(Baonghean.vn) - Bệnh Glôcôm (dân gian thường gọi là bệnh thiên đầu thống) là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa trên thế giới, chỉ đứng sau đục thể thủy tinh và các bệnh lý thuộc bán phần sau của nhãn cầu.
 
Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì bệnh Glôcôm chiếm tỷ lệ 10% trong số các nguyên nhân gây mù. Tuy nhiên có thể phòng tránh được mù lòa do glôcôm bằng cách phát hiện sớm, điều trị kịp thời và theo dõi thường xuyên.
 
Theo WHO dự báo thì đến năm 2020, ước tính trên thế giới và các nước trong khu vực sẽ có khoảng 80 triệu người bị mắc bệnh Glôcôm. Kết quả điều tra của Bệnh Viện Mắt trung ương tại 16 tỉnh, thành ở người trên 50 tuổi, tỷ lệ mù lòa chung chiếm 3,1%, trong đó khoảng 25.000 người mù do bệnh Glôcôm, chiếm tỷ lệ 6,5 %. Hầu hết người dân tham gia khám sàng lọc (94%) còn lơ mơ hoặc không hề biết gì về bệnh Glôcôm. Bên cạnh đó, một vấn đề đáng báo động là việc người dân lạm dụng và tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa Corticoid kéo dài không có chỉ định của thầy thuốc, khiến cho mắt có thể bị Glôcôm. Qua điều tra của bệnh viện mắt Trung ương, số bệnh nhân bị Glômcom có tiền sử dùng Corticoid nhỏ mắt kéo dài chiếm 31,7% đến 33,1%, trong đó số người trong lứa tuổi lao động (25-59) chiếm 63,1%. 
 
773929_small_72315.jpg

    Phẫu thuật mắt bằng phương pháp Phaco tại Trung tâm Mắt Nghệ An

Qua điều tra thực tế tại Nghệ An cho thấy, công tác khám, phát hiện bệnh Glôcôm trong cộng đồng còn gặp khó khăn, do người dân hiểu biết về bệnh còn mơ hồ vì triệu chứng của bệnh không rõ ràng, bên cạnh đó trang thiết bị khám chuyên khoa được trang bị chưa đồng bộ, đội ngũ bác sĩ chuyên khoa mắt còn thiếu, số bệnh nhân glôcôm trong cộng đồng chưa được phát hiện là rất lớn, nhất là ở những vùng núi, vùng sâu, vùng xa, người dân ít được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
 
Bệnh Glôcôm rất nguy hiểm, bệnh có đặc điểm chung là nhãn áp tăng quá mức chịu đựng của mắt bình thường, lõm, teo đĩa thị thần kinh và tổn hại thị trường đặc hiệu. Bệnh không có biểu hiện rõ ràng mà  tiến triển âm thầm làm cho người bệnh không thể phát hiện là mình bị bệnh, đến khi xuất hiện các triệu chứng đau nhức mắt dữ dội, đau đầu vùng bên,  thấy mắt mờ dần, mất thị lực mới đến cơ sở y tế khám thì bệnh đã ở giai đoạn muộn, phẫu thuật mắt chỉ là giải pháp để bệnh nhân hết đau còn thị lực khó phục hồi.
 
Bệnh nhân Trần Thị Phước (ở khối 5, phường Nghi Tân, Thị xã Cửa Lò) đến khám tại Trung tâm Mắt trong tình trạng đau mắt dữ dội, đau đầu vùng bên, thị lực giảm, được chẩn đoán là bị Glôcôm, các bác sĩ đã phải mổ cấp cứu, mặc dù không bị mù mắt tuy nhiên thị lực của bệnh nhân Phước khó mà phục hồi được như trước.
 
Trao đổi với chúng tôi Bác sĩ, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Dũng – Trung tâm Mắt Nghệ An cho biết: “Hiện nay số bệnh nhân mắc Glôcôm  trong cộng đồng chưa được phát hiện là rất lớn, vì cơ chế bệnh sinh của bệnh vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng nên người dân không biết mình bị mắc bệnh chỉ khi bệnh nhân đến với chúng tôi để khám, điều trị  thì đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực. Vì thế người dân cần đi khám mắt định kỳ để phát hiện sớm bệnh sớm để điều trị kịp thời”  
 
Mỗi tháng Trung tâm Mắt Nghệ An tiếp nhận, khám, điều trị cho gần 5000 lượt bệnh nhân và phẫu thuật cho khoảng 300 bệnh nhân, trong đó có khoảng 30 bệnh nhân bị  glôcôm (chiếm tỷ lệ 10% số lượng phẫu thuật) và hầu hết số bệnh nhân này nhập viện trong tình trạng muộn nên nguy cơ mù lòa cao. Bên cạnh đó cũng có nhiều trường hợp do không tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ vì thế nguy cơ tái phát bệnh là rất cao.  
 
Bệnh Glôcôm còn có yếu tố di truyền nên người bệnh và những người thân của bệnh nhân cần có kiến thức để phát hiện bệnh Glôcôm sớm và đến ngay cơ sở chuyên khoa mắt để khám và điều trị kịp thời, hoặc những bệnh nhân mắc các bệnh như: đái tháo đường, tim mạch, cao huyết áp ...  cần đến cơ sở y tế chuyên khoa kiểm tra sức khỏe định kỳ để tránh được những hậu quả đáng tiếc. Những người từ 40 tuổi trở lên cần đi kiểm tra các bệnh về mắt đặc biệt là đo nhãn áp.
 
Ngày Glôcôm thế giới năm nay có chủ đề “Đừng để bệnh glôcôm làm tăm tối cuộc đời bạn”, nhằm gửi thông điệp tới cộng đồng: bệnh glôcôm phải được theo dõi và điều trị suốt cuộc đời.


Từ Thành