Bộ Nội vụ vừa trưng cầu ý kiến cho dự thảo nghị định của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Theo tờ trình của Bộ Nội vụ, mức lương cơ sở 1,39 triệu đồng/tháng hiện nay còn chênh lệch quá nhiều so với mức lương tối thiểu vùng của khu vực DN và chưa đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.

Cụ thể, lương cơ sở 1,39 triệu đồng/tháng mới đạt 41,62% so với mức lương tối thiểu vùng bình quân năm 2018 (3,34 triệu) và chỉ đạt 39,46% so với nhu cầu sống tối thiểu bình quân năm 2018 (3,522 triệu). Việc này dẫn đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang còn nhiều khó khăn.

tang-kich-khung-luong-bo-truong-qua-nam-moi-chi-trom-trem-15-trieu-1.jpgBảng lương được tính theo mức lương cơ sở tăng lên 1,49 triệu đồng từ ngày 1/7/2019.

Bộ Nội vụ cho hay, tuy điều kiện ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn nhưng để cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và lực lương vũ trang, QH đã ban hành nghị quyết số 70/2018, trong đó quy định thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,39 triệu đồng/tháng lên 1,49 triệu đồng/tháng (tăng thêm 7,19%) từ ngày 1/7/2019.

Vì vậy, việc xây dựng nghị định điều chỉnh mức lương cơ sở là cần thiết để thực hiện nghị quyết của Quốc hội.

Nếu áp dụng mức lương cơ sở mới vào bảng lương chức vụ theo nghị quyết 730/2004 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 11, bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ có 2 bậc lương với mức trên dưới 15 triệu đồng.

Với lương bậc 1, bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ có hệ số 9,70 nhân với lương cơ sở 1,49 triệu cho ra mức lương 14,453 triệu đồng. Còn với bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ lương bậc 2 thì có hệ số 10,30 nhân với lương cơ sở ra mức lương 15,347 triệu đồng.

Hiện lương của các bộ trưởng tính theo mức lương cơ sở 1,39 triệu đồng, tương ứng với 13,483 triệu đồng bậc 1 và 14,317 triệu đồng bậc 2.