Cùng đi về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đinh Viết Hồng - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh…
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường ghi nhận sự chủ động của Nghệ An trong phòng chống bão số 4. |
Chủ động ứng phó kịp thời
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã kiểm tra tại cảng cá Cửa Hội, thị xã Cửa Lò và khu neo đậu tàu thuyền xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu. Tại các điểm đến kiểm tra, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ghi nhận công tác chủ động ứng phó với bão của tỉnh và các địa phương, đặc biệt cơ bản tàu thuyền đã vào nơi neo đậu an toàn. Tiếp đó, đoàn công tác làm việc với lãnh đạo tỉnh về công tác phòng, chống bão số 4.
Theo đó, UBND tỉnh, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) đã ban hành 3 công điện; tham gia họp trực tuyến với Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT chiều ngày 28/8/2019. Tiếp đó Ban chỉ huy PCTT-TKCN đã họp ban hành công điện cấm biển vào 6 giờ ngày 29/8/2019.
Tỉnh giao các thành viên Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh và Sở, ban, ngành xuống các địa phương để tham gia chỉ đạo phòng chống bão cùng địa phương. Trên cơ sở nắm bắt diễn biến thực tế để có giải pháp kịp thời, phù hợp.
Các lực lượng vũ trang đã cử 8 đoàn công tác xuống cơ sở kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 4.
Tỉnh Nghệ An có 3.847 tàu thuyền/18.704 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản trên biển. Các phương tiện này hiện đã được thông báo để tìm nơi trú tránh đảm bảo an toàn. Đến 19h ngày 29/8, tất cả các tàu đã về neo đậu an toàn.
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 41,78 km đê biển và 11,65 km kè biển. Các tuyến đê này đã được đầu tư nâng cấp đảm bảo chống được gió bão cấp 10 và triều cường cao trung bình tần suất 5%. Các tuyến đê được đầu tư xây dựng theo chương trình nâng cấp đê biển của Chính phủ tại Quyết định số 58/2006/QĐ-TTg. Các đoạn xung yếu và các tuyến đê cửa sông được chính quyền các địa phương triển khai phương án bảo vệ.
Tại thời điểm hiện nay có khoảng 1.260 khách du lịch đang lưu trú tại thị xã Cửa Lò và Bãi Lữ. Tất cả các khách du lịch và chủ các cơ sở lưu trú đã nắm được thông tin về diễn biến cơn bão số 4.
Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương ven biển chuẩn bị sẵn sàng di dân khi có lệnh, theo phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão đã được UBND tỉnh phê duyệt. Dự kiến phương án di dời tại chỗ là 4.063 hộ.
Tính đến thời điểm nay, diện tích lúa toàn tỉnh đã thu hoạch được 46.000/62.472 ha gieo cấy; đạt khoảng 75%.
Nghệ An đã chỉ đạo rà soát các khu vực dân cư ở ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, vùng ven suối ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, nhà ở không an toàn để chủ động sơ tán dân đến nơi an toàn. Đặc biệt là tại 4 vị trí sạt lở đất: Xã Mường Típ, Mường Ải, Bảo Nam, Khối 4 thị trấn Kỳ Sơn, hiện nay địa phương đã sẵn sàng phương án di dời dân khi có mưa lũ đến nơi ở an toàn như: Trụ sở UBND xã, Trường học, Đồn Biên phòng, ở nhờ các nhà dân có nơi ở an toàn.
Trên địa bàn tỉnh có 18 hồ chứa thủy điện đang vận hành khai thác. Trong đó, có 3 hồ chứa lớn (Bản Vẽ, Khe Bố, Chi Khê) đang thực hiện vận hành theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Cả…
Phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường biểu dương, ghi nhận sự nghiêm túc, sáng tạo, chủ động trong công tác phòng chống bão số 4 ở cả tuyến biển, khu vực sản xuất và an toàn hồ đập…
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT lưu ý, tỉnh tiếp tục tổng rà soát kỹ để đảm bảo an toàn diện tích nuôi trồng thủy sản, huy động lực lượng quân đội và các lực lượng khác thu hoạch lúa ở các vùng trũng.
Đặc biệt, tổng rà soát thật kỹ đối với hơn 4.000 hộ dân ở vùng cửa sông, cửa biển có nguy cơ cao và phân công nhiệm vụ cụ thể để khi khẩn cấp di dời nhân dân ngay nhằm đảm bảo an toàn.
Bên cạnh đó, Nghệ An cần tổng rà soát kỹ và có phương án điều tiết tại 625 hồ chứa nước theo từng nhóm hồ, loại hồ như hồ thủy điện, hồ chứa nước lớn, hồ thủy điện nhỏ, hồ chứa nước nhỏ, hồ xuống cấp.
“Đầu tiên phải đảm bảo an toàn tuyệt đối, không để vỡ hồ, vỡ đập xảy ra.” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh; đồng thời lưu ý, cần phải tính toán thật kỹ để tích nước vì đây cũng là cơ hội để giữ nước sau thời gian hạn hán.
Mặc khác, tỉnh cũng hết sức chú ý tác động của hoàn lưu sau bão gây mưa lớn, đặc biệt là chú ý các khu dân cư ở gần các các dòng sông, suối để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nhân dân, tránh lũ quét, lũ ống.
Nhấn mạnh tinh thần chủ động ứng phó với phương châm 4 tại chỗ, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường hoan nghênh sự cố gắng của Nghệ An, đồng thời lưu ý từ nay đến hết bão, tỉnh không được có tư tưởng chủ quan, lúc nào cũng phải luôn trong tư thế “càng cẩn thận, càng chu đáo bao nhiêu càng tốt” vì nếu để thiệt hại về người thì không thể rút kinh nghiệm.
Thay mặt cho lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT và các lưu ý của các thành viên đoàn công tác.
Chủ tịch UBND tỉnh cam kết với Đoàn kiểm tra, tinh thần chỉ đạo của Nghệ An là luôn kịp thời, khẩn trương, chủ động, không chủ quan, lơ là; ứng trực thường xuyên 24/24h, xây dựng các phương án và thường xuyên tổng rà soát các phương án để ứng phó chủ động nhất với phương châm 4 tại chỗ gắn với trách nhiệm người đứng đầu; triển khai các kế hoạch tổng rà soát bài bản, chặt chẽ, chắc chắn…