(Baonghean) - Câu chuyện bắt đầu từ lá đơn của anh H.K.S (TX. Cửa Lò) gửi lên Sở Y tế Nghệ An khiếu nại về kết quả xét nghiệm HIV của anh sau hơn 10 năm có sự khác biệt, từ dương tính “bỗng” thành âm tính. Sự việc hy hữu này gây xôn xao và ngay lập tức, ngành Y tế cũng như ban, ngành liên quan đã “vào cuộc”.
“Bỗng dưng” khỏi bệnh
Có thể tóm tắt sự việc như sau: Năm 2003, khi đó, anh S. đang thi hành án phạt tù tại Trại cải tạo số 3 - Bộ Công an thì được trại lấy máu xét nghiệm HIV. Việc lấy mẫu máu cho các phạm nhân trong trại thuộc Chương trình giám sát trọng điểm do Ban AIDS quản lý, đây là một quy trình chặt chẽ phối hợp giữa Ban AIDS và các trại giam trên địa bàn của Bộ Công an. Kết quả lưu xét nghiệm thuộc Chương trình giám sát trọng điểm tại Trại giam số 3 có tên H.K.S, dương tính với HIV.
Tháng 8 năm 2013, anh S. được ra tù và có tên trong diện được quản lý đối với người nhiễm HIV tại địa phương. Trong quá trình theo dõi tại địa phương, nhận thấy anh S không có biểu hiện của bệnh HIV, Ban chỉ đạo Phòng chống HIV của phường (nơi anh S cứ trú) đã tư vấn cho anh đi xét nghiệm tự nguyện tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS vào năm 2014, và kết quả là anh S được xác nhận âm tính với HIV. Sau khi có kết quả từ trung tâm, anh S. cũng đã làm thêm một số xét nghiệm nữa tại một vài trung tâm khác, và cũng cho kết quả tương tự. Sau khi có kiến nghị của anh S, đồng thời dựa trên kết quả mới, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS đã gửi công văn xuống Trung tâm Y tế Cửa Lò, Trạm Y tế phường đề nghị xóa tên anh S khỏi diện quản lý người nhiễm HIV/AIDS.
Trường hợp hy hữu?
Có thể nói, chuyện “khỏi bệnh” của anh S là một tin quá vui đối với anh, gia đình anh cũng như đối với ngành Y và đối với cộng đồng nói chung, nhưng từ đây nảy sinh câu hỏi: Vì sao lại có kết quả khác nhau giữa 2 thời điểm làm xét nghiệm, nếu có nhầm lẫn thì nó thuộc về đâu? Chính những người trong ngành Y cũng hết sức ngạc nhiên trước sự việc hy hữu này. Bác sỹ Nguyễn Xuân Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho hay, bản thân ông trong suốt cuộc đời làm nghề, cũng lần đầu tiên gặp trường hợp xét nghiệm HIV dương tính sau hơn 10 năm lại cho kết quả âm tính.
Chúng tôi cũng đặt câu hỏi cho những nhà chuyên môn về khả năng có thể xảy ra đối với diễn biến của một căn bệnh, cụ thể ở đây là với người được xác định nhiễm HIV. Tỷ lệ nhầm lẫn và sai sót, ngay cả đối với các thiết bị xét nghiệm tối tân cũng có thể có 1 trên chục ngàn trường hợp. Trên thế giới vẫn có (với một tỷ lệ vô cùng nhỏ) những trường hợp xét nghiệm dương tính, một thời gian sau lại âm tính. Nếu không phải do nhầm lẫn, người ta nghĩ đến cơ chế tự miễn của chính người bệnh. Đối với bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, người ta tính rằng có tỷ lệ 2/vạn (2 người trong 1 vạn người) có HIV nhưng hoàn toàn khỏe mạnh mà không phải điều trị.
Có trường hợp bệnh nhân người Đức, sau khi điều trị ung thư máu, lượng virus HIV trong cơ thể đã sụt giảm tới mức không thể phát hiện được và tình trạng này vẫn được duy trì kể từ đó, mặc dù ông không hề dùng các biệt dược kháng virus (ART), vốn thường được sử dùng để duy trì lượng HIV thấp ở các bệnh nhân. Mặc dù nhiều nhà khoa học cho rằng bệnh nhân này đã hoàn toàn khỏi bệnh, nhưng đối với các bác sỹ điều trị của bệnh nhân này thì đây vẫn chưa phải là lời khẳng định chắc chắn nhất, vì họ nghi ngờ virus HIV có thể đang ẩn náu ở đâu đó trong cơ thể ông.
Trên thế giới cũng đã ghi nhận 2 trường hợp bệnh nhân người Pháp bị nhiễm virus HIV nhưng chưa bao giờ phát triển các triệu chứng của bệnh AIDS. Các nhà khoa học cho biết virus vẫn có trong tế bào miễn dịch của họ, nhưng ở trạng thái không hoạt động, bởi vì mã gen của nó đã bị thay đổi.
Còn tại Việt Nam, chuyện các kết quả xét nghiệm HIV khác nhau cũng đã từng xảy ra với một bệnh nhân tại Đồng Nai. Bệnh nhân này trước khi mổ ruột thừa, được kiểm tra máu tại bệnh viện, và kết quả kiểm tra mẫu máu có nghi ngờ nhiễm HIV đã được chuyển đến Trung tâm y tế dự phòng tỉnh để xét nghiệm. Kết quả tại đây cũng là dương tính với HIV. Người nhà bệnh nhân sau đó đã đưa bệnh nhân đi xét nghiệm tại một cơ sở khác tại TP. Hồ Chí Minh, thì cho kết quả âm tính với HIV. Cũng tại Trung tâm y tế dự phòng tỉnh này, khi bệnh nhân trực tiếp đến lấy mẫu máu xét nghiệm lần nữa thì lại cho kết quả âm tính. Như vậy, chắc chắn ở đây đã có sự nhầm lẫn nhưng chưa xác định được nhầm lẫn ở khâu lấy máu, bảo quản hay xét nghiệm.
Niềm vui và bài học
Quay trở lại với sự việc của anh S. Sau khi có đơn kiến nghị của anh, Sở Y tế Nghệ An, các cơ quan có liên quan: Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Phòng chống AIDS tỉnh, Trại cải tạo số 3, Phòng Y tế Cửa Lò, Trung tâm Y tế Cửa Lò, Trạm Y tế phường nơi anh S sinh sống đã có buổi làm việc với anh S và gia đình anh (vào ngày 1/4 vừa qua). Tất cả các bên đã cùng lắng nghe ý kiến, phân tích các tình huống trên tinh thần cùng chia sẻ. Mặc dù sự việc đã xảy ra trên 10 năm, số cán bộ tham gia trực tiếp lấy mẫu máu xét nghiệm và cán bộ chăm sóc sức khỏe cho các phạm nhân trong Trại giam số 3 thời đó đã nghỉ hưu và tại thời điểm lấy máu xét nghiệm cho anh S, bộ phận Phòng chống HIV/AIDS mới thành lập, phương tiện máy móc còn nhiều hạn chế, song ngành Y tế cũng nhận thấy đó là điều đáng tiếc với ngành. Những nhầm lẫn và sơ suất trong ngành là có thể có và cần phải rút kinh nghiệm.
Sau buổi gặp gỡ, anh S và gia đình cũng đã cảm thông và chia sẻ với ngành Y tế, thống nhất chấm dứt khiếu nại. Những tổn thất về tinh thần trong nhiều năm chịu “bản án nhiễm HIV” là không nhỏ, nhưng kết quả không nhiễm HIV được khẳng định cũng là niềm vui lớn lao đối với anh và gia đình. Sau khi nhận được kết quả này, anh đã yên tâm lập gia đình và có một cuộc sống bình yên, những mặc cảm bệnh tật đã vĩnh viễn rời bỏ anh.
Niềm vui ấy không chỉ là của cá nhân anh S nữa, mà còn là niềm vui đối với ngành y, đối với xã hội khi bớt đi một người bệnh. Sự cảm thông, chia sẻ từ các bên liên quan và ở chính anh S đã làm nên một kết thúc có hậu ở câu chuyện này. Nó chính là lời chúc mừng đối với một người thoát khỏi “bản án” của “căn bệnh thế kỷ”. Sau sự việc này, theo ông Hồ Sơn - Chánh Thanh tra Sở Y tế thì sở cũng đã ngay lập tức chấn chỉnh và đẩy nhanh tiến độ thẩm định các phòng xét nghiệm đạt chuẩn.
Tuy nhiên, bài học sau câu chuyện với một cái kết có hậu này cũng cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc đối với tất cả các phía. Trước hết, về phía ngành Y, mệnh lệnh “không được để ra sơ suất” phải là mệnh lệnh hàng đầu. Và khi người dân, người bệnh đã thực sự thấu hiểu, chia sẻ thì mỗi cán bộ y tế lại càng phải có trách nhiệm cao hơn, tình nghĩa hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ của mình. Đối với công tác quản lý các can phạm, tù nhân cần phải chú trọng hơn nữa việc phối hợp kiểm soát, giám sát, theo dõi diễn biến về sức khỏe, bệnh tật.
Cuối cùng, không thể không nói đến trách nhiệm của mỗi người dân, gia đình và cộng đồng trong việc tự chăm sóc, kiểm soát sức khỏe, bệnh tật của chính mình. Việc khám sức khỏe định kỳ, sự quan tâm đến nhau trong gia đình, trong làng xóm cũng sẽ là một “kênh” rất quan trọng để kiểm soát vấn đề sức khỏe. Từ sự việc của anh S cho thấy, việc theo dõi, tư vấn của cán bộ y tế địa phương là vô cùng quan trọng.
T.V