Chẳng hạn, ai có thể hình dung được cầu thủ Hoàng “bò” (biết danh rất thân mật để chỉ thể lực phi thường của cầu thủ này) đang thi đấu “nhiệt” đến thế, bền bỉ đến thế, bỗng dưng phải rời tuyển để điều trị bệnh? Không ai nghĩ, cũng chẳng ai mong sau 7 tháng tập trung dài đằng đẵng, các tuyển thủ được xả trại ít ngày lại “dính” Covid-19, mà lại là những cái tên chủ lực Văn Toàn, Hoàng Đức, Tiến Linh!
Đó là sự bất thường đến mức…bình thường của cuộc sống. Trọng Hoàng dù sở hữu “cơ địa” thuộc loại hàng đầu về mọi mặt trên tuyển thì cũng không có nghĩa sẽ chạy mãi mà không có lúc ‘khô dầu”. Còn việc các cầu thủ mắc Covid-19 trong điều kiện bình thường mới, là điều không ai mong muốn, là điều phải chấp nhận khi mở cửa và mong sao các tuyển thủ sẽ sớm bình ổn và lên tuyển.
Lúc này, trong cái rủi của người này sẽ là cái may của người khác, cơ hội của người khác. Trọng Hoàng vắng mặt, ông Park Hang-seo sẽ phải lựa chọn, tìm kiếm một cầu thủ khác thế vai. Nếu thể hiện tốt hoặc tốt hơn, nếu cầu thủ đó trẻ hơn, anh này sẽ chiếm chỗ của Trọng Hoàng và biết đâu sẽ “đẩy” ngôi sao của SLNA và ĐT Việt Nam về ghế dự bị, thậm chí về… dưỡng già!
Nhưng thực tế kỳ diệu đã cho thấy rằng, đạt được năng lực chuyên môn, động lực thi đấu như Trọng Hoàng là điều không dễ. Ông Park và người hâm mộ hẳn đang nóng lòng chờ ngày Hoàng “bò” trở lại cùng Văn Hậu trên tuyển để làm nên đôi cánh lợi hại, lên công về thủ nhịp nhàng, bền bỉ hiếm thấy của bóng đá Việt.
Người hâm mộ SLNA hiện giờ đang mong mỏi hơn bao giờ hết ngày “máy ủi” này về hoạt động bên hành lang phải của đội bóng quê nhà, nhằm truyền cảm hứng cho những người đàn em tìm lại vinh quang từng đạt tới của đoàn quân áo vàng trên sân Vinh và bất cứ sân đấu nào ở V. League.
Câu chuyện cơ hội cũng đang mở ra với 2 cầu thủ gốc Nghệ trên tuyển là Phi Sơn và Văn Đại. Đương nhiên ai cũng mong Văn Toàn, Hoàng Đức, Tiến Linh sớm lên lại tuyển và thông tin mới nhất cho thấy hy vọng là có cơ sở. Nhưng Phi Sơn, Văn Đại là những người từng lên tuyển, chưa được chọn, nay cơ hội mở ra thì nhất thiết phải nắm lấy bằng được, dù mọi điều không dễ dàng.
Người hâm mộ xứ Nghệ hẳn không quên câu chuyện liên quan đến 2 tài năng bậc nhất của SLNA và bóng đá Việt là Văn Quyến và Công Vinh. Nếu mọi chuyện suôn sẻ, xuôi chèo mát mái với Văn Quyến, hẳn người đàn em Công Vinh sẽ phải mất nhiều thời gian hơn, nhiều mồ hôi hơn để đạt được những thành tựu vượt bậc như anh từng có được khiến nhiều thế hệ cầu thủ phải mơ ước.
Cơ hội và thời cơ tốt nhất, sáng nhất chỉ có một và chỉ một mà thôi. Ai không may để lỡ, để vuột mất thì khả năng “đoạt” lại là vô cùng nhỏ nếu không nói là không thể vì áp lực mọi mặt luôn thúc giục ngay sau lưng, luôn phả hơi nóng sau gáy bất cứ ai. Đó là cuộc sống vận động và đi lên, là bóng đá phát triển theo thời gian, không chờ đợi ai, không “nể mặt” ai, chưa kể câu chuyện thời gian bào mòn sức lực của bất cứ ai, ai ai cũng có thể “đụng trần” vào thời điểm này hay thời điểm khác…
Nói cho cùng, trong bóng đá, câu chuyện 1% cơ hội luôn đặt ra trước bất kỳ cầu thủ nào, trong bất cứ thời gian, thời điểm nào kể từ khi vào tập luyện ở các đội trẻ, lên đội 1, lên tuyển lần 1 hay lần 2, lần thứ n… Đây không chỉ là nhận thức để hành động, nắm bắt thời cơ để tiến lên mà thực chất là sự vận động không ngừng nghỉ của cuộc sống, của bóng đá và thể thao.
Nắm bắt được những cơ hội nhỏ, sẽ có tích lũy, cộng điểm để nắm bắt cơ hội lớn và hơn nữa, như Công Vinh đã thể hiện là ngôi sao hàng đầu của bóng đá Việt sau thời của đàn anh Văn Quyến, để nắm lấy cơ hội hồi AFF Cup 2008 chẳng hạn. Hay như Trọng Hoàng đã thể hiện âm thầm, bền bỉ vượt thời gian ở AFF Cup 2018, ở SEA Games 2019 khi được chọn là 1 trong 2 cầu thủ trên 23 tuổi góp mặt để dẫn dắt đàn em thi đấu ở khu vực đoạt tấm HCV quý giá sau 30 năm tìm kiếm.