(Baonghean) - Sau khi Báo Nghệ An cuối tuần số ra ngày 7-2 có bài viết “Nguyễn Hữu Đợi và những công trình thế kỷ”, đã có rất nhiều phản hồi tích cực từ phía bạn đọc. Các ý kiến phản hồi đều có chung sự đồng tình cao khi báo gợi nhắc lại chân dung “Bí thư Đợi” nổi tiếng một thời trong thời buổi công tác cán bộ đang có rất nhiều trăn trở như hiện nay.

Nhiều bạn đọc bày tỏ mong mỏi được biết kỹ hơn về người cán bộ của dân, vì dân này; nhiều người khác lại cung cấp thêm cho báo những tư liệu chân thực, sống động và đầy xúc động về Bí thư Đợi, trong đó không ít người đã từng làm việc, gắn bó một thời với ông.

images1468634_anh_dc_nguyen_huu_doi.jpgTổng Bí thư Lê Duẩn thăm mô hình kinh tế ở xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Lưu). Ông Nguyễn Hữu Đợi là người đi sát bên phải Tổng Bí thư.

Trong số những bức thư, những bài viết, những cuộc điện thoại gọi tới tòa soạn, chúng tôi nhận được những dòng tâm huyết của Bí thư Tỉnh ủy Hồ Đức Phớc. Bức thư có đoạn: “Tôi đọc bài “Nguyễn Hữu Đợi và công trình thế kỷ” trên Báo Nghệ An ngày 7/2/2016, tôi thấy rất tâm đắc. Tôi đã được gặp bác Đợi 2 lần khi bác đã về hưu nhưng để lại ấn tượng mỗi lần tiếp xúc hết sức sâu sắc (...) Một người cán bộ rất sáng tạo, quyết đoán, cháy hết mình vì công việc, miệng nói tay làm, đi đầu, gương mẫu. Thời bác Đợi đã làm nông thôn mới, đã làm công nghiệp hóa. Chẳng hạn quy hoạch dân cư, xây dựng điện, đường, trường, trạm, làng nghề.(...). Nếu hiện nay chúng ta có nhiều cán bộ nhiệt huyết như vậy, chắc chắn địa phương sẽ phát triển”.

Ở bài viết này, chúng tôi xin kể tiếp những câu chuyện về Bí thư Đợi, chủ yếu ở là kỷ niệm của những người đã gặp, đã nghe, đã làm việc cùng ông. Những câu chuyện giản dị này sẽ giúp chúng ta hiểu hơn, trân trọng hơn một nhân cách, một tấm lòng “cháy hết mình với công việc”

Chỉ bàn tiến, không bàn lùi

Trong bức thư của mình, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Đức Phớc kể lại về lần gặp gỡ với Bí thư Huyện ủy Quỳnh Lưu Nguyễn Hữu Đợi : “Có lần bác ấy kể với tôi là: “Nhà cách Huyện ủy (cơ quan) chỉ mấy trăm mét. Chiều đến thấy khói nấu cơm bốc lên nghi ngút mà không dám về nhà mặc dù rất nhớ bữa cơm chiều quây quần bên vợ con, nhưng nghĩ anh em ở xa sẽ buồn hoặc bỏ về nên ở lại cơ quan với anh em”. Câu chuyện này cũng được ông Hồ Phi Phục, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBMT Tổ quốc tỉnh- người có thời gian dài sống và làm việc cùng Bí thư Đợi xác nhận, và kể thêm “Có hôm, ông Đợi nhớ thằng cháu quá, lại phải nhờ chú em đèo cháu ra cơ quan để ông gặp, ôm một lát cho đỡ nhớ. Ngày ấy công việc bộn bề mà. Người ta nói huyện Quỳnh Lưu như một đại công trường là không sai đâu. Nhất là giai đoạn huyện được Trung ương chọn xây dựng huyện điểm (giai đoạn sau 1975).Tôi thấy có những ngày Bí thư Đợi làm việc không sót một giờ nào. Sáng họp trên tỉnh, trưa về là có bao nhiêu đoàn khách đang chờ, tiếp suốt trưa. Chiều lại họp huyện. Tối lại tiếp khách. Có dịp cao điểm, huyện tiếp tới 6, 7 trăm khách mỗi ngày, trong đó chủ yếu là khách ở các địa phương khác về học tập ông Đợi, học tập Quỳnh Lưu xây dựng huyện điểm.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Đức Phớc thăm trường THPT Quỳnh Lưu II.
Công việc nhiều là thế, mà ông Đợi vẫn “hăng”. Chính sự sôi nổi, quyết liệt ấy của ông đã truyền cảm hứng, niềm tin cho số đông cán bộ, nhân dân. Ông đã nói, đã làm là làm cho bằng được, kêu gọi mọi sự đồng lòng vì mục tiêu chung. Vì thế, với ông Đợi, “không có việc gì khó” cả. Trong quãng thời gian ngắn, nhiều “công trình thế kỷ” đã hoàn thành. Những công trình ấy là dấu ấn của quyết tâm ngùn ngụt nơi ông. Ông là con người của thế tiến công, tôi luôn nghĩ về ông như thế.
 
Trong nhiều cuộc họp bàn đến những việc khó nhất, câu nói đanh thép của ông chính là “Chỉ bàn tiến, không được bàn lùi”. Nếu không phải vậy, thì có đâu hồ Vực Mấu, kênh tiêu úng Bình Sơn, đập An Ngãi. Ở đâu có được cái khí thế như ở Quỳnh Lưu những ngày ấy. Đi dân công, quãng đường đi, mang, vác của dân công vô cùng khổ sở vì đường xấu, nứt nẻ, gập ghềnh. Thế mà ai cũng mang theo xe đạp một miếng ván kẹp. Đến đoạn đường xấu thì giở miếng ván kê mà đi, mà làm... Có thể thấy chính là “luồng gió tinh thần” đã thổi đến tận mỗi người dân quê. Nhờ thế, những công trình phúc lợi như bệnh viện huyện, các trạm y tế, đặc biệt là các nhà tình thương có thể hoàn thành nhanh chóng hoàn toàn bằng sức người đóng góp. 1 tháng mà huyện làm được 4,5 chục cái nhà tình nghĩa”.

Coi trọng “người làm việc”.

“Chuyện ông Đợi kể cả ngày không hết” - ông Hồ Phi Phục nói vậy - “nhưng với tôi, 2 dấu ấn đậm sâu, cũng là kỷ niệm không bao giờ quên với Bí thư Đợi chính là giây phút gặp gỡ và tiễn biệt. Ngày ấy, tôi là kỹ sư cơ khí ở Nhà máy cơ khí Vinh. Khi Quỳnh Lưu xây dựng huyện điểm, đích thân Bí thư Đợi lên tỉnh xin tôi về giúp Quỳnh Lưu. Năm 1976, bữa đó, tôi đạp xe từ Vinh về huyện. Một anh kỹ sư bình thường, vừa vào đến cổng huyện là đã thấy vị Bí thư nổi tiếng của cả tỉnh, cả nước chờ sẵn tại cổng. Ông ân cần dắt xe cho tôi, nói anh em văn phòng dọn dẹp lại cái phòng trong cơ quan dành cho tôi. Giây phút ban đầu gặp gỡ với vị Bí thư ấy mãi mãi để lại trong tôi một niềm xúc động không nguôi.

Ông Nguyễn Hữu Đợi trong một lần đi cơ sở.

Sống và làm việc cùng ông, tôi biết, ông rất trọng cán bộ kỹ thuật nói riêng (vì ngày ấy Quỳnh Lưu xây dựng huyện công - nông), quý trọng những người làm được việc nói chung. Ông rất ghét những anh cán bộ “chỉ nói không làm”, hoặc làm không đến đầu đến đũa hay những anh “bàn lùi”. Nói như ngôn ngữ bây giờ thì ông rất dị ứng với loại cán bộ “cắp ô”. Tôi chứng kiến ông đã kỷ luật nhiều anh cán bộ dạng ấy. Thậm chí, có anh cũng thuộc dạng “thu hút”, có trình độ cao ở tỉnh về giúp huyện nhưng không được việc là ông đuổi liền. Ông luôn nói, ông cần “người làm việc”.

Dấu ấn sau cùng mà tôi muốn kể về ông Đợi, chính là ngày tôi đi trong dòng người tiễn đưa ông về cõi vĩnh hằng. Lúc đó, tôi đã về hưu, tôi hòa vào muôn lòng dân huyện Quỳnh tiễn đưa người cán bộ tâm huyết một lòng vì dân ấy. Cả đoàn người, dài hàng cây số, trên con đường quê, nước mắt hòa lẫn nước mưa. Tiếc, nhớ, biết ơn... tôi biết ngần ấy cảm xúc đang cuộn lên trong tim mỗi người chúng tôi.

Với Bí thư Đợi, không chỉ quyết liệt, phê phán những cán bộ “không biết làm việc” mà với chính bản thân mình, ông cũng luôn tự học hỏi, và thẳng thắn  không giấu những khiếm khuyết, thiếu sót của mình. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo kể rằng, có lần ông ghé phòng ông Đợi thời ông về Vinh, thấy cả phòng chất rất nhiều sách, phần đa là sách lý luận dày cộp. Ông hỏi: “Bác đọc nhiều sách thế?”, ông Đợi trả lời: “Mình tự thấy mình học hành chưa bài bản, nên cần phải tự bổ sung, tự học hỏi bằng cách tự nghiên cứu, đọc thật nhiều”.

Còn nhà thơ Thạch Quỳ lại kể một kỷ niệm rằng: “Có lần tôi về Quỳnh Lưu, được biết Bí thư Đợi vừa mới tặng quà cho người phê phán mình. Ngạc nhiên hỏi chuyện thì được biết, ông Đợi xuống xã. Gặp một chị nông dân, hỏi chuyện thì chị “phê” ông Đợi nói sai chỗ này, chỗ khác, ông đã im lặng lắng nghe và sau đó lấy ra tấm lụa để tặng chị nông dân. Ông nói: Chỉ là một nông dân, nhưng dám thẳng thắn, mạnh dạn phê bình cán bộ, và phê có lý. Như vậy thì đáng được khen thưởng.

Xin kết thúc bài viết này bằng một câu chuyện khiến cho nhà thơ Thạch Quỳ phải thốt lên rằng: “Ông Đợi Quỳnh Lưu - một con người kỳ lạ. Một con người mãi sống trong lòng dân. Những ngày ở Quỳnh Lưu tôi chứng kiến rất nhiều người dân ở các xã, nào Quỳnh Vinh, Quỳnh Thắng, Quỳnh Thiện...., họ lặn lội mang theo ít lon gạo mới, những mớ thóc mới tuốt đến biếu ông Đợi. Và họ, với tất cả sự biết ơn hồn hậu của mình đã kể về vị Bí thư đáng kính: Nếu không có ông Đợi, bầy tui mần chi có cơm, gạo mà ăn. Ông Đợi mang thủy lợi về, thay trời làm nước, giúp nông dân chúng tôi có ruộng hai lúa. Những cánh đồng khô hạn trăm năm nay đã sống dậy rồi. Bầy tui mang gạo, mang lúa đến tạ ơn ông!”.

Thế đấy, những mẩu chuyện dẫu nhỏ, nhưng cũng đã đầy cảm xúc về một con người xứ Nghệ “của một thời” nhưng không thể và sẽ không bị lãng quên. Chẳng thế mà, hàng chục năm sau ngày ông mất, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thế Trung bấy giờ vẫn còn nhắc rằng việc cấp kinh phí sửa sang mộ phần cho ông.

Và cho tới hôm nay, với vị Bí thư Tỉnh ủy đương nhiệm Hồ Đức Phớc, vẫn gửi gắm, mong mỏi cho tờ báo tỉnh nhà tìm hiểu, viết kỹ hơn về chân dung ông, để mọi người luôn nhớ, luôn noi hương ông mà làm việc, cống hiến. Điều quan trọng là người dân Quỳnh Lưu vẫn mãi biết ơn ông khi bưng bát cơm mới, hay đi trên những con đường rộng mở hôm nay.

Thùy Vinh

TIN LIÊN QUAN