(Baonghean) - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra chỉ tiêu đến năm 2015 có 60% xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã (trước 2012 là chuẩn quốc gia về y tế)... Tính đến hết năm 2014, toàn tỉnh có 245/480 xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí và thêm 60 xã đang trình UBND tỉnh công nhận…
Khởi sắc y tế cơ sở
Trong số 245 địa phương đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã thì Diễn Vạn là một trong những xã điển hình. Trạm Y tế Diễn Vạn với 2 khối nhà kiên cố, khang trang được xây dựng trên diện tích 800m2. Trạm có 16 giường bệnh, 10 cán bộ, đầy đủ các trang thiết bị cần thiết như máy siêu âm, máy chụp X quang, máy xét nghiệm sinh hóa máu và nước tiểu. Hiện, mỗi năm, Trạm y tế xã Diễn Vạn thực hiện khám chữa bệnh cho 14.000 lượt người. Bác sỹ Trần Đình Thông, Trưởng trạm y tế xã Diễn Vạn cho biết, nguồn lực để xây dựng trạm và xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế: “Thành công bước đầu có được chính là nhờ sự vào cuộc với quyết tâm cao cấp ủy, chính quyền cũng như người dân, tranh thủ mọi nguồn lực có thể để đầu tư xây dựng xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế”.
Cũng như xã Diễn Vạn, sự vào cuộc của cấp ủy chính quyền, các đoàn thể, nhân dân chính là cách để xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ: “Vốn là xã nghèo, những năm trước, trạm y tế xã hoạt động chưa đảm bảo do cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị y tế thiếu thốn. Tìm cách khắc phục, Đảng ủy, UBND xã đã tích cực vận động sự hỗ trợ, ủng hộ của các doanh nghiệp, con em đi làm ăn xa để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Từ sự đồng thuận, xã đã động viên được mỗi hộ dân đóng góp 50.000 đồng/năm cùng ngày công để xây dựng trạm y tế khang trang với 22 phòng chức năng, 29 giường bệnh cùng nhiều trang thiết bị đắt tiền khác như máy chụp X.Quang, máy siêu âm, máy xét nghiệm và 1 xe cứu thương”... Tương tự, xã Nam Trung, huyện Nam Đàn nhờ huy động sự ủng hộ của con em thành đạt xa quê, nguồn đóng góp 5.000 đồng/người/ năm để xây dựng và đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã.
Năm 2011, Châu Thuận (Quỳ Châu) đạt chuẩn quốc gia về y tế, nhưng tại thời điểm đó trạm y tế xã vẫn còn xập xệ, phòng ốc và y cụ đều thiếu thốn. Năm 2012, thực hiện phát triển y tế xã theo Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã mới, xã Châu Thuận đã thành lập ban chỉ đạo với sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể và đề ra các biện pháp triển khai. Năm 2013, nhờ nguồn ngân sách xã, nguồn dự án của huyện mà 2 khối nhà của trạm được xây dựng. 50% số hộ dân Châu Thuận là hộ nghèo nhưng mỗi người đều đóng góp 2.000 đồng, cũng như góp công sức san lấp mặt bằng xây dựng; mỗi cán bộ y tế cũng góp 100 ngàn đồng/tháng để mua thuốc men, y cụ. Nâng cao chất lượng sức khỏe cho nhân dân, Trạm Y tế xã - Ban Văn hóa xã - Ban cán sự các bản thường xuyên thực hiện việc tuyên truyền giáo dục sức khỏe cho người dân trên hệ thống loa phát thanh, băng rôn, trong mỗi cuộc họp. Chính vì vậy, năm 2013, xã Châu Thuận đã được công nhận xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế.
Tham mưu tốt cho chính quyền xã, kịp thời lên kế hoạch triển khai là kinh nghiệm quý báu của Trạm Y tế Nghĩa Đức, huyện Nghĩa Đàn trong việc xây dựng xã đạt bộ tiêu chí. Xã miền núi Nghĩa Đức cách trung tâm huyện Nghĩa Đàn trên 30 km, có 50% dân số là người dân tộc Thổ và Thái, nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Năm 2013, Trạm Y tế Nghĩa Đức còn thiếu thốn đủ bề, phòng ốc thấp bé và chật chội. Nhưng sau một năm, tất cả đã đổi khác: Cơ sở vật chất, trang thiết bị được nâng cấp, mua sắm, chất lượng hoạt động của trạm được nâng lên. Bà Nguyễn Thị Hà, Trưởng Trạm Y tế xã Nghĩa Đức lý giải: Tháng 3/2014, Nghĩa Đức bắt đầu xây dựng xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Nhờ làm tốt công tác tham mưu, với quyết tâm cao của chính quyền xã, chỉ trong 8 tháng, xã đã xây mới trạm y tế, mua sắm đầy đủ các trang thiết bị đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh thông thường. Nghĩa Đức đã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã vào tháng 11/2014.
Bền vững và đột phá
Tháng 9/2011, Bộ Y tế ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011 - 2020, thay thế chuẩn cũ. Bắt tay vào thực hiện xây dựng xã đạt bộ tiêu chí, ngành Y tế Nghệ An gặp không ít trở ngại: Qua thời gian, cơ sở vật chất nhà trạm đều xuống cấp, bởi vậy hầu hết các địa phương đều phải nâng cấp hoặc xây dựng lại; 19% số xã, phường, thị trấn chưa đạt chuẩn cũ đều ở vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao; các xã vùng cận kề trung tâm đô thị, người dân không khám, điều trị tại trạm mà vượt tuyến; nhiều địa phương xuất hiện tâm lý tự thỏa mãn, thiếu quan tâm đầu tư. Trước thực trạng này, Nghệ An đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, hỗ trợ nhằm tháo gỡ và khắc phục khó khăn; các huyện, thành thị đã tích cực, quyết liệt chỉ đạo để xã, phường, thị trấn, trạm y tế tích vào cuộc. Kết quả, năm 2013 có 50,8% số xã đạt bộ tiêu chí, năm 2014 Nghệ An có thêm 60 xã đủ điều kiện trình UBND tỉnh công nhận xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Như vậy, dự kiến Nghệ An sẽ có 305/480 xã đạt, đạt 63,35%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra và bình quân chung cả nước (60%).
Bác sỹ Nguyễn Xuân Hồng - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Để vượt chỉ tiêu đề ra là nhờ cuộc vận động xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, tiêu chí về y tế được đặt lên hàng đầu; chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trạm y tế được nâng cao, tạo sự đồng thuận trong nhân dân; Ngành Y tế và các cấp chính quyền đã vào cuộc quyết liệt… Ông Phạm Quốc Việt, Phó Bí thư Huyện ủy - Trưởng ban chỉ đạo xây dựng xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế huyện Hưng Nguyên cho biết: Hưng Nguyên có cơ chế khuyến khích thưởng mỗi xã 100 triệu đồng nếu đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Với các xã đang xây dựng, huyện hỗ trợ từ 100-300 triệu đồng/xã. Chính nhờ sự quan tâm này đến nay Hưng Nguyên đã có 11/23 xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế riêng năm 2014 đã có 8 xã đạt. Hưng Nguyên phấn đấu đến năm 2015 có 70% số xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế.
Có thể nói, số đơn vị đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã hiện đã vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, song để tiến tới mục tiêu đến năm 2020, tỉnh có 80% số xã đạt bộ tiêu chí còn một thách thức. Bên cạnh đó, là nỗi băn khoăn về việc duy trì hoạt động theo đúng chuẩn của bộ tiêu chí. Khó khăn của việc duy trì là hiện vẫn chưa có hướng dẫn của Bộ Y tế xung quanh việc thẩm định lại danh hiệu; sẽ xuất hiện tư tưởng tự thỏa mãn của cán bộ y tế cũng như chính quyền cơ sở; nhiều trạm y tế hiện vẫn thiếu người, yếu về trình độ chuyên môn. Khó khăn của việc hoàn thành mục tiêu 80% số xã đạt bộ tiêu chí là: Xã chưa đạt bộ tiêu chí hầu hết là xã rất khó khăn ở vùng núi cao, đặc biệt thiếu nguồn lực. Đơn cử như huyện Kỳ Sơn, đến nay chưa có xã nào đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế.
Bác sỹ Cao Đình Minh, Giám đốc Trung tâm Y tế Diễn Châu kiến nghị: “Cần có chỉ đạo đồng bộ và đảm bảo đủ điều kiện để thực hiện bộ tiêu chí. Các địa phương cần thường xuyên rà soát để có kế hoạch hoàn thiện; các cấp, ngành cần tăng cường giám sát cũng như đầu tư nguồn lực, con người, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ y tế xã…
Bác sỹ Nguyễn Xuân Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An khẳng định: Trong thời gian tới, ngành tập trung chỉ đạo các trạm y tế làm tốt trách nhiệm tham mưu cho các cấp ủy chính quyền, thực hiện từng bước một theo lộ trình kế hoạch vạch ra, cụ thể là trong việc nâng cao cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực. Ngành Y tế không ngừng tăng cường việc giám sát, kiểm tra, đốc thúc, thẩm định các đơn vị y tế cơ sở đạt chuẩn cũng như tăng cường phối hợp với các sở ban ngành cấp tỉnh để tham mưu cho tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh có chiến lược đầu tư cho các xã khó khăn không dừng lại ở việc xây dựng trạm y tế đạt bộ tiêu chí, Ngành Y tế Nghệ An… Tin tưởng rằng, với sự đồng thuận của người dân, quyết tâm cao của chính quyền địa phương và nỗ lực của Ngành Y tế, tỉnh ta sẽ có nhiều xã đạt bộ tiêu chí, trạm y tế đạt “chuẩn trong lòng dân” – trình độ chuyên môn cao, tinh thần phục vụ tốt, lấy người bệnh làm trung tâm.
Thanh Sơn