bna_dai_bieu_quoc_hoi_anh_my_nga1309874_252018.jpgCác đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri tại thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong. Ảnh: Mỹ Nga
Sau khi nghe ĐBQH báo cáo về thời gian, nội dung dự kiến của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, cử tri bày tỏ sự tin tưởng trước những đổi mới của Quốc hội, Chính phủ; đồng thời kiến nghị nhiều vấn đề quan tâm.

Liên quan đến phương án sửa đổi quy định hiện hành và đề xuất cho phép nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động, cử tri Nguyễn Kim Pháp (thị trấn Kim Sơn) cho rằng, việc kéo dài tuổi nghỉ hưu không phù hợp với người lao động tại các huyện miền núi, do không đủ sức khỏe, đặc biệt là quy định nữ 60 tuổi mới nghỉ hưu.

Cử tri này cũng nêu hiện trạng các cán bộ bán chuyên trách trên địa bàn đang có xu hướng “bỏ ra ngoài làm” do chế độ chính sách tiền lương thấp, nhất là khi bắt đầu lộ trình giảm biên trong các cơ quan, đơn vị theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII.

Về một số chế độ, chính sách đối với những người có huân, huy chương chiến công bảo vệ Tổ quốc, cử tri xã Châu Kim cho biết, nhiều trường hợp đã làm hồ sơ và cấp xã đã xét gửi lên cấp trên nhưng chưa có phản hồi. Bên cạnh cho rằng chế độ phụ cấp hiện hành còn quá thấp, các cử tri kiến nghị giải quyết chế độ, quan tâm, tạo nguồn hỗ trợ kịp thời để các đối tượng được hưởng chế độ theo đúng quy định. 

Cử tri Lô Thị Hồng (xã Mường Nọc) đề cập, một số loại thuốc, dịch vụ, vật tư mà người dân được hưởng theo chế độ bảo hiểm y tế còn nhiều bất cập. Đặc biệt, đối với những bệnh hiểm nghèo thì gần như người dân không được hưởng theo chế độ BHYT, mà phải chịu mức chi trả lớn. Hơn thế, giá thuốc luôn là vấn đề được người dân quan tâm. Cử tri phản ánh, tại các cửa hàng thuốc, giá thuốc có thể được niêm yết trên bao bì mỗi hộp, nhưng người mua cũng không thể biết đó là giá đúng hay giá cao. Còn khi phải vào viện, với đơn thuốc bác sỹ đã kê thì người bệnh cũng chỉ biết tin tưởng mua tại hiệu thuốc bệnh viện. Song giá thuốc tại các hiệu thuốc này có khi lại cao hơn tại các hiệu thuốc bên ngoài. 

Do đó, cử tri đề nghị các cấp bộ, ngành xem xét và cân đối lại, nhằm hỗ trợ người dân miền núi khi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế; đồng thời có ý kiến với các bộ ngành liên quan kiểm tra thực trạng có sự chênh lệch giá thuốc trong và ngoài bệnh viện. 

Hội nghị đã tiếp nhận 9 lượt ý kiến kiến nghị của cử tri. Ảnh: Mỹ Nga
Liên quan đến chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa bàn xã Quế Sơn, cử tri Nguyễn Văn Dũng phản ánh, tuyến tỉnh lộ 541B chạy qua xã hiện đang xuống cấp nghiêm trọng do lưu lượng lớn xe quá khổ quá tải, khiến người dân gặp khó khăn trong đi lại. Cử tri đề nghị các cấp có thẩm quyền quan tâm, nâng cấp tuyến đường, đảm bảo nhu cầu đi lại của nhân dân.

Cử tri này còn cho biết thêm, tại địa phương hiện một số đơn vị thôn bản không đủ điều kiện về dân số. Cử tri đề nghị sớm đẩy nhanh việc sáp nhập thôn bản trên với một số thôn bản khác, nhằm đảm bảo lộ trình xây dựng nông thôn mới của xã. 

Các cử tri kiến nghị một số vấn đề khác như: tình trạng khai thác cát sỏi tràn lan; bất cập trong cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất; chế độ chính sách cho cán bộ công tác tại các huyện miền núi...

Tại hội nghị, thay mặt đoàn ĐBQH, ông Phan Đình Trạc - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương cảm ơn những đóng góp chân thành của cử tri, và trực tiếp giải trình những vấn đề cử tri quan tâm.

Bí thư Trung ương Đảng Phan Đình Trạc trực tiếp giải trình những kiến nghị của cử tri. Ảnh: Mỹ Nga

Liên quan đến vấn đề tuổi nghỉ hưu dự kiến nâng lên 62 với nam và 60 với nữ, Bí thư Trung ương Đảng Phan Đình Trạc cho biết, Chính phủ đang xem xét nhiều ý kiến chuyên gia. Kéo dài độ tuổi cần phải có lộ trình, theo đó, phương án đưa ra là mỗi năm chỉ tăng thêm 3-4 tháng làm việc cho đến khi nam đủ 62, nữ 60 tuổi sẽ nghỉ hưu. Đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu là một trong những giải pháp nhằm cân đối quỹ BHXH hiện nay.

Trả lời về vấn đề thực hiện Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII về tinh giản biên chế, Bí thư Trung ương Đảng Phan Đình Trạc đề nghị, các nhà tổ chức phải nghĩ đến những chính sách, cơ chế phù hợp trong giai đoạn giao thời, đặc biệt đối với những cán bộ bán chuyên trách. Khi số lượng người giảm, để đảm đương khối lượng công việc thì cần phải tăng phụ cấp, còn nếu không đáp ứng được thì xu hướng dịch chuyển lao động ra ngoài làm sẽ là tất yếu.

“Đây là giai đoạn giao thời, không có người làm việc thì chính quyền sẽ không thể phục vụ được nhân dân” - Bí thư Trung ương Đảng nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề giải quyết chế độ hỗ trợ những người có huân, huy chương, ông Phan Đình Trạc cho biết, Đảng và Chính phủ đã ban hành rất nhiều Nghị quyết. Do đó, cán bộ địa phương cần có trách nhiệm căn cứ vào những văn bản hiện hành để hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân kịp thời để các đối tượng được hưởng chế độ theo đúng quy định.

Về vấn đề xóa đói giảm nghèo cho người dân miền núi, Bí thư Trung ương Đảng cho biết, hàng năm Chính phủ có 2 chương trình mục tiêu quốc gia lớn: xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Ông cũng đề nghị, nhân dân không nên lạm dụng những chính sách để có tâm lý ỷ lại, phải biết sử dụng kinh phí hỗ trợ để làm ăn, phát triển kinh tế từ nội lực, nhằm thay đổi cuộc sống của chính bản thân và tham gia xây dựng đời sống xã hội ngày một tốt hơn.

Về phản ánh của cử tri liên quan đến giá thuốc có sự chênh lệch, cũng như việc bác sỹ chỉ định mua thuốc tại quầy cụ thể, Bí thư Trung ương Đảng Phan Đình Trạc đề nghị địa phương rà soát, kiểm tra thực trạng; đồng thời đề nghị văn phòng Quốc hội tỉnh tiếp thu để phản ánh tới các bộ, ngành liên quan nhằm chấn chỉnh trong thời gian tới.