Ước tính 4 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 28.056,79 tỷ đồng, tăng 11,61% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 4/2021 ước đạt 5.454,72 tỷ đồng, chiếm 82,15% tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ, tăng 49,22% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, lương thực, thực phẩm dự tính đạt 1.719,77 tỷ đồng, tăng 1,13%. Hàng may mặc ước đạt 325,60 tỷ đồng, tăng 147,01%. Đồ dùng, dụng cụ gia đình ước đạt 570,57 tỷ đồng, tăng 111,40%. Vật phẩm văn hóa giáo dục ước đạt 47,89 tỷ đồng, tăng 45,67%. Gỗ và vật liệu xây dựng ước đạt 416,42 tỷ đồng, tăng 13,56%. Ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) ước đạt 838,17 tỷ đồng, tăng 173,78%; Phương tiện đi lại trừ ô tô con (kể cả phụ tùng) ước đạt 322,08 tỷ đồng, giảm 1,09%; Xăng dầu các loại ước đạt 712,36 tỷ đồng, tăng 114,89%…
Trong bối cảnh khó khăn chung của dịch Covid-19, thị trường nội địa chính là bệ đỡ cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Không đợi đến mùa hè nóng nực, ngay từ tháng 3, hàng loạt nhà bán lẻ đã khuyến mãi sâu hàng điện lạnh, kích cầu tiêu dùng, khơi thông thị trường. Cụ thể, các siêu thị điện máy có chương trình giảm giá các mặt hàng điện, điện tử, điện lạnh.
Bà Trần Mỹ Hà - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) cho biết, ngành luôn tạo điều kiện để phát triển mạnh thị trường nội địa. Theo đó, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng, sản phẩm, nhất là hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, đảm bảo phân phối hàng hóa hợp lý giữa các địa phương, ổn định cung cầu, giá cả.
Công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ đang đặt ra cấp thiết nên sẽ phối hợp chặt chẽ với lực lượng quản lý thị trường, thực hiện sát sao, góp phần bảo vệ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng lành mạnh trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu tạo điều kiện để các tiểu thương, HTX, doanh nghiệp lưu thông hàng hóa.