Trước thời điểm Hiệp định hết hiệu lực - 23/11, nhiều ý kiến còn khẳng định chắc chắn, Hàn Quốc sẽ chấm dứt và không gia hạn thỏa thuận này do những đối đầu thương mại sâu sắc giữa hai nước thời gian qua. Thế nhưng vào phút chót, Hàn Quốc đã có một quyết định bất ngờ khi đồng ý gia hạn Hiệp định, khiến cho mối quan hệ đồng minh Nhật - Hàn tạm thoát nguy cơ sụp đổ trong gang tấc!

gsomia_lubc6525827_24112019.jpgNgày 22/11, Hàn Quốc đã quyết định kéo dài Hiệp định chia sẻ thông tin tình báo quân sự (GSOMIA) với Nhật Bản. Ảnh: Teller Report

Quân sự hay kinh tế?

Thực tế, khả năng Hàn Quốc không gia hạn Hiệp định chia sẻ thông tin quân sự chung (GSOMIA) đã được đưa ra từ hồi tháng 8 năm nay. Khi đó, nước này dọa sẽ chấm dứt Hiệp định nhằm đáp trả việc Nhật Bản quyết định hạn chế xuất khẩu vật liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc xuất phát từ các tranh cãi trong lịch sử, đồng thời loại Seoul khỏi danh sách các đối tác thương mại đáng tin cậy.

Cụ thể, mối quan hệ Nhật - Hàn từ trước đó đã xấu đi nhanh chóng kể từ khi Tòa án Tối cao Hàn Quốc ra phán quyết, doanh nghiệp Nhật Bản phải bồi thường cho lao động cưỡng bức của Hàn Quốc trong giai đoạn Chiến tranh Thế giới thứ 2. Căng thẳng tiếp tục dâng cao khi Hàn Quốc sau đó cũng tuyên bố thông qua kế hoạch loại Nhật Bản khỏi danh sách các quốc gia được hưởng đặc quyền thương mại của nước này. Seoul hồi tháng 9 cũng đệ đơn lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về tranh chấp thương mại với Tokyo trong vấn đề giới hạn xuất khẩu.

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-Koo (phải) và Đại sứ Nhật Bản tại Hàn Quốc Yasumasa Nagamine tại lễ ký Hiệp định bảo mật thông tin quân sự chung (GSOMIA) ở Seoul ngày 23/11/2016 (Ảnh tư liệu do Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cung cấp). Ảnh: AFP/TTXVN

Cần nhắc lại, Nhật Bản và Hàn Quốc ký Hiệp định GSOMIA ngày 23/11/2016, với mục đích chủ yếu là ứng phó với các vụ thử hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên.

Hiệp định này rất quan trọng bởi nó giúp khắc phục các điểm yếu của hai nước trong việc đối phó với các vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng. Hiệp định cũng cho phép hai nước chia sẻ thông tin quân sự nhạy cảm thay vì thông qua đồng minh chung là Mỹ. Hiệp định này vốn được gia hạn tự động hàng năm, thế nhưng bất cứ bên nào cũng có thể dừng hoặc rút khỏi thỏa thuận và chỉ cần thông báo trước. Bất chấp chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định, Hiệp định GSOMIA và các vấn đề tranh cãi thương mại là hoàn toàn riêng biệt, không nên gộp chung để đàm phán hoặc gây tác động, hệ lụy lẫn nhau. Nhưng chính quyền Seoul vừa qua liên tiếp hối thúc Tokyo nếu muốn gia hạn Hiệp định trước hết cần phải dỡ bỏ những biện pháp thương mại áp vào Hàn Quốc.

Về phía Nhật Bản, rõ ràng nước này lo lắng việc gián đoạn Hiệp định GSOMIA sẽ gây khó khăn và rủi ro trong việc giám sát các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Chưa hết, nếu Hàn Quốc thực sự rút khỏi thỏa thuận, quan hệ bộ 3 đồng minh Nhật - Mỹ - Hàn sẽ “rơi tự do”. Cũng có nghĩa, các cấu trúc và trục an ninh quan trọng trong khu vực sẽ thay đổi theo hướng bất lợi cho Tokyo. Tất nhiên về phần mình, các mối đe dọa tên lửa từ CHDCND Triều Tiên luôn là mối lo thường trực đối với Hàn Quốc. Thế nhưng, tạo một lợi thế trước cử tri là ưu tiên lớn hơn mà Tổng thống Moon Jae-in hướng đến trước cuộc bầu cử vào tháng 4 năm tới. Bởi theo một cuộc thăm dò dư luận mới đây, người dân Hàn Quốc ủng hộ mạnh mẽ việc chấm dứt thỏa thuận GSOMIA với Nhật Bản, trong bối cảnh quan hệ song phương đang xấu đi nhanh chóng.

Người biểu tình Hàn Quốc phản đối việc gia hạn Hiệp định GSOMIA với Nhật Bản. Ảnh: EPA

Sức ép từ Mỹ

Tưởng chừng như thời hạn chót 23/11 vừa qua đã đặt dấu chấm hết cho Hiệp định chia sẻ thông tin quân sự chung (GSOMIA) giữa 2 đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhưng bất ngờ vào phút chót, chính quyền Tổng thống Moon Jae-in đã gật đầu gia hạn thỏa thuận, tất nhiên với điều kiện đi kèm. Bất ngờ là bởi, mấy tháng vừa qua, các nỗ lực của cả Nhật Bản và Mỹ nhằm thuyết phục Hàn Quốc gia hạn GSOMIA đều không hiệu quả. Trong đó phải kể tới cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Nhật - Hàn tại Hội nghị Quốc phòng ASEAN mở rộng tại Bangkok, Thái Lan cũng như cuộc gặp 3 bên có sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper. Chuyến thăm của ông Esper đến Hàn Quốc trước đó cũng chưa hề có dấu hiệu khởi sắc.

Thuyết phục không xong, Mỹ tất nhiên sẽ chẳng thể để yên cho quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật - Hàn xuống dốc, ảnh hưởng đến chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của nước này. 

Nhìn lại mới hôm 19/11 vừa qua, Mỹ đã bỏ ngang vòng đàm phán mới nhất về chia sẻ chi phí quân sự với Hàn Quốc. Chưa hết, Mỹ còn yêu cầu đồng minh Hàn Quốc phải tăng mạnh các khoản chi phí cho việc duy trì các lực lượng gồm 28.500 binh sỹ Mỹ tại đây. Các thông tin cho hay, Mỹ đã yêu cầu Hàn Quốc chi trả gần 5 tỷ USD vào năm tới để trang trải các chi phí liên quan đến các cuộc tập trận chung cũng như duy trì hoạt động của lượng lớn binh sỹ tại đây. Trước sức ép không hề nhỏ này, có lẽ Hàn Quốc cũng không còn lựa chọn nào khác là “gật đầu” với Nhật Bản để gia hạn Hiệp định GSOMIA.

Trục quan hệ Mỹ - Nhật - Hàn vẫn là trọng tâm chính sách đối ngoại và an ninh của cả 3 nước. Ảnh: Yonhap, EPA

Theo giới quan sát, tình huống vừa rồi nếu nhìn thoáng qua có vẻ là việc “cực chẳng đã” của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khi phải đồng thuận với Nhật Bản trước sức ép của Mỹ. Thế nhưng thực tế ít ai nghĩ, ông Moon Jae-in lại có những lợi thế nhất định. Bởi Hiệp định GSOMIA vốn vẫn rất cần thiết không chỉ với Nhật Bản mà cả Hàn Quốc, trong bối cảnh Triều Tiên vẫn liên tục có các vụ thử tên lửa thời gian qua. Hơn nữa, trục quan hệ Mỹ - Nhật - Hàn không thể phủ nhận vẫn đóng vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại, an ninh của Seoul. Còn trong mắt cử tri, ông Moon Jae-in chẳng qua phải gia hạn Hiệp định trước sức ép từ Mỹ để đánh đổi việc chia sẻ chi phí quốc phòng mà thôi!

Đến nay, tình hình quan hệ hai bên cũng đã có những sáng sủa hơn, khi Ngoại trưởng hai nước bên lề Hội nghị Ngoại trưởng G20 vừa qua đã nhất trí nỗ lực tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo vào tháng tới. Tất nhiên, tương lai lâu dài của Hiệp định GSOMIA cũng chưa thể nói trước điều gì! Bởi Hàn Quốc trong tuyên bố của mình vẫn khẳng định có thể chấm dứt thỏa thuận bất cứ lúc nào - nếu cuộc đàm phán về các biện pháp quản lý xuất khẩu các nguyên liệu công nghệ cao với Nhật Bản thất bại. Ngược lại, chính quyền Tokyo hiện vẫn muốn duy trì các biện pháp này để tạo sức ép cho Seoul thay đổi phán quyết của Toàn án về vấn đề lao động cưỡng bức. Bởi thế, quyết định của Hàn Quốc vừa qua có thể tạm coi là “gỡ nút thắt” cho những căng thẳng Nhật - Hàn. Nhưng điều này không đồng nghĩa, mâu thuẫn và bất đồng sẽ không bị thổi bùng lên bất cứ lúc nào!