Bộ bàn chạm khắc hình rồng độc nhất Việt Nam có tên Cửu Long, gồm 10 món, nặng gần 7 tấn, được đối tác nước ngoài trả tiền tỷ nhưng ông chủ công ty nội thất một mực không bán.
Anh Đỗ Thanh Duy, đại diện một đơn vị sản xuất đồ gỗ thủ công mỹ nghệ tại TP.HCM, chia sẻ, bộ bàn ghế 10 món có tên Cửu Long (9 rồng) được đội ngũ thợ lành nghề của ông vừa hoàn thiện. Bộ bàn ghế này làm trong vòng hơn hai năm, từ tháng 4/2014 tới tháng 9 năm nay mới xong. Đây là một bộ bàn ghế có một không hai, tổng trọng lượng gần 7 tấn.
Để có được một tác phẩm để đời như vậy, họ đã sử dụng tới 10 khối gỗ cẩm lai kích thước lớn nhất. Bộ ghế gồm 10 món, điêu khắc hình 9 con rồng theo biểu tượng và đặc điểm của rồng Việt Nam, có bờm, râu, cằm dài, mắt lồi và miệng há to, hai răng nanh ngược lên trời.
Trong đó, có một ghế dài cao 200x300 cm, chạm hình tượng 9 rồng, mặt ghế bằng gỗ cẩm lai nguyên khối dày 8cm, rộng 80cm vài dài 240cm. Vách lưng ghế bằng gỗ đặc dày 12cm, phần đầu rồng gỗ nguyên khối dày 20cm, lưng ghế được chạm khắc hai mặt. Chỉ tính riêng trọng lượng ghế dài này đã nặng tới 2 tấn.
Bốn ghế đơn có mặt ghế dày nguyên tấm 8cm, được chạm 5 con rồng, mỗi ghế nặng 800kg. Hai bàn rà và hai ghế đôn bằng gỗ đặc khổ lớn nhất dày 8cm, trọng lượng gần 200kg mỗi món.
Bàn chính cũng được chạm 9 con rồng, mặt bàn bằng gỗ đặc nguyên khối lớn nhất, dày 8cm, có kích thước 200x160cm. Chiếc bàn có trọng lượng 700kg.
Anh Duy chia sẻ, cẩm lai là một trong những nhóm gỗ quý cùng bậc với gỗ mun sọc tại Việt Nam và trên quốc tế. Đây là bộ sản phẩm được giới chuyên môn trong ngành nội thất đánh giá cao về độ sắc sảo trong kỹ thuật chế tác và độ khủng trên thị trường hiện nay.
Chính vì sự độc đáo này mà nhiều đối tác Malaysia và Đài Loan đặt vấn đề mua lại nhưng ông chủ đơn vị nội thất từ chối, dù số tiền lên tới gần 3 tỷ đồng.
“Đây là bộ bàn ghế độc nhất, chứng minh khả năng và tay nghề của người Việt Nam. Ở lại Việt Nam sau này vẫn còn tìm thấy dù không còn gỗ hay người làm nữa, nếu xuất đi nước ngoài thì xem như mất luôn giấy khai sinh”, anh Duy chia sẻ.
Duy Anh
Theo vietnamnet