Cùng dự có đại diện các Sở: Lao động, Thương binh và Xã hội, Tài Nguyên và Môi trường; Giao thông Vận tải; Bí thư Huyện ủy Quỳ Hợp Hồ Lê Ngọc, đại diện các phòng, ban huyện Quỳ Hợp.
Tại buổi tiếp xúc, trên tinh thần dân chủ, thẳng thắn, cởi mở, cử tri huyện Quỳ Hợp đã kiến nghị với ĐBQH nhiều vấn đề mà cử tri quan tâm như: Chính sách hỗ trợ đất sản xuất và sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số; thu hồi đất của lâm, nông trường giao cho người dân quản lý; hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; tình trạng chặt phá rừng trong khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống; sớm giao đất theo Nghị định 163, 164 của Chính phủ cho nhân dân sản xuất...
Cử tri Vi Văn Thiêm (xã Châu Hồng) bày tỏ sự đồng tình cao trong việc quyết liệt đấu tranh chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua, bước đầu đã mang lại những hiệu ứng tích cực, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Song cử tri bày tỏ băn khoăn về việc thu hồi lại tài sản tham nhũng còn quá ít so với khối lượng tài sản tham nhũng. Cử tri cho rằng, tình trạng “trên nóng dưới lạnh” vẫn còn tồn tại, ở các địa phương cơ sở chưa thật sự vào cuộc quyết liệt, mà còn chung chung. Do đó, cử tri đề nghị Đảng, Nhà nước, các cấp lãnh đạo, chính quyền cần có những giải pháp đồng bộ, hữu hiệu, để công cuộc chống tham nhũng đi vào quỹ đạo, phát huy tính hiệu quả.
Đề cập đến Quyết định 92 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người dân thuộc hộ nghèo được hưởng chế độ 100.000 đồng/tháng, cử tri Vi Văn Thiêm cho biết, chủ trương hỗ trợ là đúng đắn, song chưa phát huy được hiệu quả về xóa đói, giảm nghèo cho người dân, do chế độ hỗ trợ còn thấp. Cử tri mong muốn Đảng và Nhà nước xem xét lại để tăng mức hỗ trợ cho các hộ nghèo, giúp người dân giảm nghèo bền vững.
Cử tri Ngô Thị Hương (xóm 2, xã Châu Thành) kiến nghị, đối với người dân miền núi, đời sống kinh tế chủ yếu dựa vào trồng rừng, nhưng người dân đang gặp nhiều khó khăn trong vay vốn Ngân hàng chính sách để trồng rừng. Theo quy định, nguồn vốn vay chỉ có thời hạn trong 3 năm, trong khi để trồng rừng có “thành phẩm” thì phải mất từ 5-7 năm. Do đó, cử tri đề nghị tăng thời hạn vay vốn trồng rừng từ Ngân hàng chính sách lên 5 năm.
Cử tri Nguyễn Thị Thanh (xã Châu Thành) phản ánh, do địa hình hầu như là đồi núi, đất ở hiếm hoi, do đó người dân chủ yếu sống dọc bờ núi, bờ suối, thậm chí ngay tại những nơi có nguy cơ sạt lở cao. Trước tình trạng đó, Nhà nước đã quan tâm xây dựng khu tái định cư cho người dân nơi đây, song đã hơn 10 năm kể từ khi khởi công đến nay, khu tái định cư vẫn chưa hoàn thành. Cử tri đề nghị các cấp, ngành cần tiếp tục quan tâm, giúp đỡ người dân nơi đây sớm có chỗ ở, ổn định cuộc sống, để tập trung phát triển kinh tế.
Đề cập tới những hệ lụy từ khai thác khoáng sản, cử tri Nguyễn Thị Thanh còn cho biết, địa bàn xã Châu Thành chịu ảnh hưởng lớn từ hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, đặc biệt là những tác động ảnh hưởng tới môi trường sống. Công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản và môi trường còn gặp nhiều khó khăn. Một số cơ sở khai thác khoáng sản sau khi đóng mỏ vẫn không chịu đóng phí môi trường cho địa phương. Đề nghị cần đẩy mạnh giám sát, quản lý việc khai thác khoáng sản trên địa bàn.
Sau khi lắng nghe những kiến nghị từ cử tri, thay mặt đoàn ĐBQH, Bí thư Trung ương Đảng Phan Đình Trạc trực tiếp giải trình những vấn đề cử tri Quỳ Hợp quan tâm.
Liên quan đến công cuộc phòng, chống tham nhũng, Bí thư Trung ương Đảng Phan Đình Trạc cho biết, Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương đã và đang vào cuộc quyết liệt, và nhiều địa phương ngày càng “nóng” dần lên. Cụ thể, nếu năm 2017, cả nước có 22 tỉnh, thành chưa phát hiện được vụ tham nhũng nào, thì đến năm 2018, cả nước chỉ còn 4 tỉnh. Bí thư Trung ương Đảng thông tin thêm, dự kiến vào tháng 6/2018 sẽ diễn ra Hội nghị toàn quốc về phòng chống tham nhũng, nhằm làm nóng "lò” hơn nữa từ Trung ương tới địa phương.
Ngoài ra, tại kỳ họp thứ 5 này, Quốc hội tiếp tục đưa ra thảo luận về Luật Phòng chống tham nhũng, trong đó có nội dung về thu hồi tài sản tham nhũng.
Bí thư Trung ương Đảng phân tích, trước khi cấp giấy phép hoạt động cho các cơ sở khai thác khoáng sản đều trải qua 3 bước: xem xét vùng được quy hoạch; chính quyền huyện, xã họp bàn lấy ý kiến; trưng cầu ý kiến của người dân địa phương. Khi khai thác, cần xem xét khả năng chấp hành bảo vệ môi trường để đưa ra quyết định tiếp tục gia hạn hay thu hồi.
“Nếu chúng ta làm nghiêm, làm đúng quy trình, thì sẽ không thể xảy ra những hậu quả đáng tiếc” - đồng chí Phan Đình Trạc nhận định. Do đó, đề nghị các cấp, các ngành đẩy nhanh tiến độ giải quyết, khắc phục những ảnh hưởng, tránh để cuộc sống của người bị ảnh hưởng. Đặc biệt chú trọng các quy định về bảo vệ môi trường./.