(Baonghean) - Trong nắng vàng của mùa Thu cách mạng, Thành Vinh rực cờ và hoa tưng bừng kỷ niệm 80 năm Xô viết Nghệ - Tĩnh, người dân Thành phố đỏ mãi mãi khắc ghi trong tim mình: nền độc lập này được đắp xây bằng biết bao xương máu của cha anh…

Chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng, song những chứng tích lịch sử, những khúc tráng ca bi hùng về một Bến Thuỷ… vẫn sống mãi trong tâm hồn người Việt.
 
Bến Thuỷ những năm 1930 đã trở thành một khu công nghiệp lớn của Trung Kỳ. Nơi đây, Pháp đã xây dựng trên 20 nhà máy (riêng khu vực Bến Thuỷ có 7 nhà máy) tập trung trên 7.000 công nhân. Một số nhà máy lớn, như sửa chữa toa xe Trường Thi 3.700 công nhân; Nhà máy Diêm 400 công nhân; nơi ít nhất như nhà máy Đèn cũng có trên 100 công nhân… 
 

814992_small_57962.jpg
 Một góc thành phố Vinh.

Từ đầu năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân, nông dân và quần chúng lao động Vinh - Bến Thuỷ đã diễn ra hết sức mạnh mẽ. Ngày 13/3/1930, công nhân nhà máy cưa Thái Hợp đình công để pháp đối một tên cai đã đánh đập và đuổi 3 công nhân. Sau đó 9 này, 500 công nhân nhà máy Diêm Bến Thuỷ đã nhất loạt đình công. Họ đấu tranh đòi bọn chủ phải tăng tiền công 25%, giảm thời gian làm việc từ 16 giờ xuống 12 giời một ngày…
 
Sáng ngày 1/5/1930, tỉnh bộ Vinh do Lê Mao trực tiếp chỉ đạo, đã huy động hàng ngàn nông dân làng Yên Dũng Hạ, Yên Dũng Thượng, Lộc Đa, Đức Hậu, An Hậu kéo vào thành phố phối hợp với công nhân Vinh- Bến Thuỷ tổ chức một cuộc biểu tình tuần hành để đòi chính quyền thực dân phải giải quyết các quyền lợi cho thợ thuyền và dân cày. Mặc dù chính quyền thực dân, phong kiến tập trung mọi cố gắng để ngăn chặn, doạ dẫm, nhưng quần chúng như triều dâng, nước lũ vẫn hùng dũng tiến lên. Hơn một vạn nông dân và lao động thành phố ào ạt diễu hành trước những cơ sở công nghiệp của tư bản Pháp. Lá cờ đỏ búa liềm của Đảng đã được cắm trên cột đèn giữa ngã ba Bến Thuỷ làm phấn khích tinh thần của quần chúng cách mạng. Tiếng hô khẩu hiệu vang lên không ngớt: “Đả đảo bọn thực dân cướp nước”; “Hãy tăng tiền lương, bớt giờ làm cho thợ thuyền”; “Xoá bỏ thuế thân, thuế thợ, thuế đò…” làm huyên náo cả một vùng Bến Thuỷ.
 
Báo Người lao khổ của Xứ uỷ Trung kỳ số ra ngày 2/5/1930 đã có bài tường thuật chi tiết về cuộc biểu tình này: “Tiếng hô vang trời của anh chị em làm cho đế quốc tư bản kinh hồn. Thằng giám binh chĩa súng bắn vào anh em, chị em… Thế là quân đế quốc và quân tư sản thẳng tay giết anh em dân cày và thợ thuyền… Cuộc biểu tình phải giải tán để lại 6 người chết và 18 người bị thương”. Máu thợ thuyền, máu dân cày Vinh- Bến Thuỷ đã tưới đỏ mặt đường ngã ba Bến Thuỷ.
 
Noi gương thợ thuyền và dân cày Vinh- Bến Thuỷ, hàng loạt các cuộc đấu tranh của quần chúng lao động đã nổ ra nhiều nơi thuộc hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, để rồi từ đó tạo nên cao trào cách mạng có một không hai trong lịch sử Việt Nam.

            “Kìa Bến Thuỷ đứng đầu dậy trước
            Nọ Thanh Chương tiếp bước tiến lên
            Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên
            Anh Sơn, Hà Tĩnh một phen dậy rồi”
                                         (Bài ca cách mạng - Đặng Chánh Kỷ)
 
Chính phong trào đấu tranh quyết liệt này đã tác động mạnh vào các vùng nông thôn, tạo nên cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh, làm lay chuyển bộ máy chính quyền thực dân, phong kiến ở thôn xã, hình thành nên chính quyền Xô viết trên một vùng rộng lớn. Cờ đỏ từ thành Vinh - Bến Thuỷ toả ra, lan khắp hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh làm cho bản đồ Nghệ Tĩnh rực lửa.
 
Phát huy truyền thống lịch sử, khí phách anh hùng của cha anh, phường Bến Thuỷ hôm nay trên con đường phát triển, ra sức xây dựng quê hương cách mạng đẹp giàu, chú trọng phát triển kinh tế theo hướng thương mại - dịch vụ, tạo điều kiện để TTCN, xây dựng và nông nghiệp phát triển bền vững. Trong 5 năm gần đây nhịp độ phát triển kinh tế cao, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 17%.  Tổng giá trị sản xuất ngoài quốc doanh đầu nhiệm kỳ 111 tỷ đồng, ước đến năm 2010 đạt 249 tỷ đồng, trong đó, dịch vụ thương mại đạt 201 tỷ đồng, chiếm gần 81%. Với niềm tự hào có Trường Đại học Vinh đóng trên địa bàn, đồng thời tạo điều kiện cho Phường phát triển thường mại dịch vụ, ngoài 15.400 nhân khẩu của phường, còn có 7000 nhân khẩu tạm trú của Đại học Vinh, tạo cho không gian đô thị luôn nhộn nhịp, sôi động.

Ngoài phát triển thương mại dịch vụ, Đảng uỷ, chính quyền Phường tạo điều kiện hành lang và môi trường cho các hộ dân đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh nhiều ngành nghề: mộc, cơ khí nhỏ, cơ khí sửa chữa, trang trí nội thất, các mặt hàng dân dụng, vận tải, xây dựng… nhiều cơ sở phát triển mạnh, thu hút nhiều lao động có thu nhập khá, ổn định. Trong 5 năm vừa qua, phường Bến Thuỷ đã nỗ lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, nhiều công trình có ý nghĩa mọc lên cao đẹp, đáp ứng được nguyện vọng của quần chúng nhân dân. Hơn 40 công trình được hoàn thành: Sân vận động, hệ thống truyền thanh FM, 4 nhà học cao tầng gồm 26 phòng và các phòng chức năng của 3 cấp học, xây dựng 7 nhà văn hoá khối, cải tạo nâng cấp nhà bia tưởng niệm các Liệt sỹ và khu di tích Cồn Mô, xây dựng vỉa hè đường Nguyễn Du, Phong Đình Cảng… với tổng mức đầu tư trên 14 tỷ đồng. Ngoài ra còn vận động nhân dân đóng góp xây dựng nhà văn hoá, mương thoát nước, đường bê tông, dự án nước máy, điện chiếu sáng… tổng mức đầu tư gần 5 tỷ đồng.
 
Trên địa bàn, quốc phòng an ninh được giữ vững, không có điểm nóng xẩy ra, xây dựng Phường đạt cơ sở an toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu. Nhiều năm liên tục nhân dân và cán bộ phường Bến Thuỷ được Bộ Công an tặng cờ “Đơn vị dẫn đầu phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc”. Phường thường xuyên duy trì công tác trực sẵn sàng chiến đấu, phòng chống bão lụt; thực hiện tốt công tác chính sách hậu phương quân đội. Ít nơi nào làm được như Bến Thuỷ, luôn luôn quan tâm chăm lo công tác giáo dục, bồi dưỡng chủ nghĩa Mác- Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ ngày hôm nay.
 
Thế hệ trẻ phường Bến Thuỷ sẽ gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp của quê hương, để những truyền thống tốt đẹp đó như mạch nước ngầm chảy mãi trên mảnh đất thiêng liêng này .