(Baonghean) - Tuần qua, bài viết “Giá mà…!” của tác giả Tri Kỷ đăng trang 1 số ra Chủ nhật ngày 14/12 được độc giả bình chọn là bài viết hay. Sau đây là một số lời bình dành cho bài viết…

TIN LIÊN QUAN

Bài viết bắt đầu từ một chi tiết liên quan đến bóng đá, đang là vấn đề “nóng” trên các diễn đàn, các trang mạng xã hội. Đó là, Việt Nam thua tan nát một cách kỳ lạ, khó hiểu trên Sân vận động Mỹ Đình của đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam, không ít người nghi ngờ là do các cầu thủ bán độ. Sự nghi ngờ đó nhanh chóng bùng lên thành “làn sóng dư luận”, thu hút sự quan tâm, chú ý và phản ứng của mọi người. Sau đó, “rất nhanh chóng, rất khẩn trương, cơ quan chủ quản môn bóng đá đã ngay lập tức đề nghị công an mở cuộc điều tra, làm rõ có chuyện các cầu thủ bán độ lấy tiền hay không. Phải công nhận đó là một phản ứng mạnh mẽ, kịp thời rất đáng được nhiệt liệt  hoan nghênh và biểu dương”. Điều này rất đáng được hoan nghênh, thế nhưng cũng như tác giả thì rất nhiều người dân cũng đang rất băn khoăn là tại sao tiêu cực trong bóng đá lại nhanh chóng được các cơ quan chức năng cũng như mọi người quan tâm như vậy, trong lúc đó, ngoài xã hội rất nhiều vấn đề tiêu cực khác lại không được “nóng” như bóng đá. Nếu như các vụ việc tiêu cực khác như tham nhũng, tai nạn giao thông, tranh chấp đất đai, vấn đề y đức trong ngành y, trộm cắp, cướp giật… cũng được các cơ quan chủ quản, các ngành chức năng, người dân quan tâm như bóng đá thì có phải là hay biết mấy. 
 
Tác giả ao ước: “Giá mà các biểu hiện tiêu cực trong các lĩnh vực khác cũng được các cơ quan chức năng vào cuộc một cách quyết liệt và chóng vánh như vậy thì hay biết bao nhiêu”. Đó là chuyện “cán bộ, công chức nhà nước bỗng dưng giàu lên một cách bất thường” hay “trên mảnh đất công bỗng dưng mọc lên dinh thự của một ông nguyên là thế này, nguyên là thế nọ khiến cả xã hội xôn xao”… Nếu những chuyện, những việc đó nếu được các cơ quan có chức năng “đèn trời soi xét”, vào cuộc xử lý rốt ráo thì “trong cuộc sống hôm nay sẽ ít đi những chuyện, những việc được gọi là “bức xúc, nổi cộm”. Và tham nhũng cũng sẽ không lan tràn trong xã hội để rồi trở thành một “quốc nạn” hay là “giặc nội xâm” khiến cả quốc gia, dân tộc lo lắng và tìm đủ mọi cách để đối phó.
 
Thế nhưng, đó chỉ là ao ước, vẫn chỉ là “giá mà”… Biết bao giờ, các tiêu cực xã hội nhận được sự quan tâm, vào cuộc tích cực, khẩn trương của các cơ quan chức năng như trong trận bóng đá nói trên thì người dân sẽ “được nhờ” biết mấy…
 
Người xây dựng