(Baonghean) - Tuần qua, chuyên đề 3 kỳ “Đưa vụ đông thành vụ sản xuất chính” của tác giả Châu Lan - Thanh Lê đăng trên nhật báo ra các ngày 13,14,15/10 được bạn đọc bình chọn bài chất lượng với số phiếu cao nhất. Sau đây là một số lời bình dành cho bài viết:
 
images1064467_a6_ki_m_tra_s_n_xu_t_ng__d_ng_tr_n_d_t_2_l_a_o_di_n_m____di_n_ch_u..jpgKiểm tra ngô đông trên đất 2 lúa ở xã Diễn Mỹ (Diễn Châu). Ảnh: L-L
 
Loạt bài viết về việc sau 10 năm thực hiện chủ trương đưa vụ đông thành vụ chính ở tỉnh ta đã tạo được những chuyển biến sâu sắc của bà con nông dân. Đột phá về giống, về năng suất, sản lượng, giá trị sản xuất... từng bước mang lại no ấm cho người dân. Nhưng để vụ đông thành vụ chính còn nhiều việc phải làm... Trước hết, đó là sự đột phá về cơ cấu giống. Trước đây, những cánh đồng khoai lang đông trong suốt một thời kỳ dài từng là giải pháp vừa để chống đói, vừa để chăn nuôi nhằm đảm bảo cái ăn đắp đổi cho đại bộ phận nhà nông. Những  năm 2001-2002, khi chủ trương đưa vụ đông thành vụ sản xuất chính, diện tích vụ đông của Nghệ An có mức tăng mạnh nhất, nhanh chóng đạt 75.000 ha; trong đó ngô vụ đông lên tới 47.000 ha, chủ yếu là ngô lai. Nhờ đó, năng suất ngô tăng mạnh, từ dưới 30 tạ/ha đến 40 - 50 tạ/ha, mang lại thu nhập khá cho người nông dân, giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích tăng từ 35 triệu đồng/ha năm 2003, lên trên 55 triệu đồng/ha năm 2013...
 
Đột phá thứ hai là đưa giống lạc đông vào sản xuất. Vào năm 2006, diện tích lạc đông toàn tỉnh đã đạt 2.500 - 2.700 ha, nhưng do kinh nghiệm thâm canh lạc đông còn ít, một số nơi bị lụt nên nông dân giảm dần diện tích. Qua một thời gian dài chống chịu, cho thấy hợp nhất trên đồng đất là các giống lạc L14, L23, L08… tạo ra nguồn lạc giống rất có lợi cho vụ xuân. Năng suất lạc vụ đông năm 2013 đạt 22,74 tạ/ha, có nơi 40- 50 tạ/ha, tăng 42,1% so với 10 năm trước đó. Ngoài ra, gần đây ở một số địa phương đưa cây rau màu vào sản xuất trên đất 2 lúa, đem lại giá trị kinh tế cao.
 
Ở kỳ 2 “Hiệu quả nhìn từ điểm”, viết về một số địa phương kiên trì bám vụ đông; năng động tìm cách làm phù hợp, vừa tạo được khí thế sản xuất ở tận các thôn xóm, bà nông dân còn tự thành lập dịch vụ thu mua, bao tiêu sản phẩm. Xã Diễn Mỹ (Diễn Châu) là địa phương dẫn đầu về sản xuất ngô trên đất 2 lúa của huyện, cho thấy, cơ giới hóa thực sự góp phần quan trọng để tạo hiệu quả mùa vụ. Máy cày làm đất (kể cả vun luống) trong một ngày được 1 mẫu, người dân chỉ việc tra hạt. Nhờ khâu này mà Diễn Mỹ chỉ làm vụ đông trong 7 ngày là hoàn tất. Máy cày công suất lớn đã giải phóng sức lao động cho nông dân, 1 sào thuê máy hết từ 150.000 đồng - 180.000 đồng, nhưng bù lại tiến độ nhanh, sản xuất kịp thời vụ để còn làm vụ xuân. Hơn nữa vụ đông còn phải làm kín đất để bảo vệ khỏi các loại thiên địch (chuột bọ). Sản lượng ngô đông ở Diễn Mỹ hiện một năm đạt 600 tấn, bán với giá 7000 đồng/kg, số tiền ngô  thu về một vụ đã đạt từ 3,6 tỷ đồng đến 4,2 tỷ đồng.
 
Đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp luôn là vấn đề “nóng”, dĩ nhiên việc đẩy mạnh vụ đông cũng phụ thuộc nhiều vào vấn đề này. Và trong khó khăn, nông dân nhiều địa phương đã có những cách làm sáng tạo. Huyện Anh Sơn là địa phương đang coi cây ngô là cây màu chủ lực. Diện tích ngô đông của Anh Sơn đang ổn định khoảng 3.000 ha, với sản lượng khoảng 30.000 tấn/năm, trước thực tế nhiều năm chưa có cách chế biến tiêu thụ, có khi sản phẩm ngô phải chỉ dành cho chăn nuôi hoặc đổ bỏ bởi hư hỏng, nhiều hộ nông dân trên địa bàn đã đứng ra thu  gom lại để bán đi các tỉnh, thành khác. Việc làm này tạo ra động lực để người dân phấn khởi mở rộng diện tích và đầu tư thâm canh cây ngô.
 
Với sự nhạy bén trong tư duy sản xuất, thời gian gần đây nông dân Đô Lương đã thâm canh sản xuất rau màu, tạo thế cạnh tranh tốt với các huyện miền nuôi, xây dựng thành công những vùng rau màu chuyên canh và chất lượng. Trước đây, nông dân sản xuất ngô trên đất 2 lúa là chính, nhưng nhận thấy rau màu có giá trị cao, quay vòng nhanh, nhiều xã đã chuyển sang các loại rau củ có sự ổn định về thị trường như đậu cô ve, bầu đỏ, bí xanh, dưa chuột. Đây cũng là những loại rau củ dễ làm, nhưng có thể để được lâu, vận chuyển dễ.
 
Ở kỳ 3 “Giải pháp gần”, tác giả đã đưa ra các giải pháp nhằm đưa sản xuất vụ đông thực sự trở thành mùa vụ chính trong nhận thức và hiệu quả. Đó là vấn đề chỉ đạo thực hiện và luôn có giải pháp bổ cứu, nhân rộng các làm hay… ở cơ sở là rất quan trọng. Trước hết, đó là sự chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt, tích cực của cán bộ, chính quyền địa phương; sự hỗ trợ của chính quyền các cấp; Thứ hai là đẩy mạnh cơ cấu giống, áp dụng KHKT và đưa các bộ giống cho năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, nhằm tăng giá thành sản phẩm; thứ ba, mở rộng sản phẩm đáp ứng thị trường: ngô, rau màu, lạc...
 
Người xây dựng