đối tác theo Hiệp ước phòng thủ chung. Theo đó, cam kết phòng vệ chung giữa hai nước được mở rộng với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Trung Quốc “đứng ngồi không yên”
Việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ coi Trung Quốc như một “đối tượng” trong các mối quan hệ đồng minh của mình ở khu vực khiến Trung Quốc nổi giận. So với những tuyên bố của Ngoại trưởng Rex Tillerson, cách tiếp cận của ông James Mattis được cho là mềm mỏng hơn khi cho rằng “không cần thiết phải tiến hành các động thái quân sự quyết liệt ở thời điểm này”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh, lập trường của Mỹ là nỗ lực về mặt ngoại giao để tìm cách giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông và biển Hoa Đông một cách đúng đắn, đồng thời duy trì các kênh thông tin mở. Điều khiến Trung Quốc “khó chịu” nhất chính là tuyên bố của ông Mattis rằng Mỹ công nhận quyền quản lý của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và sẽ bảo vệ Nhật Bản trong trường hợp nước này bị tấn công tại khu vực này.
Trung Quốc đã lập tức kêu gọi Mỹ hành xử có trách nhiệm, dừng những bình luận sai trái về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, và “dừng sử dụng vấn đề này để làm phức tạp thêm tình hình và gây bất ổn trong khu vực”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cũng không quên cáo buộc Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ - Nhật là “tàn tích của thời kỳ Chiến tranh Lạnh”.
Giống như với Nhật Bản, những cam kết của ông James Mattis với Hàn Quốc cũng khiến Trung Quốc “đứng ngồi không yên”, đáng chú ý nhất là cam kết triển khai hệ thống THAAD theo đúng kế hoạch. Dù cả Mỹ và Hàn Quốc từng nhiều lần khẳng định rằng việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa này là nhằm đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên, song Trung Quốc vẫn một mực cho rằng sóng radar cực mạnh của hệ thống này có thể vươn sâu vào vùng lãnh thổ phía Đông Nam; từ đó cho phép Mỹ và Hàn Quốc quan sát các động thái quân sự của mình. Bởi vậy, sau chuyến thăm của ông Mattis tới Hàn Quốc, ông Lục Khảng lại tiếp tục nhắc lại quan điểm của Trung Quốc về việc phản đối mạnh mẽ kế hoạch triển khai THAAD của Mỹ và Hàn Quốc.
Có thể nói, kể từ khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống, rất nhiều quốc gia đều ở trong trạng thái lo lắng khi phải đoán định những thay đổi trong chính sách của Chính phủ mới ở Mỹ. Nếu nỗi lo lắng của Hàn Quốc và Nhật Bản đã phần nào được giải tỏa sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, thì ngược lại, nỗi lo lắng của Trung Quốc lại được “cộng thêm”.
Sau những chỉ trích của ông Trump đối với Trung Quốc trong quan hệ thương mại với Mỹ, hay sau vụ việc ông Trump điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan, cho đến thời điểm này, vẫn chưa có “điểm sáng” nào báo hiệu sự khởi sắc trong mối quan hệ Mỹ - Trung dưới thời ông Donald Trump. Và một lần nữa, những thông điệp của ông Mattis được Nhật Bản và Hàn Quốc hồ hởi đón nhận lại càng khiến cho mối quan hệ này trở nên khó dự đoán.
Thúy Ngọc