(Baonghean) Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Tâm thần Nghệ An tiếp nhận 1 bệnh nhân được chẩn đoán bị F10 - rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng rượu. Tuy nhiên, chỉ trong 5 ngày, từ 17 - 21/2, có đến 10 bệnh nhân nhập viện với chứng bệnh trên.
Bệnh nhân nhập viện thường là các trường hợp trong thời gian sử dụng rượu, có các triệu chứng loạn thần như nói nhiều, thiếu chính xác, đập phá đồ đạc, ghen tuông bóng gió… Hoặc trường hợp người nghiện rượu phải đột ngột dừng uống rượu (vì bị chấn thương, cảm cúm, cao huyết áp…) trong vòng vài ngày đến 1 tuần, xuất hiện “hội chứng cai”: rối loạn giấc ngủ, bồn chồn, run, tim đập nhanh, động kinh, có ảo giác…
Chiếm một nửa số bệnh nhân nhập viện trong thời gian ra Tết là các bệnh nhân mới nhập viện lần đầu, còn lại là bệnh nhân tái phát. Ông Trần Ngọc Ánh (41 tuối, Đức Thọ, Hà Tĩnh) cho biết: “Tôi bắt đầu uống rượu từ năm 15 tuổi, uống nhiều từ năm 25 tuổi, mỗi ngày tôi uống một chai rượu bằng chai trà xanh không độ. Đợt trước Tết tôi uống nhiều hơn vì các bữa liên hoan, từ ngày mồng 2 Tết thì tôi dừng uống rượu. Đến ngày mồng 4 Tết tôi bị choáng, ngã đập đầu xuống sàn và được chuyển đến đây”.
Một bệnh nhân rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng rượu.
Theo thống kê của Bệnh viện Tâm thần Nghệ An, lượng bệnh nhân nghiện rượu đang tăng lên. Năm 2010, số bệnh nhân nhập viện có chẩn đoán rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng rượu là 264 người (chiếm 7% tổng số bệnh nhân điều trị nội trú) thì đến năm 2012 con số này là 315 người (8,6 %). Đáng lo ngại hơn, độ tuổi của người nghiện rượu có xu hướng giảm xuống. Thạc sỹ, Bác sỹ Phan Thị Hoa - Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực, Chống độc, Cai nghiện cho biết: Trước đây, các bệnh nhân nghiện rượu thường từ 50 tuổi trở lên, nhưng hiện tại nhiều nhất ở độ tuổi 40-50 tuổi. Đặc biệt, ngày 20/2, bệnh viện tiếp nhận một trường hợp mới 24 tuổi. Bệnh nhân chủ yếu là đàn ông, ở nhiều tầng lớp khác nhau, nhưng đa số là người có thu nhập thấp. Tuy vậy, các đối tượng này không thuộc diện hỗ trợ, chi trả của bảo hiểm y tế.
Hiện tại, các biện pháp cai rượu đã có nhiều tiến bộ, do đó bệnh nhân vào điều trị có thể trở lại trạng thái ổn định trong vòng 7 - 10 ngày. Sau khi ra viện, họ phải tiếp tục uống thuốc, điều trị hàng tháng và dừng sử dụng rượu. Nhưng điều khó khăn là người bệnh dễ tái nghiện khi họ không làm đúng nguyên tắc trên. Trường hợp khó cứu chữa là người bệnh nhập viện quá muộn, điều trị ở tuyến dưới không đảm bảo chất lượng, dẫn đến hôn mê. Loạn thần do rượu, nếu không được chữa trị cẩn thận, có thể biến chứng thành sảng rượu - giai đoạn nặng của nghiện rượu. Các trường hợp sảng rượu có tỷ lệ tử vong đến 30%. Một số người bệnh chủ quan không đến bệnh viện chữa trị dẫn đến bệnh nặng, một số có tâm lý e ngại không đến bệnh viện khám mà thuê bác sĩ, y tá về nhà chữa trị với chi phí cao. Điều trị chứng nghiện rượu tuyệt đối phải theo hướng dẫn từ bác sĩ. Bệnh viện Tâm thần Nghệ An đã có nơi điều trị cách ly trong khuôn viên khép kín cho các trường hợp mắc chứng bệnh này.
Người bình thường nếu uống trên 300 ml rượu/ngày trong hơn 5 năm sẽ dẫn đến nghiện rượu mãn tính. Trong tình hình chất lượng rượu trên thị trường không được kiểm soát chặt chẽ như hiện nay, nguy cơ nhiễm độc rượu, mắc chứng nghiện rượu càng cao hơn. Nghiện rượu gây ra những biến chứng về thể chất như bị các chứng bệnh về dạ dày, tá tràng, cao huyết áp, các chứng bệnh về gan, viêm thần kinh ngoại biên, teo não… Người bệnh không chỉ rối loạn tâm thần (loạn trí, mất trí…) mà còn bị biến đổi về nhân cách, trở nên ích kỷ, giảm sút tình cảm đạo đức, không quan tâm đến gia đình, làm tăng nguy cơ tai nạn giao thông và gây rối loạn an ninh trật tự xã hội. Do đó, bên cạnh việc tăng cường kiểm soát chất lượng đồ uống có cồn, chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của bia, rượu, đồng thời có những chế tài thích hợp để hạn chế tác hại do bia, rượu gây ra.
Bệnh nhân loạn thần do rượu tăng đột biến sau Tết
Nguyễn Trang