Toàn tỉnh hiện có 5 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá gồm: Lạch Quèn, Lạch Thơi (Quỳnh Lưu); Lạch Cờn (TX. Hoàng Mai); Lạch Vạn (Diễn Châu); Lạch Lò (TX. Cửa Lò), đáp ứng nhu cầu tránh trú cho 2.000 tàu thuyền. Trong khi đó, số tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên trên địa bàn Nghệ An đã lên đến 3.448 chiếc.
Điều này có nghĩa hơn 1/3 tàu cá lớn trong tỉnh sẽ không có điểm neo đậu khi mưa bão đến. Chưa kể nhiều điểm tránh trú bão hiện nay chỉ xây dựng cho có, bởi tàu thuyền không thể vào được.
Cụ thể, tại huyện Diễn Châu, cách đây hơn 15 năm, một dự án xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền và nạo vét luồng lạch tại Lạch Vạn, do UBND huyện Diễn Châu làm chủ đầu tư đã được thực hiện với tổng mức đầu tư khoảng trên 100 tỷ đồng.
Theo đó, tại Lạch Vạn (đoạn từ Diễn Kỷ đến cầu Diễn Kim), dài khoảng hơn 2km được xây dựng rất nhiều trụ bê tông làm điểm neo đậu tránh trú bão, đáp ứng cho khoảng 500 tàu có công suất 200CV vào trú ẩn. Những trụ neo đậu này được đặt hai bên lạch, mỗi trụ cách nhau từ 20-30m.
Tuy nhiên, sau khi xây dựng, tàu thuyền khó đến được các điểm tránh trú này. Bởi vì trên thực tế, nếu tàu thuyền muốn đến được các điểm neo đậu này phải chui qua 3 chiếc cầu tại Diễn Kim, Diễn Vạn và Diễn Kỷ. Đây gần như là một “nhiệm vụ bất khả thi”, đối với ngư dân mỗi khi có bão. Song, muốn lên được các điểm neo đậu thì phải đợi khi có nước to, nhưng nghịch lý ở chỗ, nếu nước dâng lên thì tàu không thể chui lọt qua các cầu dân sinh. Thành thử mỗi khi có bão, ngư dân phải neo tàu ngoài cảng cá, hoặc đi tìm nơi khác trú ẩn.
Do xây dựng lên nhưng không thể sử dụng, nên nhiều trụ neo đậu tàu thuyền dọc Lạch Vạn đã bị người dân địa phương lấn chiếm, có trụ thì được vây lại làm chuồng gà, có trụ bị tháo mất các tấm ốp cao su chống va đập, có trụ bây giờ trở thành nơi buộc dây chằng néo lồng nuôi cá.
Không riêng gì tại Diễn Châu, tại khu vực TX. Hoàng Mai, điểm neo đậu tránh trú bão Lạch Cờn phê duyệt đủ điều kiện neo đậu cho 500 tàu cá. Tuy nhiên trên thực tế, do vướng cầu Cờn nên hầu như không tàu lớn nào của ngư dân Quỳnh Phương, Quỳnh Lập có thể chui qua được để lên điểm trú ẩn.
Chưa tính điểm neo đậu Lạch Cờn, ngay đoạn lạch cụt thuộc địa phận phường Quỳnh Dị và Quỳnh Phương (một nhánh nhỏ của Lạch Cờn), từ lâu đã được xây dựng hệ thống cọc trụ bê tông để neo đậu tàu thuyền. Tuy nhiên, không có tàu cá lớn nào có thể đến đây để neo đậu được.
Anh Nguyễn Văn Mười, xóm Đồng Tiến (Quỳnh Lập), cho biết: Cứ mỗi khi đến mùa mưa bão là không chỉ riêng anh mà ngư dân Quỳnh Lập, Quỳnh Phương lại rất vất vả đem tàu đi trú ẩn. Tàu của anh Mười là một trong những tàu cá lớn nhất Quỳnh Lập, có công suất 1.300CV, chuyên đánh bắt xa bờ.
“Mỗi lần nghe tin có bão là chúng tôi lại phải đem tàu đi trốn, mà có phải nói đi là dễ dàng đâu, thường phải đi trước khi bão vào 3 ngày, phải chuẩn bị đồ ăn, nước uống, và các vật dụng cần thiết. Nếu chờ đến khi bão đổ bộ thì không thể đi được, chưa kể lúc đó cũng chẳng còn chỗ nào cho tàu mình trú. Có những lúc chạy ra đến nơi trú ẩn, neo đậu, chằng chéo tàu xong thì hay tin bão đổi hướng, thế là cả chục triệu tiền dầu đi tong” – anh Mười chia sẻ.
Quỳnh Lập hiện có hơn 140 tàu lớn, chuyên đánh bắt xa bờ, trong đó riêng loại tàu lưới chụp có 4 cột cao 12m đã lên đến 130 chiếc. Những loại tàu lớn này khi có bão không thể lên được khu tránh trú Lạch Cờn vì bị cầu Cờn ngăn lại. Chính vì thế ngư dân thường phải đi neo đậu ở Hải Thanh (Tĩnh Gia, Thanh Hóa), hoặc vào Cửa Hội, Lạch Quèn, thậm chí vào Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Ước tính mỗi khi có bão, ngư dân Quỳnh Lập phải mất từ 3-4 tỷ đồng chỉ để mang tàu đi trốn. Việc phải đưa tàu đi tránh trú ở các địa phương khác, trong khi trên địa bàn có điểm neo đậu, vừa gây thiệt hại lớn về kinh tế đã đành, lại còn dễ gây ra xích mích với người dân bản địa khi các tàu tranh giành nhau điểm trú bão./.