(Baonghean) - Theo thống kê, tỉ lệ trẻ sinh ra mắc dị tật tim bẩm sinh là 1/100, trong đó khoảng 1/3 số dị tật nhẹ, không cần điều trị, một số dị tật xuất hiện khi trẻ sinh ra nhưng sẽ mất đi sau đó. Với những trường hợp này, cha mẹ cần cho trẻ tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi tổn thương và can thiệp kịp thời khi cần thiết.

Một số biểu hiện của trẻ bị tim bẩm sinh thường gặp là: trẻ hay bị ho, khò khè tái đi tái lại, thở khác thường (thở nhanh, lồng ngực rút lõm khi hít vào), da xanh xao, lạnh, vã nhiều mồ hôi khi khóc và bú. Trẻ bị tim bẩm sinh nặng và phức tạp thường tím môi, đầu ngón tay và chân, tăng lên khi khóc, khi rặn, khi bú...Trẻ bú hoặc ăn kém, chậm lên cân, thậm chí không tăng cân hay sụt cân. Trẻ chậm phát triển hơn so với trẻ bình thường (chậm mọc răng, chậm biết lật, bò...)...


Trẻ bị tim bẩm sinh cần được chăm sóc chu đáo, giữ trẻ ấm, vệ sinh, cho ăn uống điều độ, đủ chất. Không cho trẻ vận động mạnh hay chạy nhảy quá nhiều, tránh để trẻ gắng sức và làm những việc nặng nhọc. Trẻ cần giữ vệ sinh răng miệng tốt để tránh nhiễm trùng, cần phải dùng kháng sinh khi trẻ bị nhiễm trùng. Cho trẻ tái khám đúng hẹn và tuân theo điều trị của bác sỹ, ngay cả khi trẻ đã được phẫu thuật, bởi sau phẫu thuật một số bệnh tim bẩm sinh vẫn cần theo dõi và khi lớn lên trẻ có thể gặp một số vấn đề về sức khoẻ.


Để hạn chế trẻ sinh ra bị tim bẩm sinh, các bà mẹ không nên mang thai ở độ tuổi dưới 20 và trên 35; cần quan tâm đến những vấn đề sức khoẻ trước và trong khi mang thai: cải thiện môi trường sống, tránh để ô nhiễm; tránh các tác nhân vật lý, hoá học, chất độc, các loại thuốc an thần, nội tiết tố, rượu, thuốc lá... Cần tiêm phòng hoặc tránh tiếp xúc với các nguồn bệnh do virut gây ra như: Rubella, quai bị, Herpes, Cytomegalovirus, Coxsaskie B... Nếu người mẹ có các bệnh chuyển hoá như: Tiểu đường, Lupus ban đỏ lan toả... thì cần phải điều trị sớm.


Trần Đức Lượng