DẤU MỐC QUAN TRỌNG
Là một trong những đối tác đối thoại quan trọng của ASEAN, trong suốt 30 năm qua kể từ khi thiết lập quan hệ đối thoại, ASEAN và Hàn Quốc đã có nhiều bước tiến phát triển đáng kể.
Chỉ tính riêng lĩnh vực thương mại, kim ngạch song phương đã tăng lên gấp 20 lần trong năm 2019 so với những năm 80 của thế kỷ trước. Hai bên đặt kỳ vọng quan hệ thương mại song phương đạt mức 200 tỷ USD vào năm 2020.
ASEAN hiện là đối tác thương mại và đầu tư lớn thứ hai của Hàn Quốc, đồng thời là điểm đến du lịch nổi tiếng nhất đối với người dân nước này, trong khi Hàn Quốc là đối tác kinh tế lớn thứ năm của ASEAN và là điểm đến hàng đầu của người lao động, du học sinh và khách du lịch ASEAN.
Cách đây hơn 2 năm, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in lên nhậm chức đã đề ra ưu tiên thúc đẩy hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á trong khuôn khổ “chính sách hướng Nam mới”
Chính phủ Hàn Quốc khẳng định đây không phải là lời nói, mà là một ưu tiên chính sách thực sự, được đại diện bằng khẩu hiểu với 3 chữ P mang nghĩa: nhân dân (people), thịnh vượng (prosperity) và hòa bình (peace).
Kể từ đây, mối quan hệ hợp tác giữa ASEAN với Hàn Quốc càng trở nên gắn bó, thể hiện trên tất cả các khía cạnh ngoại giao, kinh tế cho đến an ninh, văn hóa… Ông Moon Jae-in trở thành Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc thăm toàn bộ 10 quốc gia ASEAN chỉ trong nửa nhiệm kỳ đầu tiên.
Song song với đó, hai bên đã tổ chức thành công nhiều hội nghị cấp bộ trưởng, từ Quốc phòng, Ngoại giao đến Văn hóa, Lâm nghiệp…; thiết lập các cơ quan hợp tác trong từng lĩnh vực như Trung tâm Hợp tác khoa học công nghệ, Trung tâm Hợp tác tài chính; mở rộng các quỹ hợp tác như Quỹ Hàn - ASEAN và Hàn - Mekong, chương trình cấp vốn ODA hướng Nam mới.
Đối với Seoul, “chính sách hướng Nam mới” không chỉ giúp Hàn Quốc mở rộng hợp tác với các đối tác mới và tăng cường tầm ảnh hưởng trong một khu vực rộng lớn, mà còn tạo cơ hội để giảm bớt sự lệ thuộc lớn vào 4 đối tác lâu nay của Hàn Quốc là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU).
Cách tiếp cận quá chú trọng vào các nước lớn trước đây đã làm giới hạn việc hoạch định chiến lược ngoại giao của Hàn Quốc, trong khi các bất ổn về trật tự chính trị quốc tế đang ngày càng gia tăng.
Với việc đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, đặc biệt với các nước tầm trung ở Đông Nam Á, Hàn Quốc sẽ giảm sự cô lập trước đây khi chỉ quan tâm đến các nước lớn là Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản; đồng thời thu được các lợi ích kinh tế, an ninh cụ thể.
Trong khi đó, có thể thấy, tất cả các nước ASEAN đều đón nhận chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc với kỳ vọng Seoul sẽ trở thành một đối tác quan trọng giúp bổ trợ và phát huy tối đa lợi ích của mỗi bên.
Đối với ASEAN, Hàn Quốc là “láng giềng gần”, có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa, không có cạnh tranh hay xung đột địa chính trị. Đây là một điểm then chốt giúp duy trì và phát triển mối quan hệ một cách bền vững.
Sự kiện kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ đối thoại ASEAN - Hàn Quốc được xem là dấu mốc quan trọng, nhằm đánh giá hiệu quả của quá trình hợp tác cũng như mở ra cánh cửa tương lai đầy hứa hẹn cho mối quan hệ hai bên.
Có thể thấy, cả ASEAN và Hàn Quốc đều chủ trương coi trọng sự kiện đặc biệt này khi tổ chức hàng loạt sự kiện ngoại giao, văn hóa trong suốt gần 1 năm qua.
CHẤT XÚC TÁC CHO MỐI QUAN HỆ ASEAN - HÀN QUỐC
Có lẽ không phải ngẫu nhiên, cả Hàn Quốc và 10 quốc gia ASEAN đều đặt mối quan tâm ưu tiên cho Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt ASEAN - Hàn Quốc lần này. Đây có thể xem là điểm khởi đầu cho một hành trình mới mà hai bên kỳ vọng sẽ đưa mối quan hệ hợp tác lên một tầm cao mới sau 3 thập kỷ “đặt nền móng”.
Quả thực, xét trên khía cạnh khách quan và chủ quan, ASEAN và Hàn Quốc hoàn toàn có cơ hội để nâng tầm mối quan hệ, đồng thời đưa sự hợp tác ngày càng bền vững hơn.
Trật tự thế giới hiện nay nổi lên nhiều thách thức như cạnh tranh Mỹ - Trung, những vấn đề phức tạp trên Biển Đông và cả căng thẳng Nhật - Hàn... đã góp phần đẩy Hàn Quốc và ASEAN tới gần nhau hơn.
Có thể nói, cạnh tranh và hợp tác Trung Quốc - Mỹ là yếu tố quan trọng tác động đến cục diện và tình hình khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và môi trường đối ngoại của Hàn Quốc nói riêng.
Về kinh tế, Trung Quốc là đối tác thương mại xuất khẩu số một của Hàn Quốc, Mỹ giữ vị trí số hai. Tuy nhiên về an ninh, chính quyền Tổng thống Moon vẫn coi Mỹ là đối tác hàng đầu trong việc đối phó với thách thức từ Triều Tiên.
Mỹ và Trung Quốc đang bước vào giai đoạn cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa một cường quốc đã định hình và một cường quốc mới trỗi dậy. Sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc khiến các nước nhỏ hơn như Hàn Quốc có nguy cơ mất vai trò và buộc phải lựa chọn một bên.
Đương nhiên sự lựa chọn này bao giờ cũng đi kèm với những rủi ro, chính vì thế Tổng thống Moon từng thể hiện quan điểm sẽ đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ ngoại giao.
Các nước thành viên ASEAN dù có sự khác biệt về thể chế chính trị và trình độ phát triển kinh tế nhưng đã và quản lý tốt các bất đồng thông qua đối thoại từng bước, bền bỉ và hợp tác chặt chẽ để phát triển thành một cơ chế hợp tác khu vực linh hoạt và kiểu mẫu.
Hàn Quốc đánh giá cao quan điểm của ASEAN về khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và sẽ tiếp tục tìm kiếm khả năng hợp tác chính sách hướng nam mới của Hàn Quốc.
Đối với ASEAN cũng vậy, sự cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn cũng đặt ra thách thức cho khối trong việc duy trì sự cân bằng cũng như tránh những tác động từ “cuộc chiến” của các nước lớn. Hợp tác với Seoul tất nhiên sẽ mang lại những lợi ích thiết thực về thương mại cũng như an ninh cho ASEAN.
Nói tóm lại, trong một thế giới nhiều biến động, mọi quốc gia bao gồm cả Hàn Quốc và ASEAN đã tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, không có quốc gia nào có thể tự sinh tồn và thịnh vượng nếu không có sự cam kết và hợp tác.
Hàn Quốc là một đối tác cần thiết, không thể thiếu của ASEAN và ASEAN cũng sẽ trở thành một đối tác quan trọng không kém các cường quốc khác với Hàn Quốc.
Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt ASEAN - Hàn Quốc kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ đối thoại là cơ hội tốt để hai bên định hình hướng phát triển cho tương lai, vì ổn định, thịnh vượng và bền vững.