(Baonghean) - Về đất Quỳnh Lưu và Hoàng Mai, sẽ không khó để nhận thấy tầm nhìn vượt thời đại của ông Nguyễn Hữu Đợi - Nguyên Bí thư Huyện uỷ Quỳnh Lưu. Đó là những công trình thể hiện tâm huyết của một vị Bí thư suốt đời nỗ lực không mệt mỏi vì cuộc sống, hạnh phúc của nhân dân. Vậy nhưng đã có lúc có người cho rằng ông là người duy ý chí, nóng vội, chủ quan. Và chỉ có lịch sử mới minh chứng điều Bí thư Nguyễn Hữu Đợi đã là đúng đắn, phù hợp với tầm vóc của thời đại
Những ngộ nhận từ dư luận
Ông Nguyễn Hữu Đợi – nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh, nguyên Bí thư Huyện ủy Quỳnh Lưu là người khá nổi tiếng không chỉ ở đất Nghệ Tĩnh này. Ông nổi tiếng vì nhiều lẽ, nhưng cái lẽ được người ta biết đến nhiều nhất là bởi câu nói “Mo cơm, quả cà, tấm lòng cộng sản tiến lên chủ nghĩa xã hội”.
Khi nhắc đến ông với câu nói này, thường người ta ám chỉ đến một căn bệnh phổ biến thời bao cấp, đó là “ấu trĩ, chủ quan, nóng vội, duy ý chí”. Ngay cả ở những giảng đường đại học hay các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị, nhiều giảng viên cũng thường dẫn chứng Nguyễn Hữu Đợi và quê hương Quỳnh Lưu của ông như là khuôn mẫu của sự nhiệt tình cách mạng mà không có lý luận soi đường. Điều đó đã tồn tại hàng chục năm nay, và điển hình đến nỗi, chỉ cần nói đến “mo cơm quả cà, tấm lòng cộng sản” là người nghe đã biết nó ẩn dụ điều gì.
Chính người viết bài này cũng đã từng bị ám thị bởi nhận thức như thế. Phải đến khi tận mắt chứng kiến những công trình mà ông đã chỉ đạo để làm nên, tiếp xúc với những con người đã từng làm việc với ông, đọc những con số biết nói về những công lao của ông với đất Quỳnh Lưu, Hoàng Mai nói riêng, với Nghệ An nói chung, thì tôi mới vỡ lẽ ra một điều, thì ra từ trước đến nay, tôi cũng như nhiều người khác khi nhìn nhận và đánh giá về ông, đều đã mắc phải căn bệnh hời hợt và giáo điều, một loại bệnh mà người như ông Nguyễn Hữu Đợi đã không bao giờ mắc phải.
Người để lại những công trình thế kỷ
Về đất Quỳnh Lưu và Hoàng Mai, sẽ không khó để nhận thấy tầm nhìn vượt thời đại của Nguyễn Hữu Đợi còn in rất rõ trong nhiều công trình mà ông đã lãnh đạo nhân dân Quỳnh Lưu xây dựng nên.
Trước hết, phải kể đến hệ thống thủy lợi với tổng cộng 86 công trình được xây dựng ở huyện Quỳnh Lưu, trong đó nhiều công trình mang tầm cỡ quốc gia như hồ Vực Mấu, đập nước 3/2 (thuộc xã Tân Sơn), đập nước An Ngãi, kênh tiêu Bình Sơn… Đặc biệt, công trình hồ chứa nước Vực Mấu nằm trên vùng thượng nguồn sông Hoàng Mai, có trữ lượng đến 75 triệu m3nước, là công trình thủy lợi lớn nhất của tỉnh được xây dựng trong thế kỷ XX, chỉ do huyện Quỳnh Lưu thiết kế và thi công.
Công trình được xây dựng theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, đã huy động được 3 triệu ngày công, đào đắp 1,6 triệu m3đất đá. Hồ Vực Mấu đã giải quyết nước tưới cho trên 2.000 ha đất trồng trọt, đồng thời góp phần ngăn lũ, tạo nên vùng đất Hoàng Mai ngày nay mà năm 2013 đã được Chính phủ ra quyết định xây dựng thành thị xã, với định hướng phát triển thành khu công nghiệp lớn của vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ. Vực Mấu cũng đã trở thành một điểm du lịch sinh thái, là một trong những điểm đến trên bản đồ du lịch Nghệ An hiện nay.
Chính từ phong trào ra quân làm thủy lợi mà ông Nguyễn Hữu Đợi là linh hồn, đã lan truyền câu khẩu hiệu nổi tiếng của ông “mo cơm, quả cà, tấm lòng cộng sản, toàn huyện chung tay xây dựng các công trình thủy lợi” mà sau này người ta chỉ biết đến dị bản của nó là “mo cơm, quả cà, tấm lòng cộng sản, tiến lên CNXH”.
Một công trình lớn khác mà ông là người lãnh đạo thực hiện và được nhân dân nhắc đến rất nhiều, đó là việc chỉ đạo quy hoạch đồng ruộng, định canh, định cư. Chỉ trong một thời gian ngắn, dưới sự chỉ đạo, tổ chức, vận động của ông, huyện Quỳnh Lưu đã vận động gần 2.100 hộ dân từ các xã Quỳnh Bá, Quỳnh Thuận, Sơn Hải, An Hòa, Quỳnh Lương, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Dị, Quỳnh Văn… di dân lên các xã miền núi của huyện là Ngọc Sơn, Tân Sơn, Quỳnh Châu, Quỳnh Tam, Tân Sơn, Quỳnh Thắng, Tân Thắng, Quỳnh Trang, Quỳnh Tân; vận động gần 1.000 hộ dân Quỳnh Lưu di dân lên vùng kinh tế mới ở các huyện miền núi phía Tây Nghệ An như Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Thái Hòa và cả nhiều hộ dân đi vào Tây Nguyên để xây dựng kinh tế mới…
Chủ trương đó, ngoài mục đích di dời dân mở rộng diện tích canh tác, phát triển nông lâm nghiệp, còn có ý nghĩa quan trọng trong việc củng cố quốc phòng, an ninh. Phong trào này đã góp phần không nhỏ làm thay đổi diện mạo của những vùng rừng núi phía Tây Nghệ An và giải quyết khó khăn trong đời sống của nhiều hộ nông dân khác. Chính từ đây mà ông trở nên nổi tiếng với câu khẩu hiệu “thay trời, đổi đất, sắp xếp lại giang sơn” và cũng là cái để những đầu óc giáo điều, hay chưa tường tận gán cho ông cái mác “duy ý chí”.
Cũng dưới “thời” ông, các khu công nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã thủ công nghiệp, các làng nghề được xây dựng nên trong điều kiện cực kỳ khó khăn. Nhiều công trình trải qua thời gian đến nay vẫn còn phát huy giá trị, như chợ Giát, đồng muối của 7 xã vùng bãi ngang và 5 xã vùng bãi dọc, trục đường thủy Cầu Giát đi Lạch Thơi...
Không chỉ phát triển kinh tế, ông còn rất chăm lo các công trình phúc lợi như xây dựng bệnh biện huyện trong thời điểm Quỳnh Lưu là trọng điểm ném bom của máy bay Mỹ; xây dựng các trạm y tế xã, hệ thống trường học cấp 1, 2, 3. Những công trình đó đều được xây dựng từ sức dân mà ra. Nhiều trong số đó đã là nền móng, cơ sở cho những công trình ngày nay, như bệnh viện huyện, trường THPT Quỳnh Lưu 3.
Người cán bộ mà dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của mình đã để lại những công trình như vậy, không thể nào là “duy ý chí”. Mà chính là tư duy vượt thời đại, là sức mạnh của ý chí đã biến thành sức mạnh vật chất, khi ý chí đó được người cán bộ lãnh đạo, người cộng sản chân chính đầy chất lửa đó thổi vào quần chúng nhân dân.
Xin trích lại lời của đồng chí Nguyễn Thế Trung – Nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An - đánh giá về ông Nguyễn Hữu Đợi (trong bài viết Huyền thoại Nguyễn Hữu Đợi, con người của hôm nay – tác giả Văn Chinh), để hiểu rõ hơn điều đó: “…Bê tông hóa kênh mương của Nghệ An xuất phát từ Quỳnh Lưu thời ông Đợi. Dồn điền đổi thửa, thời ông Đợi. Quy hoạch dân cư, khai thác đất trống đồi núi trọc, thời ông Đợi. Ngay cả khái niệm sản xuất lớn từng bị nhiều người chê cười, nay bỗng thấy đúng khi hình thành xu thế tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hóa; cũng là thời của ông Đợi…”.
Người cán bộ của dân
Khi ông Nguyễn Hữu Đợi mất, người dân khắp huyện Quỳnh Lưu đã đến tiễn đưa ông. Đám tang của ông đông nhất ở Quỳnh Lưu thời đó (năm 1996), với đoàn người đưa tiễn kéo dài hàng cây số. Người dân đã đến tiễn đưa ông với niềm thương tiếc và biết ơn vì những thành quả mà họ được hưởng từ các công trình mà ông góp công lớn để xây dựng nên. Họ tiễn đưa ông bởi ông chính là người cán bộ của dân, từ dân mà ra và mọi suy nghĩ, tình cảm, sức lực ông đều giành cho dân, để làm sao cho dân được ấm no, hạnh phúc. Chính vì thế, trong lòng dân, ông luôn là một tượng đài.
Được biết, có những vùng ở Quỳnh Lưu, người dân muốn được dựng đền thờ ông Nguyễn Hữu Đợi. Đó chính là sự ghi nhận cao quý nhất mà ông có được !
Bảo Ngân